| Hotline: 0983.970.780

Thành phố bí ẩn trong hoang mạc Kalahari

Chủ Nhật 25/11/2018 , 13:15 (GMT+7)

Trải rộng trên diện tích hơn 900.000 km3, tức là lớn gấp ba lần diện tích Việt Nam, sa mạc Kalahari khô cằn vắt từ Botswana, Namibia cho đến Nam Phi. Nơi được xem là khó sống nhất địa cầu ấy hóa ra lại ẩn chứa một bí mật.

14-28-53_1
Hoang mạc Kalahari

Từ “Kalahari” bắt nguồn từ ngôn ngữ Tswana, có nghĩa là “cơn khát khủng khiếp”, được xem là một trong những nơi không thân thiện nhất đối với hoạt động sống của con người. Khắp nơi ngoài cát, chỉ toàn cây bụi, cây chết, đá, những đụn cát đỏ như máu nối tiếp nhau. Nước vô cùng khan hiếm. Cho mãi đến tận năm 1885, mới có người châu Âu đầu tiên đặt chân đến đây và đã chứng kiến một trong những điều bí ẩn nhất thế giới, cho đến nay chưa thể tìm ra lời giải thích hợp lý.
 

Cuộc thám hiểm vì kim cương

Cuộc thám hiểm này do nhà thám hiểm kiêm diễn viên Mỹ gốc Canada tên là William Leonard Hunt thực hiện. Khi ở Mỹ, ông ta, lấy nghệ danh là Farini, thường xuyên kiếm sống bằng các trò mạo hiểm như đi trên dây băng qua thác Niagara trên biên giới Mỹ-Canada. Tháng 2/1885, Hunt xuất phát từ Cape Town, Nam Phi cùng với một số tay thích mạo hiểm khác trong đó có các hướng dẫn viên địa phương. Đi cùng còn có con trai Hunt là Lulu.

Mục đích của chuyến đi không phải là các phát hiện khoa học, tìm ra các loài cây mới, các loại động vật mới hay các tộc người mới. Những người tham gia đơn giản là muốn làm giàu mà mục tiêu hướng tới là kim cương. Farini đã nghe ở đâu đó rằng vùng hoang mạc Kalahari rất nhiều thứ vật chất quý hiếm này. Đoàn thám hiểm, với giấc mộng kim cương trong đầu, đã tiến sâu vào vùng đất chưa ai ở thế giới văn minh từng đặt chân đến.

14-28-53_2
Một bức phác họa thành phố bí ẩn

Khi quay trở lại thế giới văn minh, Farini ngay lập tức viết một báo cáo về những gì ông ta chứng kiến và gửi cho Hiệp hội Địa lý Berlin ngay trong năm 1885 và một bản khác được gửi tới Hiệp hội Địa lý hoàng gia Anh vào năm sau đó. Một cuốn sách cùng chủ đề cũng được xuất bản, kể về những gì đoàn thám hiểm đã trải qua ở vùng đất bị mặt trời liên tục thiêu đốt. Cuốn sách của Farini mang tựa đề "Đi qua sa mạc Kalahari". Một trong những sự kiện chính của bản báo cáo cũng như cuốn sách là chi tiết đoàn thám hiểm đi tới một khu vực có vẻ như là tàn tích của một thành phố rất lớn, đã bị cháy một nửa. Theo suy đoán của Farini, thành phố cổ này ít nhất đã hàng ngàn năm tuổi. Ông viết về nó như sau: “Chúng tôi hạ trại ở chân núi, gần một mỏm đá, trông giống như một đoạn Vạn lý trường thành của Trung Quốc bị đổ sau một trận động đất. Đó là tàn tích của một kết cấu xây dựng lớn, đã bị cát phủ nhiều phần.

Chúng tôi cẩn thận đi thăm dò, quan sát khu vực phế tích trong khoảng 1,5km. Có rất nhiều tảng đá lớn đã được đục đẽo, chỗ này, chỗ kia, có dấu vết của ximăng giữa các tảng đá. Nói chung, bức tường có hình bán nguyệt… Nhiều dấu tích xây dựng có hình oval, có cả dấu vết của một dạng đường ray trên cao…

Bởi vì chúng đều ít nhiều bị cát vùi lấp, chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người đào hết cát lên (và công việc này rõ ràng là không phù hợp với đoàn người thám hiểm) và phát hiện ra rằng chính cát đã bảo vệ các mối nối công trình khỏi bị phá hủy.

Việc đào bới mất gần một ngày, khiến Jan rất tức giận. Anh ta không hiểu vì sao cần phải đào bới các cục đá đó lên. Đối với anh ta, đó là việc làm vô bổ… Chúng tôi bắt đầu đào cát ở khu vực hình bán nguyệt và phát hiện ra một dãy bậc thềm, lát trên là các phiến đá lớn… Con trai tôi cố gắng tìm kiếm một thứ gì đó giống như ký tự nhưng không thấy gì cả. Rồi nó chụp ảnh, dùng bút phác thảo lại một số thứ. Hãy để những người có kiến thức hơn chúng tôi kiến giải thành phố này từ đâu mà có”.

14-28-53_3
Bức tranh mô tả đoàn thám hiểm của Farini

Nói chung, thành phố bí ẩn được mô tả là rất rộng và Farini cho rằng một thảm họa nào đó đã xóa sổ thành phố cùng dân cư của nó. Nhưng điều kỳ lạ là chưa có sách vở nào ghi nhận có một nền văn minh vĩ đại ở khu vực này. Nhưng những thổ dân trong vùng thì từ lâu đã kể cho nhau nghe về những khu đô thị đã biến mất trong cát. Những câu chuyện này phủ màu huyền thoại lên hoang mạc Kalahari, khiến nơi khó sinh sống nhất nhì thế giới này nay mang một vẻ quyến rũ kỳ lạ và khó cưỡng nào đó đối với thế giới.
 

Thành phố chỉ là sự tưởng tượng?

Bị hấp dẫn bởi các lời kể, các bức phác họa, ảnh chụp do đoàn của Farini cung cấp, nhiều nhà thám hiểm khác đã lên đường đi tìm thành phố bí ẩn trong hoang mạc Kalahari. Tính đến nay, đã có hơn 30 cuộc tìm kiếm như thế được thực hiện. Nhưng không có chuyến đi nào thành công và cũng không ai được chứng kiến lại những gì đoàn thám hiểm của Farini mô tả. Một số người quay về và bày tỏ sự nghi ngờ những lời kể và bằng chứng.

Một trong những cuộc thám hiểm như thế được thực hiện năm 1964. Người chủ trì chuyến đi này là giáo sư A.J.Clement, người tin rằng ông đã đi đúng con đường mà đoàn Farini đã từng đi. Đoàn của Clement đã gặp một bãi đá có kết cấu khá lạ mà ông ta tin rằng đó chính là thứ mà Farini đã mô tả. Theo ông, rất có thể Farini đã nhầm tưởng đây là thứ do con người tạo ra. Giáo sư Clement cho rằng đây chỉ đơn thuần là một kết cấu đá được tự nhiên cấu thành, vì lý do nào đó khá dị thường. Rất có thể đó là hiệu ứng của một quá trình bị bào mòn tự nhiên của một khối đá do núi lửa phun trào được gọi là đá dolerite.

Ông Clement tỏ ra nghi ngờ câu chuyện nói rằng trong vùng đã truyền tai nhau giai thoại về một thành phố bí ẩn. “Lịch sử khí hậu của vùng Kalahari cho thấy có vẻ vùng hoang mạc này chưa từng trải qua những thay đổi đáng kể trong nhiều ngàn năm, và rõ ràng không thể có khu đô thị to lớn nào như lời kể của Farini có thể tồn tại mà không có một dòng sông chảy gần đó, hoặc ít nhất là các hồ lớn”, giáo sư Clement nói.

14-28-53_4
Một bãi đá trong hoang mạc Kalahari

Nhưng vẫn còn đó những người bị hấp dẫn bởi các huyền thoại. Bằng chứng là vào năm 2013, một nhóm nhà khoa học và đam mê thám hiểm lại bắt tay tìm thành phố bí ẩn với công nghệ ảnh vệ tinh Google Map. Nhóm đã tìm thấy một số kết cấu khá kỳ lạ trong hoang mạc, nhưng vẫn chưa thể xác định những hình ảnh thu được là một phần tường của thành phố cổ, hay đơn giản chỉ là một phần công trình thủy lợi gần đây đã bị bỏ hoang. Vì thế, có thể nói, câu chuyện về thành phố cổ trong hoang mạc Kalahari vẫn chưa có hồi kết.

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất