| Hotline: 0983.970.780

Thành phố Vinh, trái tim khu vực Bắc Trung Bộ

Chủ Nhật 08/09/2019 , 06:28 (GMT+7)

Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Vinh (Nghệ An) đã có bước đột phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

TP Vinh cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

Xứng tầm vị thế

Thành phố (TP) Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của địa phương. Cách thủ đô Hà Nội 295 km về phía Nam, cách TP Hồ Chí Minh 1.424 km, cách thủ đô Viên Chăn (Lào) 456 km về phía Đông, thành phố được xác định là cực tăng trưởng nằm trong vùng trọng điểm, gắn với khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.

Hàng năm thành phố đóng góp khoảng 33,52% ngân sách toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 6/2019, thành phố có đến gần 6.200 doanh nghiệp và 22.000 hộ đang hoạt động kinh doanh, tình hình nhìn chung vô cùng sôi động.

Dân số thành phố khoảng 500.000 người, đáng chú ý lực lượng lao động chiếm hơn 60%. Với nguồn lao động trẻ, dồi dào, có tay nghề chuyên môn, có tính sáng tạo, kỷ luật, tác phong văn minh… tất cả những yếu tố trên là cơ sở tạo nên lợi thế thu hút rất lớn của các nhà đầu tư.

Nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Vì thế thành phố nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước, là cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Thanh Thủy.

Chưa hết, hiện sân bay Vinh đang được quy hoạch và đầu tư mở rộng thành sân bay quốc tế. Bến cảng Cửa Lò dần mở rộng thành cụm cảng biển với điểm nhấn là cảng nước sâu. Ngoài ra hệ thống cấp điện, nước đang được nâng cấp, hoàn thiện. Hạ tầng các dịch vụ bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm vui chơi giải trí cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi cùng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, TP Vinh là một trong những trung tâm du lịch, trung tâm lưu trú, đầu mối trung chuyển cho các tour du lịch trong và ngoài tỉnh.

Từ đây du khách có thể dễ dàng tham quan, trải nghiệm các địa điểm nổi tiếng như: Khu du lịch Kim Liên, quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu mộ của đại thi hào Nguyễn Du; bãi tắm Cửa Lò; khu du lịch sinh thái Mường Thanh Safari Diễn Lâm; Vườn Quốc gia Pù Mát; thác Khe Kèm và các điểm du lịch sinh thái miền Tây xứ Nghệ.

Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển thành phố Vinh bao gồm toàn bộ thị xã Cửa Lò.

Tại Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chỉnh phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô đô thị khoảng 250km2, bao gồm toàn bộ TP Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, toàn bộ thị trấn Quán Hành và một số diện tích khác thuộc các huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Mục tiêu phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch.

Về tổng thể, sẽ phát triển TP Vinh cùng với thị xã Cửa Lò trở thành một trong những đô thị ven biển xứng tầm, là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với Khu kinh tế Đông Nam, từng bước trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND TP Vinh triển khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các phường, xã trên địa bàn nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung được duyệt. Đến lúc này các phường trung tâm đã xây dựng ổn định (Lê Mao, Hồng Sơn, Cửa Nam, Hưng Phúc, Quán Bàu, Hà Huy Tập, Lê Lợi, Quang Trung, Đội Cung).

Không ngừng lớn mạnh

Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, TP Vinh đã tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có thông qua việc đẩy mạnh quá trình huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Giai đoạn 2016-2018 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,54%, giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2016 đạt 68,4 triệu đồng, đến năm 2018 vọt lên 84,5 triệu đồng, cao gấp 2,23 lần mức bình quân chung toàn tỉnh. Với tốc độ hiện tại, mục tiêu đạt 141,7 triệu đồng/người năm 2020 hoàn toàn trong tầm với.

Nhìn chung cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2018 dịch vụ chiếm 66,61% (mục tiêu 65-66%); công nghiệp - xây dựng chiếm 32,07%, tỷ trọng nông nghiệp rút mạnh, xuống chỉ còn 1,32%. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ được nâng lên đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo thành phố. Các dịch vụ khác về tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, thông tin truyền thông tiếp tục có bước lột xác toàn diện, mạng lưới ngày càng được mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng hơn, chất lượng được nâng cao.

Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An là cơ sở y tế lớn trên địa bàn.

Thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) tăng trưởng khá, duy trì ổn định. Bình quân giai đoạn 2016-2018 hơn 2.367 tỷ đồng, cao gần 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2018 thu nội địa đạt hơn 2.426 tỷ đồng, trong đó thu thường xuyên đạt trên 1.111 tỷ đồng, thu cấp quyền sử dụng đất hơn 1.300 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An và thành phố, sự đồng hành của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và sự đồng thuận của nhân dân thành phố, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã có sự phát triển rõ nét, từng bước hình thành nên yếu tố trung tâm vùng.

Về giáo dục - đào tạo, TP Vinh được xem là điểm sáng trong giáo dục của tỉnh và của cả nước về quy mô và chất lượng. Việc phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được giữ vững. Đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Số trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 76,8%. 100% các trường Tiểu học, THCS thực hiện Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; Trường THPT chuyên Phan Bội Châu được xây dựng thành trường trọng điểm quốc gia...

Về lĩnh vực y tế, mạng lưới trên địa bàn phát triển tương đối đa dạng, đồng bộ. Một số cơ sở y tế lớn được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, điển hình như Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế Vinh. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn đang trong quá trình hoàn thiện, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực trong tương lại gần, có thể kể đến Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa giai đoạn 2; nâng cấp Bệnh viện Sản - Nhi; Nhà máy sản xuất thuốc Đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO...

Phát triển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm mà thành phố Vinh ưu tiên hàng đầu, kết quả thực tế thu về cho thấy đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Nhìn chung lượng khách năm sau luôn tăng mạnh so với năm trước, tổng thể doanh thu tăng bình quân gần 16%/năm.

Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá phi vật thể gắn với các hoạt động du lịch đang mang lại tín hiệu đáng mừng. Không chỉ chủ động tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch để củng cố thương hiệu, thành phố còn chú trọng hình thức liên kết, hợp tác phát triển thông qua kế hoạch phối hợp với 4 tỉnh Bắc miền Trung, 14 tỉnh vùng Bắc - Nam Trung bộ, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các nước bạn Lào, Thái Lan.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.