| Hotline: 0983.970.780

Thành quả bước đầu trong cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ

Thứ Bảy 18/03/2017 , 08:31 (GMT+7)

Đợt ra quân xử lý những vi phạm lấn chiếm vỉa hè tại quận 1 – TP.HCM, do đích thân Phó Chủ tịch quận Đoàn Ngọc Hải trực tiếp chỉ đạo hiện trường, thực sự trở thành tâm điểm dư luận...

Ông Đoàn Ngọc Hải được nhắc đến như một “soái ca” trên các diễn đàn xã hội. Thành quả bước đầu của chiến dịch dành lại vỉa hè cho người đi bộ, rất đáng khích lệ và biểu dương. Tuy nhiên, để đường thông hè thoáng phải cần bồi đắp thêm ý thức văn minh đô thị trong cộng đồng!

08-39-25_trng-5
Ông Đoàn Ngọc Hải
 

Người dân Sài Gòn có những ngày vô cùng hào hứng để dõi theo từng hành động quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM khi ông bày tỏ mong muốn giải cứu vỉa hè một cách không khoan nhượng, Ông Đoàn Ngọc Hải tuyên bố, nếu không làm được thì ông sẽ cởi áo về vườn.

Đã rất lâu rồi, quần chúng mới thấy một quan chức cấp quận lại có khẩu khí mạnh mẽ như vậy. Không ít cá nhân đã nghi ngờ lời nói của ông Đoàn Ngọc Hải, thậm chí những hình ảnh khởi động của ông Đoàn Ngọc Hải với đồng hồ xịn và điện thoại sang khiến dấy lên tâm lý ái ngại. Thế nhưng, tháo đồng hồ xịn ra và cũng không phô điện thoại sang nữa, ông Đoàn Ngọc Hải đã làm được nhiều điều mà ít ai dám chắc ông có thể làm được!

Không chỉ phá dỡ những bậc thềm xây thêm của các hộ dân, ông Đoàn Ngọc Hải còn cho đập một bức tường lấn chiếm trước văn phòng cơ quan đại diện Bộ Công thương, và xử phạt cả những xe ô tô biển xanh đậu đỗ trái phép. Cánh phóng viên háo hức đu theo đoàn công tác liên ngành quận 1 do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn dắt để chứng kiến những pha xử lý ngoạn mục. Rất gọn gàng, rất nhanh nhẹn và rất sòng phẳng, bất cứ thứ gì ngang nhiên tồn tại vô nguyên tắc trên vỉa hè đều bị thanh toán hoặc tịch thu. Xe chở cán bộ đi họp mà vi phạm cũng cẩu về quận, mà xe của Hoa hậu Phu nhân mà vi phạm cũng cẩu về quận.

Ông Đoàn Ngọc Hải thông báo chắc như đinh đóng cột: phí nộp phạt mỗi chiếc xe vi phạm là 750.000 đồng và phí cẩu xe là 900.000 đồng. Tổng cộng một chiếc xe bị cẩu đi sẽ phải chịu phạt 1,6 triệu đồng. Ngoài ra, xe lưu kho thêm ngày nào thì tính tiền ngày đó. Xe chở cán bộ cũng thương lượng nộp phạt, còn Hoa hậu Phu nhân cũng nhận lỗi để xin nộp phạt hòng lấy lại chiếc xe hơi trị giá hơn 4 tỷ đồng. Đấy, sự trang nghiêm của pháp luật cũng giống như sự uy nghiêm của chính nghĩa, không ai đùa giỡn được!

08-39-25_trng-7
 

Cao điểm của chiến dịch giải cứu vỉa hè chính là hành động phá dỡ các vọng gác trước khu vực Ngân hàng Nhà nước. Cũng có vị quần áo bảnh bao nhảy ra sừng sộ to tiếng, nhưng ông Đoàn Ngọc Hải ôn hòa từ chối thỏa hiệp. Phá dỡ buổi chiều, thì đến nửa đêm phải trả lại vọng gác.

Lý do, Ngân hàng Nhà nước cũng được tính là một mục tiêu quan trọng được bảo vệ tuyệt đối. Tuy nhiên, chẳng có gì phải khiến ông Đoàn Ngọc Hải tẽn tò hoặc xấu hổ, vì ông Đoàn Ngọc Hải cũng có lý lẽ riêng: "Tôi khẳng định mình làm không sai, sự việc cũng đã được báo cáo với lãnh đạo thành phố. Tôi cho trả vọng gác là linh động, lấy chỗ làm việc cho các anh em cảnh sát bảo vệ nơi trọng yếu".

Theo ông Đoàn Ngọc Hải, việc lập chốt bảo vệ các cơ quan trung ương tại địa phương phải có sự đồng ý, giấy phép của địa phương mà Ngân hàng Nhà nước chưa hoàn thành các thủ tục này với thành phố. Mặt khác, mỗi trụ sở chỉ cần 2 vọng gác nhưng ngân hàng lại làm đến 6 cái là không đúng. Ông Đoàn Ngọc Hải nhấn mạnh: "Chẳng lẽ anh muốn xây 20 vọng gác cũng được à? Một lần nữa tôi khẳng định mình không sai!”.

Quận 1 là trung tâm của Sài Gòn. Những cơ quan, những tập đoàn, những cao ốc đóng dày đặc ở đây. Vì vậy, ở nơi tấc đất tấc vàng thì vỉa hè được trưng dụng rất ghê gớm, và tạo ra không gian nhem nhuốc và nhếch nhác. Khi triển khai chiến dịch giải cứu vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải bày tỏ mơ ước biến quận 1 thành “Singapore thu nhỏ”.

Cách nhìn, cách nghĩ và cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải hoàn toàn không phải chuyện viển vông. Bởi lẽ, nếu không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ, thì khuôn mặt đô thị của quận 1 nói riêng và của Sài Gòn không thể nào có màu sắc văn minh. Vì khát vọng “Singapore thu nhỏ” mà nhắc lại một câu chuyện cũ.

Năm 1993, khi sang thăm Sài Gòn, ông Lý Quang Diệu – người kiến tạo giá trị giàu đẹp của quốc đảo sư tử Singapore đã tư vấn rằng: Sài Gòn chỉ có thể xây dựng mô hình đô thị hiện đại khi việc buôn bán chỉ được thực hiện từ mép nhà trở vào! Nghĩa là, việc cần thiết và cấp bách nhất của Sài Gòn là dọp dẹp tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè.

Cũng trên tinh thần đó, Chính phủ nước ta đã ban hành Nghị định về lập lại trật tự lòng lề đường. Đáng tiếc, bao nhiêu năm qua, tình trạng vỉa hè bị bủa vây và bị lạm dụng vẫn chưa có phương thuốc đặc trị hữu hiệu. Do đó, sự xuất hiện của ông Đoàn Ngọc Hải đã truyền cảm hứng tích cực cho chiến dịch giải cứu vỉa hè Sài Gòn.

Khi ông Đoàn Ngọc Hải thể hiện vai trò tiên phong của mình trên địa bàn quận 1, đã khiến những quận, huyện khác của thành phố lớn nhất phương Nam cũng phải rục rịch chuyển động. Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong công khai ủng hộ việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải và yêu cầu các quận huyện khác phải "học" cách làm ấy chứ không thể tiếp tục ngồi bàn giấy chỉ đạo. Trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 2-2017, Chánh văn phòng UBND TP.HCM - Võ Văn Hoan cho biết, đang có 2 luồng dư luận "ủng hộ" và "phản đối" cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải.

Tuy nhiên, thành phố khẳng định ông Đoàn Ngọc Hải làm đúng với trách nhiệm được giao và hoàn toàn căn cứ vào pháp luật để thực thi, xử lý vi phạm: “Hiện nay trong cộng đồng dân cư có hai luồng khác nhau và trong cán bộ cũng có những suy nghĩ khác nhau. Cái gì mới cũng vậy thôi. Cái gì mà làm quyết liệt thì bao giờ cũng rất khó khăn, thậm chí có nhiều lúc rất trăn trở… Chúng tôi ủng hộ quận 1 nên bản thân Văn phòng UBND TP.HCM cũng phải làm đúng. Bằng chứng là từ ngày 1-3-2017, chúng tôi chấm dứt các trường hợp được ưu tiên đậu xe ngay khu vực trước UBND TP.HCM. Trong việc chấn chỉnh trật tự vỉa hè, trước hết cơ quan nhà nước phải làm gương!”. Như vậy, rõ ràng ông Đoàn Ngọc Hải không đơn độc trong sứ mệnh cam go dành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Sở dĩ, lâu nay vỉa hè Sài Gòn bị lấn chiếm thường xuyên vì còn có sự nể nang và bao che lẫn nhau giữa các đối tượng mua bán với các lực lượng chức năng. Khi và chỉ khi ông Đoàn Ngọc Hải với trách nhiệm của mình đã không ngại va chạm thì vấn đề mới có vẻ hanh thông. Và ngay cả những người đang nằm trong tầm ngắm của chiến dịch giải cứu vỉa hè cũng ý thức được phải làm gì cho đúng, như tâm sự một người dân quận 1: “Dạo này mấy ổng làm làm dữ quá. Có cái biển hiệu treo trước nhà tràn ra vỉa hè, mình biết sai nên tháo vào nhà, để bị phạt tiền hoặc tịch thu thì tốn kém!”.

08-39-25_trng-6
 

Nói đi phải nói lại, vẫn có nhiều người cho rằng ông Đoàn Ngọc Hải đã làm hơi vội vàng và không đúng… quy trình. Kiểu nhìn nhận ấy là thiển cận. Tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè hoặc xử lý xe cộ đậu đỗ bừa bãi, thì tại sao lại phải thông báo trước bằng giấy tờ? Vỉa hè là tài sản chung, ai cho xâm phạm? Cách giải quyết ngay lập tức của ông Đoàn Ngọc Hải chính là thái độ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính, tránh dây dưa kéo dài gây thêm hệ lụy phiền phức! Và việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải có phải đánh đổ chén cơm của những người buôn thúng bán bưng không? Hoàn toàn không, ông Đoàn Ngọc Hải tâm sự: “Từng có cha mẹ bán hàng rong mưu sinh, nuôi con cái trưởng thành, tôi rất chia sẻ với người dân nhưng không phải vì thế mà bất chấp, lấy đi vỉa hè của người đi bộ”.

Từ quận 1, với “soái ca” Đoàn Ngọc Hải, thì chiến dịch giải cứu vỉa hè Sài Gòn đã thu được những kết quả ban đầu. Tất nhiên, còn có nhiều việc phải làm cho một Sài Gòn ngày càng giàu đẹp hơn, nhưng trước mắt thì cuộc diễn tập văn minh đô thị này đã mang lại hy vọng cho cộng đồng!

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất