| Hotline: 0983.970.780

Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài cuối]: Đã giảm trên 90% tại Việt Nam

Thứ Năm 02/11/2023 , 14:50 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về quá trình và lộ trình phòng, chống bệnh lở mồm long móng tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, thiệt hại lớn nhất bệnh FMD gây ra là ảnh hưởng đến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, thiệt hại lớn nhất bệnh FMD gây ra là ảnh hưởng đến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước. Ảnh: Hồng Thắm.

Thưa ông, sau hơn 3 năm triển khai “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng (FMD), giai đoạn 2021-2025”, ông đánh giá thế nào về kết quả và ý nghĩa của chương trình này?

Tại Việt Nam, bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện trên 100 năm, nhưng giai đoạn nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây là từ năm 2006-2012 khi trên 200.000 gia súc mắc bệnh, trung bình 32.000 con gia súc mắc bệnh mỗi năm, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, ngân sách Nhà nước cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước.

Hiện việc phòng, chống FMD đang được thực hiện theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, đặc biệt gần đây Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên ban hành Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025”.

Những năm trước đây, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT phê duyệt 3 giai đoạn (2006-2012, 2012-2015, 2015-2020). Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025 là chương trình lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện. 

Theo đó, chương trình có những ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo cụ thể, kịp thời, chi tiết của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh FMD.

Nhờ có chương trình này, thời gian vừa qua đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, cả doanh nghiệp và người dân, theo đó chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh FMD. Ví dụ, năm 2020, cả nước có 7.000 con gia súc mắc bệnh FMD, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 700 con mắc bệnh. Như vậy đã giảm gần như tuyệt đối trên 90%, bao gồm cả phạm vi dịch bệnh cũng như mức độ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xây dựng được 1.138 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, bảo đảm yêu cầu phát triển chăn nuôi bền vững, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Ngoài ra, chương trình cũng thể hiện rõ cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh từ Việt Nam lây lan sang các nước, đồng thời cũng là điều kiện để Việt Nam đàm phán, yêu cầu các nước có nhu cầu xuất khẩu vào Việt Nam cũng phải có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp.

FMD là dịch bệnh thế giới rất tối kỵ, phải giải quyết được dứt điểm mới mở ra điều kiện để Việt Nam xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, trong đó vacxin được coi là “chìa khóa”. Ông có thể nói thêm về tình hình sản xuất, cung ứng vacxin FMD tại Việt Nam hiện nay?

Việt Nam hiện có tổng cộng 18 loại vacxin FMD được cấp phép lưu hành, tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 vacxin FMD trong nước nghiên cứu, sản xuất. Vacxin FMD là một trong những loại vacxin phòng bệnh  cho động vật rất khó nghiên cứu và sản xuất thành công.

Hiện Cục Thú y đang tiếp tục rà soát để đảm bảo chất lượng vacxin nội địa của chúng ta là tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời phối hợp với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp trên thế giới tiếp tục nghiên cứu mở rộng để sản xuất thêm nhiều loại vacxin FMD chất lượng cao tại Việt Nam trong thời gian tới.

Việc nhập khẩu vacxin có cả thuận lợi lẫn khó khăn. Thuận lợi là chúng ta được sử dụng các sản phẩm được nghiên cứu rất bài bản, công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, giúp người chăn nuôi tiếp cận được các sản phẩm vacxin phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.

Còn khó khăn là sản phẩm vacxin trong nước sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm vacxin nhập khẩu đã sản xuất trong hàng thập kỷ qua, trong khi chúng ta mới bắt đầu sản xuất được vacxin FMD từ năm 2018 đến nay.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp kiến nghị Cục Thú y thường xuyên lấy mẫu ngoài thực địa để có bản đồ phân bố virus FMD khuyến cáo người chăn nuôi cũng như rà soát, đánh giá, minh bạch hiệu lực vacxin mang tính định kỳ hơn, ông có chia sẻ gì về nội dung này?

Trong chương trình quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rất rõ, 1 trong 10 giải pháp quan trọng là phải giám sát lưu hành virus cũng như đánh giá hiệu lực vacxin. Đây là cơ sở yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng thực hiện chứ không phải chỉ có Bộ NN-PTNT hay Cục Thú y thực hiện.

Tuy vậy trong thời gian qua, Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên tục, thường xuyên giám sát phát hiện sớm dịch bệnh FMD, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, khi đó xem có dịch bệnh hay không có dịch bệnh, đồng thời cũng phát hiện được virus ở đó.

Bên cạnh đó cũng tổ chức triển khai giám sát chủ động để phát hiện virus FMD lưu hành thực tế ở các địa phương. Sau khi đã thu thập được các mẫu virus ở từ ổ dịch, từ các chương trình giám sát chủ động, hàng năm Cục Thú y đều gửi những mẫu virus này đến Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (OIE/WOAH) để phân tích chuyên sâu, đồng thời nghiên cứu đánh giá tương đồng giữa virus lưu hành thực địa cũng như các loại vacxin sử dụng tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Cục Thú y đã tổng hợp, phân tích và hàng năm đều có văn bản thông báo về lưu hành virus FMD gửi đến tất cả 63 tỉnh, thành phố; đồng thời đưa tin trên trang web của Cục Thú y, trong đó có chi tiết của chủng virus FMD lưu hành đến tận từng xã, huyện, tỉnh. Song song đó cũng đưa ra khuyến cáo về việc lựa chọn và sử dụng các loại vacxin FMD phù hợp với các chủng virus thực địa này.

Tiêm vacxin là giải pháp vô cùng quan trọng mang tính quyết định trong phòng, chống dịch bệnh FMD tại Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo.

Tiêm vacxin là giải pháp vô cùng quan trọng mang tính quyết định trong phòng, chống dịch bệnh FMD tại Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo.

Cục Thú y cũng đã đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, người dân đồng hành cùng với ngành thú y, Cục Thú y trong việc tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm, lấy mẫu giám sát để có cơ sở thu thập được càng nhiều mẫu virus FMD càng tốt. Những thông tin liên quan đến lưu hành virus FMD cũng như khuyến cáo sử dụng vacxin đều được đăng tải công khai trên trang web của Cục Thú y.

Thêm một chi tiết nữa, tất cả các kết quả phân tích chuyên sâu cũng như khuyến cáo đánh giá tương đồng sử dụng vacxin của Việt Nam đều được Phòng thí nghiệm tham chiếu của OIE/WOAH công bố trên trang web của họ, vì thế mọi tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và trên khắp thế giới đều được biết về tình hình lưu hành virus FMD cũng như chủng loại vacxin đang được sử dụng của Việt Nam.

Ngoài vacxin, theo ông để giải quyết dứt điểm và thanh toán được bệnh FMD tại Việt Nam, chúng ta cần tiến hành thêm những giải pháp nào, nhất là trong bối cảnh vẫn chưa kiểm soát được triệt để việc buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép qua biên giới?

Trong chương trình quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 10 nhóm giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp tiêm phòng vacxin là quan trọng, tuy nhiên, bên cạnh đó còn 9 nhóm giải pháp khác.

Để thanh toán bệnh lở mồm long móng, ngoài bao phủ vacxin, cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh bởi đây là giải pháp căn cơ, bền vững nhất, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu. Ảnh: Phương Thảo.

Để thanh toán bệnh lở mồm long móng, ngoài bao phủ vacxin, cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh bởi đây là giải pháp căn cơ, bền vững nhất, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu. Ảnh: Phương Thảo.

Trong 9 nhóm giải pháp này, giải pháp quan trọng là kiểm soát ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam để tránh các mầm bệnh FMD xâm nhiễm, đặc biệt là các chủng virus mới. Tổ chức giám sát, cảnh báo, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch từ khi còn ở diện hẹp,  từ sớm, từ xa.

Thêm việc nữa, cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh bởi đây là giải pháp căn cơ, bền vững nhất, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các thị trường trên thế giới.

Và một trong giải pháp không thể thiếu là thông tin tuyên truyền để cộng đồng, người dân, đặc biệt là người chăn nuôi nhận thức đầy đủ tác hại của FMD, từ đó chủ động triển khai kịp thời có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này. Ngoài ra, còn một loạt biện pháp khác mà chương trình quốc gia đã nêu rất rõ.

Xin cảm ơn ông!

“Hiện chúng ta đã xây dựng được 1.138 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố và quan trọng hơn nữa các sản phẩm gia súc của Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới với giá trị trung bình trên 400 triệu USD/năm”, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho hay.

(thực hiện)

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.