| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ rào cản tồn tại trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ

Thứ Hai 04/07/2022 , 05:07 (GMT+7)

Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser có cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Báo Nông nghiệp Việt Nam về hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước.

Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Duy Học.

Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Duy Học.

Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong quá trình làm việc sâu rộng ở cấp cao tiến tới mục tiêu nâng cấp quan hệ song phương, trong đó nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng.

Ngày 11/5/2022, trong chuyến công tác cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và ông là người trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Hôm nay, ông có chuyến làm việc tại Việt Nam, chúng tôi tin chắc rằng trong chuyến công tác này ông sẽ có nhiều nội dung để trao đổi với các cơ quan chức năng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc của Báo Nông nghiệp Việt Nam về những nội dung này?

Tháng 5 vừa qua, tôi đã có dịp làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi ông có chuyến công tác đến Washington DC và hôm nay tôi rất vui mừng khi được gặp các lãnh đạo của Bộ NN-PTNT tại Hà Nội.

Ở chuyến đi này, chúng tôi đã thảo luận về nhiều vấn đề những có thể chia thành 2 nội dung chính, thứ nhất là về thương mại nông sản, thứ hai là các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Trong thương mại nông sản, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những mối liên hệ rất chặt chẽ, trong đó các mặt hàng có tính đất tương hỗ, bổ sung cho nhau. Ví dụ, Việt Nam có những nông sản giá trị cao về hoa quả nhiệt đới, cà phê, rau củ quả, thủy sản… và các bạn mỗi năm đang xuất khẩu lượng nông sản có trị giá khoảng 5 tỷ USD vào Hoa Kỳ.

Trong khi đó, chúng tôi lại có thế mạnh về các loại ngũ cốc, động vật và các loại trái cây xứ lạnh. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Hoa Kỳ sang Việt Nam đang dao động ở khoảng 3 tỷ USD. Có thể thấy, thương mại nông sản giữa 2 quốc gia đang rất sôi động.

Với lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, cả Việt Nam và Mỹ đều phải chịu những tác động rất lớn từ vấn đề này. Do đó, chúng tôi đã trao đổi thảo luận rất nhiều nội dung để làm thế nào giúp người nông dân 2 nước thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu cũng như giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đưa ra các giải pháp, sản phẩm thông minh với môi trường.

Đây chính là những nội dung chính về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 nước mà tôi muốn đề cập trong chuyến đi này.

Ông Jason Hafemeiser cho rằng tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất lớn và có nhiều cách để hiện thực hóa tiềm năng này. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Jason Hafemeiser cho rằng tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất lớn và có nhiều cách để hiện thực hóa tiềm năng này. Ảnh: Tùng Đinh.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 91,5 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2020, trong khi Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ.

Đến tháng 3, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11 trên 141 nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Về nông nghiệp, Việt Nam và Mỹ cùng là một trong những đối tác hàng đầu của nhau.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp hai nước cũng thống nhất rằng nông sản Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển cho nông sản 2 nước ở thị trường của nhau?

Có thể khẳng định tiềm năng hợp tác thương mại nông sản Việt Nam - Hoa Kỳ là rất lớn và có nhiều cách để có thể hiện thực hóa được những tiềm năng đó.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang còn một số rào cản trong thương mại để tăng cường giao dịch hàng hóa nông sản. Có thể kể đến như việc phê duyệt, phê chuẩn các hàng hóa nông sản mới khi nhập khẩu từ nước này sang nước kia.

Bên cạnh đó, hàng rào thuế quan cũng khiến một số mặt hàng nông sản của Hoa Kỳ khó tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong những năm gần đây, các bạn đã có nhiều nỗ lực để giảm thuế đối với các nông sản Hoa Kỳ, điều này giúp người tiêu dùng Việt Nam có thể sử dụng nhiều sản phẩm tốt của chúng tôi như lúa mỳ, hải sản hay thịt động vật….

Một trong những lĩnh vực có thể hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nữa đó là ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ gen vào nông nghiệp, giúp người nông dân cải thiện hiệu quả sản xuất.

Tôi cho rằng, đây là những vấn đề mà hai bên có thể tiếp tục thảo luận để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đem lại hiệu quả rõ rệt hơn cho ngành nông nghiệp của 2 nước.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phục vụ nông nghiệp giữa 2 nước?

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai một số dự án hợp tác với Việt Nam trong đó hỗ trợ cho người nông dân thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng phát triển nông nghiệp thông minh để bảo vệ môi trường, cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việt Nam đang đề xuất với phía Hoa Kỳ để mở cửa thị trường cho quả bưởi.

Việt Nam đang đề xuất với phía Hoa Kỳ để mở cửa thị trường cho quả bưởi.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT sáng 30/6, ông có nhắc đến việc các nông sản của Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong giai đoạn làm thủ tục có thể sẽ được thông qua trước Hội nghị G20, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Sau đó, ông có thể chia sẻ thêm về những loại nông sản nào có thể tiếp tục được 2 nước mở cửa trong thời gian tới?

Hiện nay Việt Nam đang đề xuất với phía Hoa Kỳ để mở cửa thị trường cho quả bưởi, ngược lại chúng tôi cũng muốn các bạn cho phép xuất khẩu các loại cam, chanh và hoa quả ruột đặc khác. Quá trình này đang được hoàn tất các thủ tục.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý của 2 nước đang có những chuyến thăm, đánh giá về khả năng tiếp cận thị trường lẫn nhau. Mặc dù chúng ta không thể nói trước được liệu sản phẩm gì sẽ được phê duyệt và phê duyệt nhanh đến đâu nhưng cá nhân tôi hy vọng tiến trình phê duyệt các sản phẩm mới để mở cửa thị trường sẽ diễn ra nhanh chóng.

Có thể chúng ta chưa đưa ra được những cái tên cụ thể nhưng đó sẽ là các sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước và có khả năng phát triển thương mại tốt. Điều đó có nghĩa danh sách các sản phẩm này hoàn toàn mở và cơ hội cho mỗi nông sản là như nhau.

Quay lại vấn đề rào cản, dưới góc độ là nhà quản lý nông nghiệp của Hoa Kỳ, ông có kiến nghị gì với nhà chức trách Việt Nam để cải thiện vấn đề này, giúp phần thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước trong thời gian tới?

Có 2 lĩnh vực chính mà tôi muốn đề xuất ở đây, trước mắt là về thuế quan. Hiện nay, Việt Nam vẫn áp mức thuế cao đối với một số hàng hóa nông sản của Hoa Kỳ, khiến việc nhập khẩu các mặt hàng này bị hạn chế.

Có thể kể đến như Ethanol, nếu Việt Nam có thể giảm thuế cho mặt hàng này, tôi tin tưởng rằng kim ngạch thương mại của Ethanol sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Một vấn đề nữa tôi muốn đề cập đó là quá trình phê duyệt các sản phẩm mới, giống mới hay công nghệ mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa nhanh chóng như kỳ vọng.

Rất nhiều giống và công nghệ mới được phê chuẩn ở Hoa Kỳ phải mất thời gian dài mới được phê duyệt tại Việt Nam. Điều này có thể làm trì hoãn khả năng sử dụng sớm công nghệ mới, giống mới của người nông dân Việt Nam.

Đây là những vấn đề Hoa Kỳ rất mong muốn được Việt Nam hợp tác cùng tháo gỡ và chúng tôi cũng đã đưa ra ở một số diễn đàn đa phương như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) hay diễn đàn của WTO.

Ngoài Việt Nam, chúng tôi cũng mong muốn các quốc gia Đông Nam Á sẽ có sự điều chỉnh về chính sách để có thể tăng cường quan hệ hợp tác thương mại nông sản với Hoa Kỳ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm