| Hotline: 0983.970.780

Thật & giả

Thứ Năm 16/09/2010 , 10:39 (GMT+7)

Hôm qua, ngồi nhấm nháp ly cà phê với tôi, một cán bộ thú y cơ sở ở Quảng Nam chậc lưỡi: “Dịch tai xanh cứ dai dẳng hoài, mệt thiệt, ông ơi!”.

Tôi đùa: “Nếu không có dịch thì hàng nghìn con người của ngành anh thất nghiệp hết chi? Có công ăn chuyện làm là sướng rồi chứ còn kêu than chi nữa. Chỉ mỗi nhà nông là khốn khổ thôi!”. Anh cán bộ thú y lắc đầu: “Đến nước này mà chú mi còn giỡn cợt được. Nè, ông biết không, mỗi lần đi tiêu hủy heo chết là anh em tụi tui lại đau đầu, ông ạ!”.

Tôi liền thắc mắc: “Ông anh quan trọng hóa vấn đề rồi. Heo chết, bỏ lên bàn cân, khiêng ra hố tiêu hủy, rưới xăng, châm lửa đốt, rứa là xong chứ có chi mô mà đau đầu với chả nhức óc?”. Vị này thở dài: “Nói như ông thì dễ như trở bàn tay. Vấn đề là ở chỗ, không biết đàn heo đó chết vì nhiễm vi rút Lelystad hay là do nhân tạo?!”. Tôi giật mình: “Trời, có dính dịch thì heo mới chết chứ hà cớ chi con người phải giết nó?”.

Hớp xong ngụm trà, anh cán bộ thú y ấy hỏi tôi: “Ông thấy trong lần tái bùng phát này, tốc độ lây lan và sức tàn phá của dịch tai xanh thế nào?”. Tôi đáp ngay: “Quá nhanh và cực kỳ khủng khiếp. Chỉ một thời gian ngắn tại Quảng Nam đã có đến 26 nghìn con heo mắc bệnh, trong đó gần một nửa phải tiêu hủy bắt buộc”. Giọng anh này có vẻ nghiêm túc hơn: “Nhưng, tui dám chắc với chú mi rằng, trong số ấy sẽ có không ít đàn heo bị chết vì dịch giả”. Tôi ngơ ngác.

Anh cán bộ thú y giải thích: “Tại những vùng đang xảy ra dịch, lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo tiếp tục bị siết chặt. Càng nuôi, nông dân càng lỗ te tua. Mà nếu có lén lút kêu lái “rinh” đi giữa đêm khuya thì giá cũng rẻ như bèo. Bởi vậy, không ít người đã nghĩ ra cách giết đàn heo đang khỏe mạnh của mình rồi cấp báo là nó chết vì nhiễm bệnh tai xanh. Để sớm dập dịch, ngành liên quan phải khẩn trương tiêu hủy đàn heo ấy. Và, hẳn nhiên, chủ của nó sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ phía nhà nước”. Tôi gật gù: “Nghe anh nói tui thấy cũng có lý lắm. Nhưng, giết đàn heo bằng cách nào cho hợp lý chứ dùng điện chích, thọc huyết cổ hay lấy búa tạ đập đầu nó là không ổn rồi”.

Vị cán bộ thú y cơ sở trả lời: “Có khó chi mô! Ông bỏ đàn heo đói xanh xương rồi hòa nước muối đậm đậm đổ cho nó uống. Bụng cồn cào, thấy nước là nó tranh nhau ực ngay chứ kể chi muối với mật. Mà, uống thứ ấy vào thì toàn thân lập tức đỏ ửng rồi lăn đùng ra chết như bị nhiễm dịch tai xanh dzậy!”. Tôi cười to: “Ui, quả là diệu kế. Bái phục. Bái phục!”. Anh này tiếp: “Đấy, ông thấy chưa, đang lúc bức bách, chống dịch như chống hỏa, người ta báo có heo chết thì tụi tui đến nhà cân trọng lượng rồi kéo đi đốt chứ làm răng mà kiểm soát hết được. Chẳng lẽ, cứ mỗi con heo chết là phải mổ bụng lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân sao? Lực lượng mỏng, răng mà gánh hết được? Bởi rứa, thật giả khó lường lắm, ông ơi!”.

Nhìn tôi, vị cán bộ thú y luận bàn thêm: “Không biết tới khi mô lệnh cấm mới được giải tỏa. Nuôi thì tốn rau, tốn cám. Bán tháo, bán đổ thì mỗi ký heo hơi chỉ chừng 20 nghìn đồng. Tạo ra dịch giả, hưởng mức hỗ trợ 25 nghìn đồng có phải là sướng hơn không?”. Tôi không gật, cũng không lắc. Chỉ nhớ lại rằng, cách đây không lâu, tại phiên họp triển khai khẩn cấp một số biện pháp phòng chống dịch, có vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở huyện nọ thốt lên: “Lần ni, chẳng biết răng mà đàn heo chết nhanh thiệt. Đang tiêu hủy chỗ này thì chỗ kia lại báo có heo chết. Cả ngày, cái điện thoại nóng ran. Khổ là, mới lúc trưa, tụi tui thăm chuồng, thấy lũ heo táp cám ầm ầm, rứa mà vừa quay lưng đã nghe chúng... ngủm củ tỏi rồi”. 

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.