| Hotline: 0983.970.780

Thất vọng vì cha ruột quá lười

Thứ Tư 19/12/2012 , 10:07 (GMT+7)

Càng ngày con càng không tôn trọng ba nữa. Ba lúc nào cũng bảo mẹ và con xem thường ba, nhưng ba đâu có biết chính bản thân ba đã làm nên thái độ đó.

Ảnh minh họa
Cô thân mến!

Gia đình con có bốn thành viên, ba mẹ và hai anh em con, con là út. Mẹ con có một sạp hàng ở chợ. Còn ba từ lâu không có nghề nghiệp, chỉ mỗi ngày phụ mẹ con dọn hàng thôi. Nhờ trời nên chỉ sạp hàng đó mà mẹ nuôi được anh em con học hành tới nơi tới chốn rồi có công việc ổn định.

Chuyện không có gì  đáng nói khi mà càng ngày, mẹ và con càng chán ngán và thất vọng về ba con. Ba con lười biếng lắm, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở cái tivi và máy tính mà không chịu động tay động chân làm việc gì. Trong thâm tâm con suy nghĩ rằng, nếu mẹ đã đảm đương vai trò trụ cột gia đình, thì chí ít ba cũng phải hoàn thành vai trò người nội trợ trong gia đình chứ.

Con là con gái, nếu con ở nhà thì không có gì, nhưng đằng này mỗi tuần con chỉ được về nhà cuối tuần thôi, vì con đi làm xa. Mỗi khi về, nhìn nhà cửa bẩn thỉu, bề bộn đủ thứ là con đâm ra bực mình và hay cáu gắt vô cớ. Đi vào trong nhà thì thấy ba ngồi thù lù ở máy tính mà con càng chán ngán hơn. Mẹ thì về đến nhà khi trời tối, người mệt nhoài nên cũng không thể làm gì được.

Cô có biết ba con lười tới mức nào không? Khi mẹ con nói với ba “Anh coi ở nhà quét cái sân chứ lá rụng bẩn quá". Ba con còn nói lại là "Quét rồi nó cũng rụng lại". Cô thấy có quá đáng không? Khi mà nhắc nhở ba làm việc này việc kia thì ba lại nổi nóng "Mi đừng có nhắc nhở giống mẹ mi mà tau nổi điên lên giờ”.

Càng ngày con càng không tôn trọng ba nữa. Ba lúc nào cũng bảo mẹ và con xem thường ba, nhưng ba đâu có biết chính bản thân ba đã làm nên thái độ đó. Nhiều khi con chỉ muốn phá vỡ cái máy tính đi thôi cô ạ. Nhưng làm thế thì được ích gì khi mà suy nghĩ trong ba vẫn không thay đổi.

Mẹ và con không cần một người chồng, người cha kiếm ra tiền, chỉ cần ba chăm lo vun vén cho gia đình là con mừng lắm rồi. Ba dường như chỉ xem ngôi nhà này là nơi ở trọ chứ không phải là tổ ấm của ba, bất cứ việc gì trong nhà mẹ phải nhắc nhở ba nhiều lần ba mới chịu làm. Con cảm thấy bế tắc cô ơi, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn chắc tình cảm trong gia đình sẽ bị sứt mẻ đi thôi.ư

Mẹ con đã góp ý với ba không biết bao nhiêu lần nhưng hình như ba bị "đơ" rồi cô ạ. Nhìn ba người ta siêng năng, chăm lo gia đình, chỉ những hành động nhỏ thôi mà con ước ao giá như ba của con được một góc của họ.

Con phải làm gì bây giờ để ba con thay đổi theo chiều hướng tích cực hả cô? Mẹ và con cũng hết cách rồi cô ạ.

Cô giấu địa chỉ mail dùm con.

Cháu thân mến!

Không đợi khi có lá thư của cháu, cô vẫn có nhiều đơn cử từ chồng mình, con trai mình, con rể mình, người thân, hàng xóm…Sao họ giống nhau vậy không biết, những người vẫn được xem là trụ cột gia đình.

Chồng của cô thì mê vi tính đến độ gọng kính làm tróc lở cả hai khe vành tai, con trai cô thì không biết đóng cây đinh hay nấu một món ăn và con rể cô thì chiên một quả trứng cũng bày cái bếp tùm lum (theo lời con gái của cô).

Cô nhìn quanh quất, ông hàng xóm thì vợ nhờ rửa rau đang ngâm trong bồn rửa, ông ấy lặt dấp cá với rau má trộn lại rửa chung, hết xay luôn; một ông khác thì vợ bận đi đâu đó về chưa nấu cơm, ông ta lấy mì gói nấu riêng cho mình, xong; ông khác nữa vợ cằn nhằn sao lúc nào cũng ti-vi thì ông ta mua thêm một cái nữa trong phòng ngủ cho bõ tức!

Vậy đó, ra ngoài đường thấy lúc nào quán cà phê cũng đầy người, chiều xuống quán bia đầy người, họ “bận” vậy nên thời gian đâu cho gia đình!

Hình như khoảng một trăm người đàn ông thì mới có vài người chuẩn, biết yêu thương, chung thủy, có trách nhiệm và hay đỡ đần cho vợ. Những người đàn ông ở các nước văn minh khi du lịch sang VN liền có nhận xét: phụ nữ VN cam chịu quá. Từ đâu họ khái quát vậy? Họ đâu có bước vào một gia đình VN mà biết. Thì ra họ thấy người phụ nữ trên xe máy, phía sau yên là một hoặc cả hai đứa con, phía trước là cơ man túi treo đồ mua từ chợ, hộc tốc, hớt hải.

Ba của cháu thuộc dạng “miễn dịch” với mọi lời kêu ca rồi. Đam mê vi tính cũng là  bệnh, như mê đánh cờ, mê nhậu, hay mê  gái. Tình yêu với mẹ hẳn không còn mà nó đã biến thành hợp đồng hôn nhân ngầm, sự liên kết không tuyên ngôn, vợ giỏi thì chồng thành người thứ yếu. Nhưng bất lực mà vẫn gia trưởng, là vì máu của họ gia trưởng, không chữa được, không thay máu được.

Hình dung ông ấy quét sân ư, đừng có mơ! Người như vậy mà cầm chổi ư, còn lâu nhé. Và những việc khác, có khi không biết làm gì, vụng tay vụng chân chứ không hẳn do lười. Né tránh mãi rồi đành vin vào vi tính mà câu ngày câu tháng và ngụy biện, thế thôi.

Con gái phải thương mẹ và nếu thương thì phải giúp mẹ mỗi khi về qua. Xắn tay lên ngay dọn dẹp, nấu nướng, thay vì chê trách ba. Ba là ba ruột chứ có phải cha dượng đâu, vì vậy mà chán cứ chán nhưng đừng khiến mẹ chán thêm, đổ dầu vào lửa.

Hay ho gì ba mẹ xa nhau, con gái thường được ba lắng nghe hơn, cháu cố gắng mềm, cố gắng “tập” cho ba cùng tham gia bếp núc, nhà cửa với mình và rồi dần dần không khí sẽ cải thiện, ba cũng quen việc hơn và mọi thứ điều chỉnh. Khá lên chứ không có tốt hẳn như mình mong đợi đâu, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất