Hình thành mô hình sản xuất mới
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp. Những cây cầu nối liền các khu dân cư được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các xã biên giới cánh Tây thị xã Trảng Bàng phát triển sản xuất. Minh chứng, lần lượt các mô hình sản xuất mới, các HTX kiểu mới ra đời, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần tăng lên.
Phước Chỉ là xã biên giới phía Tây của thị xã Trảng Bàng, có diện tích tự nhiên trên 4.800ha, diện tích đất nông nghiệp khoảng 3.900ha. Xã có 11 ấp, trong đó, có 4 ấp ven sông và 7 ấp giồng. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, 10 năm trở lại đây, xã Phước Chỉ như khoác lên mình một “chiếc áo mới”.
Đến xã Phước Chỉ những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là những ruộng lúa xanh tốt xen kẽ những ao tôm, cá được ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình nuôi cá rô đồng xen canh trên ruộng lúa hữu cơ của anh Lâm Thanh Hồng, ngụ ấp Phước Long, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản Tràm Cát bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Theo đó, mô hình không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Mô hình cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh chuyển giao, giúp nông dân phần nào gỡ khó trong bài toán cắt giảm chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác.
Hay đến khu vực A8 thuộc ấp biên giới Phước Mỹ, xã Phước Chỉ hỏi thăm mô hình cà cuống của chị Nguyễn Thị Lan ai cũng biết. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Lan còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, bắt tay liên kết sản xuất, từ mô hình ban đầu, đến nay chỉ tính riêng ấp Phước Mỹ đã có hơn 20 hộ tham gia.
Cà cuống ở trang trại chị Nguyễn Thị Lan được nuôi theo quy trình khép kín, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Sản phẩm thân thiện môi trường, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Dù cà cuống khá dễ nuôi, nhưng rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài, tác động nhất là hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, chất tẩy rửa. Do đó, cà cuống phải được nuôi hoàn toàn trong môi trường sạch”, chị Lan chia sẻ.
Thức ăn chủ yếu của cà cuống là cá con hoặc các loài ếch, nhái được thu mua lại của những người làm đồng. Với trang trại rộng hơn 3.000m2, chị Lan vẫn có thể mở rộng thêm nhiều ao nuôi để tăng sản lượng. Hiện mỗi tháng trang trại của chị Lan cung cấp ra thị trường hơn 10.000 con cà cuống thương phẩm, sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận không dưới 40 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, hàng tháng chị Lan cung cấp ra thị trường hàng trăm kg sạch các loại.
Ông Ngô Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, Phước Chỉ là xã biên giới còn nhiều khó khăn, đa số người dân sống bằng cây lúa. Những năm qua, từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Bà con nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ngoài mô hình cá xen lúa, cà cuống, địa phương còn phát triển mạnh mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt… Hầu hết các mô hình đều thực hiện theo chuỗi liên kết, từ đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
“Phước Chỉ đặt ra mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, rau, cây ăn trái nhiệt đới, đặc biệt nuôi trồng thủy sản. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 1.000 tấn/năm”, ông Bình nhấn mạnh.
Những liên kết kiểu mẫu
Ngoài phát triển những mô hình sản xuất mới, nông dân trên địa bàn xã Phước Chỉ còn bắt tay liên kết sản xuất, từ đó hình thành các HTX kiểu mới. Điều này phát huy kinh tế tập thể, dần xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất lúa sạch ST25 của HTX DVNN Phước Hòa. HTX hiện có tổng diện tích sản xuất trên 200ha, vụ đông xuân 2022 - 2023 có khoảng 80ha trồng lúa ST25, số diện tích còn lại sản xuất các giống lúa khác.
Anh Trần Hoàng Ân - Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2019, HTX đã kết nối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa, trong đó có lúa ST25. Nhờ liên kết, HTX được doanh nghiệp hỗ trợ nông dân giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ... Nông dân tuân thủ theo quy trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp trực tiếp xuống hỗ trợ, sản phẩm được kiểm tra và phải bảo đảm về chất lượng.
“Ban đầu việc vận động nông dân tham gia có khó khăn do nông dân quen với cách làm truyền thống. Tuy nhiên sau vụ đầu tiên, nhận thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người vào HTX tham gia sản xuất, diện tích ngày càng tăng qua các năm. Năng suất lúa bình quân khoảng 7 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần”, anh Ân nói.
Hay kế đến là HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, được thành lập vào năm 2018 với 30 thành viên, diện tích sản xuất 135ha. Lĩnh vực hoạt động của HTX là sản xuất giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và là đầu mối bao tiêu nông sản cho nông dân.
Ông Cao Văn Thả - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, tham gia vào chuỗi giá trị của địa phương, vụ vừa qua, HTX trồng thí điểm 8ha các giống lúa ST 24, OM 18, hương Cửu Long. Kết quả cho thấy các giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt bình quân khoảng 7 tấn/ha. Đây sẽ là tiền đề để HTX phát triển các giống lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ.
“Mới đây, thành viên HTX còn tham gia nuôi cá lóc liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50% giống, 50% thức ăn; còn lại là vốn đối ứng của nông dân”, ông Cao Văn Thả phấn khởi nói.
Hiện nay, trên địa bàn xã Phước chỉ có 4 HTX sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị như cây lúa, cá lóc, mắm chua, khô cá lóc. Đây là những mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Năm 2011, thu thập bình quân đầu người ở xã Phước Chỉ là 16,5 triệu đồng/người, năm 2022 tăng lên 74 triệu đồng/người.
Đánh giá về các chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ phấn khởi cho biết, nhiều năm qua, nhất là trong giai đoạn xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, địa phương đều nhận được sự đồng hành, chung tay của nhân dân.
Đặc biệt, người dân Phước Chỉ rất có ý chí vươn lên, chịu thương chịu khó, cần cù, sáng tạo trong chăn nuôi, sản xuất. Sự ra đời của các HTX, các mô hình chăn nuôi, sản xuất đã giúp nông dân có kiến thức về chăn nuôi, đồng bộ về quy trình sản xuất, từ đó sản phẩm đầu ra đạt chất lượng.
Hiệu quả từ mô hình liên kết chuỗi sản xuất đã giúp nông dân nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Địa phương đã đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP đối với sản phẩm lúa ST25; móp chua; khô cá lóc; mắm chua; nước mắm cà cuống. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, HTX tiếp cận các chính sách, nguồn vốn... để nhân rộng mô hình, phát triển sản xuất, chăn nuôi.
“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã sẽ tận dụng lợi thế, tiềm năng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi cá lóc, cá rô trên đồng ruộng, nâng cao hoạt động các HTX có hiệu quả, nhằm đưa nền kinh tế xã Phước Chỉ phát triển đi lên”, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ khẳng định.