| Hotline: 0983.970.780

Thầy giáo trường huyên xứ Cà Mau

Chủ Nhật 26/11/2017 , 15:05 (GMT+7)

Hắn là một giáo viên trẻ của trường tôi. Năng nổ, dám nghĩ dám làm, sáng tạo, hắn làm việc hăng say cho thỏa đam mê sức trẻ. Nhớ lúc hắn mới về trường.

08-37-38_trng_48
Ảnh minh họa

Hắn nói: “Em có dượng làm giám đốc sở giáo dục, nhưng em đi bằng đôi chân của em”. Nhìn tấm bằng đỏ và bảng điểm các môn trên 8.0, tôi biết hắn là sinh viên giỏi khoa Ngữ Văn trường đại học Tây Đô.

Sau này thân thiết, hắn kể: gia đình em có bốn anh em, cha mẹ li dị. Bốn anh em tự đùm bọc và bảo ban nhau. Hắn chạy xe ôm, tham gia đội dân phòng xã Khánh Hội để tự trang trải cho qua hết ba năm cấp ba. Vào đại học, hắn phụ hồ, làm tiếp thị để xoay xở.

Hắn tham gia các phong trào của trường một cách hăng say và nhiệt tình. Kết quả hắn đạt được cũng khả quan. Giáo viên giỏi vòng trường , giáo viên chủ nhiệm giỏi vòng trường, giải nhất liên môn tỉnh Cà Mau, giải nhì liên môn quốc gia, hắn còn được giải khuyến khích viết báo của tỉnh. Tiền lãnh giải từ cuộc thi liên môn mấy triệu, hắn đãi học sinh cộng tác bằng hết

Quê hắn ở Khánh Hội, nhưng dòng họ hắn lại ở Khánh Hải. Tổ phụ hắn ở bên Tàu qua. Dòng họ hắn không làm ruộng , không đi biển, chỉ làm nghề buôn bán trên sông và ai cũng giàu. Chỉ có gia đình hắn nghèo, vì đổ vỡ. Hắn về vận động dòng họ trao học bổng cho học sinh , được 10 suất, mỗi suất 2 triệu đồng. Quá oách, đối với một trường vùng sâu, vùng xa.

Hắn là một giáo viên dạy Ngữ Văn. Hắn có một lợi thế là biết làm thơ và viết truyện. Thơ và văn của hắn đăng trên các báo trung ương và địa phương. Học sinh nhìn hắn thán phục. Hắn giảng như lên đồng, hăng say và to khỏe và rền vang. Hắn khuyến khích học trò sáng tác thơ văn ,để các em yêu thích hơn môn văn . Hắn chọn bốn chục bài thơ của lớp hắn chủ nhiệm, nhờ tôi viết lời giới thiệu. Tôi chấp bút ngay. Thế là tập san của lớp được in ra sau đó.

Lớp hắn chủ nhiệm có hai đứa học trò ở xa. Khả ở ấp Đầu Sấu- Phú Tân, đi học bốn giờ sáng. Hiếu ở nông trường Dừa cách trường mười mấy cây số, qua sông qua phà rất vất vả. Hắn ra lệnh: “Hai đứa bây tới nhà thầy ở!”. Từ đó Hiếu và Khả ở với hắn đến hết năm học.

Hắn hay rủ đồng nghiệp uống cà phê và dĩ nhiên hắn trả tiền. Hắn làm vui vẻ như nghĩa vụ, như một hành động đạo đức bố thí của đạo Phật. Hôm nào không có tiền là hắn trốn biệt. Điên thoại mời hắn, giả lơ không bắt máy. Tôi nói với bạn bè: hắn hết tiền rồi! Tạng hắn là thích bao người khác hơn là để người khác bao mình.

Hắn vẫn xởi lởi với mọi người. Giáo viên trong trường nhờ dạy thay , hắn nhiệt tình giúp đỡ. Nhờ coi thi hoặc nhờ giữ lớp, hắn làm tất. Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hỏi chuyện vợ con, hắn hát ngêu ngao “mà minh thì tay trắng làm sao cưới được em”. Tôi nghĩ, nếu không có hắn thì trường sẽ buồn và tôi mất một người bạn tri âm.

(Kiến thức gia đình số 46)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất