Ảnh minh họa |
Vụ thứ nhất là việc thầy Dương Văn Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A trường tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) sau khi uống rượu ở nhà phụ huynh đã có hành vi dâm ô (“sờ vào vùng nhạy cảm”) của 13 học sinh nữ.
Phụ huynh phản ánh đến cơ quan chức năng ngành giáo dục địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Việt Yên. Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn khẩn, yêu cầu sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo kiểm tra, xác minh, phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan xử lý nghiêm vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo (nếu có). Sau đó, Công an huyện vào cuộc điều tra. Giáo viên này bị đình chỉ dạy học 15 ngày.
Vụ việc gây xôn xao trên chưa kịp lắng thì cách đây vài ngày, dư luận cả nước lại được phen “tá hoá” trước một loạt tin nhắn có nội dung tình cảm quá mức được cho là của một thầy giáo với một nữ sinh lớp 10 tại một trường THPT ở tỉnh Thái Bình. Những tin nhắn mà khi đọc lên, phụ huynh không khỏi cảm thấy “gai người”.
Và tiếp tục là một vụ “gây sốc” nữa khi Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết đã chỉ đạo cho Ban giám hiệu trường THPT (đặt tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đình chỉ công tác giảng dạy đối với một nữ giáo viên vì bị tố cáo vào khách sạn cùng một nam học sinh lớp 10.
Dẫu biết rằng, thầy cô giáo cũng chỉ là những con người bình thường, cũng có những lúc vấp phải sai lầm và trật khỏi “đường ray” lễ giáo. Thế nhưng, sai lầm trên chính học sinh, sai lầm về vấn đề đạo đức, và đặc biệt là sai lầm trong việc “dâm ô”, “lạm dụng”, “gạ tình” thì thật sự không thể nào chấp nhận. Đã đành xã hội không nên “thần thánh hoá” các thầy cô, nhưng xin thầy cô hãy cứ là những người bình thường chứ đừng “tầm thường”!
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích rằng, liên tục những vụ việc dâm ô, gạ tình học sinh xảy ra gần đây là do các địa phương, trường học chưa có sự chọn lọc đúng người thực sự giỏi chuyên môn, đủ tư cách, đạo đức để dạy học.
Tiến sĩ Lâm nói rất phải: Đã đến lúc, ngành giáo dục cần phải giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường học. Đặc biệt là quy trách nhiệm trực tiếp cho hiệu trưởng trong việc tăng cường bồi dưỡng tư cách, đạo đức cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát sàng lọc giáo viên. Đừng để đến khi “cháy nhà thì mới la làng” mà phải có giải pháp căn cơ từ trong khâu tuyển dụng, đãi ngộ người giỏi, có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt để giảng dạy.
Bên cạnh đó, người viết thấy rằng, không chỉ ngành giáo dục mà nhiều cơ quan vẫn chưa nhìn nhận hết được sự nghiêm trọng của vấn đề lạm dụng trong môi trường trường học.
Đơn cử như trường hợp thầy Minh ở trên, việc cảnh sát điều tra công an huyện cùng với các bác sĩ nữ Bệnh viện đa khoa huyện (Trung tâm Y tế huyện) cùng đại diện gia đình và nhà trường tổ chức kiểm tra dấu vết trên thân thể của 14 cháu học sinh để ra một kết luận “không có dấu vết gì nghi vấn”, “không đủ căn cứ chứng minh hành vi dâm ô” cho những hành vi vốn đã được thừa nhận là “sờ mông, sờ đùi” thì liệu đã thuyết phục hay chưa, đã coi trọng các em nhỏ hay chưa?
Việc giáo viên này có văn bản tường trình và xin ra khỏi ngành, thấy rằng cũng là điều nên làm. Khi mà chất lượng giảng dạy đang gây tranh cãi, thì việc phải siết lại kỷ cương “thầy ra thầy, trò ra trò” là việc cấp thiết để lấy lại niềm tin của hàng triệu bậc phụ huynh với nền giáo dục nước nhà, trong đó, liên quan đến nạn lạm dụng, dâm ô, gạ tình học sinh – những hành vi chẳng những không chuẩn mực với nghề giáo mà còn vi phạm pháp luật - thì đặc biệt không cho phép có “sai lầm”!