| Hotline: 0983.970.780

Thầy lang nổi tiếng giữa rừng xanh

Thứ Hai 06/09/2010 , 09:49 (GMT+7)

Theo chỉ dẫn của một bệnh nhân từng được chữa khỏi bệnh, tôi lặn lội gần 200 cây số tìm đến thầy thuốc Nguyễn Văn Cư ở xã Hà Vị, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn)...

Ông Cư trao đổi với tác giả bài viết
Theo chỉ dẫn của một bệnh nhân từng được chữa khỏi bệnh, tôi lặn lội gần 200 cây số tìm đến thầy thuốc Nguyễn Văn Cư ở xã Hà Vị, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) để mắt thấy tai nghe về thầy lang nổi tiếng nơi chốn rừng xanh.  

Được người Dao truyền nghề 

Biết tôi là nhà báo, ông Cư tỏ ra không mặn mà, có lẽ ông sợ nhà báo phóng đại sự việc nên trong câu chuyện về nghề thuốc, ban đầu ông còn gìn giữ theo kiểu nói ít cười nhiều cho qua chuyện, mãi đến khi tin tưởng và tâm giao chén rượu ngọt ngào, ông mới bộc bạch kể cho tôi nghe về những bài thuốc gia truyền của dòng họ.

Theo gia phả, thì ông Cư là đời thứ 5 của dòng dọ Nguyễn từ Thái Bình di cư lên Bắc Kạn. Cụ của ông Cư là ông Nguyễn Duy Tương sinh thời có một sở thích săn bắn và có phong cách sống gần gũi với bà con các dân tộc, con cháu bị ốm đau là cụ lên các bản người Dao nhờ hái thuốc trị bệnh, cũng từ các mối quan hệ đó, cụ kết nghĩa với người Dao trên các ngọn núi như anh em ruột thịt và mối quan hệ tình cảm sâu nặng đó được lưu giữ cho đến tận ngày nay.

Trong năm tháng sống với bà con dân tộc Dao, cụ Tương rất được lòng mọi người, nên nhiều thầy thuốc người Dao đã chỉ dẫn các cây thuốc chữa bệnh để khi nào trong gia đình có người đau ốm, đỡ mất công leo lên núi nhờ vả các thầy hái thuốc. Đến đời cụ Quản (ông nội ông Cư) đã cẩn thận ghi chép lại thành một bộ sách có hơn 120 bài thuốc hay và hàng trăm cây thuốc quí hiếm cũng được thu thập ghi trong sách, mỗi khi đến đâu gặp những người đau ốm đúng với bài thuốc đã biết, cụ Quản tận tụy hái thuốc cứu người mà chẳng cần trả thù lao. Ngày đó nghề hái thuốc nam gian nan lắm, nếu người mắc bệnh mà không quen biết thầy thuốc, họ sẽ từ chối khéo cho đỡ mệt, vì đi hái thuốc trong rừng vất vả, cũng chẳng có sự bồi dưỡng như bây giờ, người bệnh nào được thầy thuốc chữa trị khỏi bệnh chỉ cần đem một con gà, ống gạo, thẻ hương, chai rượu, nắm muối trắng và một vuông vải đỏ đến “tạ cây thuốc” là xong.

Khi cụ Quản qua đời, các cây thuốc này lại được người con là Nguyễn Văn Thinh tiếp quản, với mục đích là để chữa trị bệnh cho người thân trong gia đình, ai đó biết cụ cắt thuốc phải đến “nịnh khéo” thì được cụ hái thuốc giúp. Cũng chính từ việc cụ Thinh ngại đi rừng hái thuốc nên ông Cư là con trai lớn của ông Thinh, được giao nhiệm vụ thay bố vào rừng hái thuốc cứu người. Do vậy ông được thừa hưởng nghề hái thuốc từ năm 10 tuổi và tập pha chế theo sự hướng dẫn của người cha, lớn lên lại được tin dùng, thế là ông Cư theo nghề lang bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Trong những năm tháng thời bao cấp khó khăn thiếu thốn, bệnh tật nhiều, vợ chồng ông Cư ngày thì đi làm hợp tác xã, tắt nắng mới về, nhưng ai đó đến kêu đau ốm, ông lại lặn lội vào rừng hái thuốc. Nhiều lúc đông bệnh nhân, vợ chồng ông miệt mài thái, băm và chế thuốc từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm vẫn chưa xong; lại có lần bốc thuốc, dăm thuốc cứa vào các đầu ngón tay đến bê bết máu, nghĩ cực quá, nhiều khi ông muốn bỏ quách cái nghề này nhưng nghĩ đến công lao của tiên tổ và những ánh mắt cầu cứu của bệnh nhân nên ông Cư lại không đành lòng bỏ cuộc.  

“Chữa khỏi bệnh cho thiên hạ là vui rồi”

Ông Cư giới thiệu biển hiệu nhà thuốc vừa mới dựng
Ông bốc thuốc nam nổi tiếng nhất Bắc Kạn sao vẫn ở nhà gỗ tềnh toàng thế?, tôi hỏi. Ông Cư mỉm cười đáp: “Khoảng mười năm về đây gia đình tôi đã khấm khá lắm rồi, ngoài chiếc nhà sàn chắc chắn này, tôi mới xây thêm được dãy nhà cấp bốn kia để làm phòng tắm thuốc phục hồi sức khỏe, chứ ngày trước nghèo lắm, bốc thuốc cho khoảng 2.000 bệnh nhân mỗi năm nhưng cơm chẳng đủ no, có bệnh nhân mắc bệnh nan y, tôi phải lấy thuốc cho họ nửa năm mới khỏi hẳn, họ chỉ tạ lễ mình con gà, chai rượu, ống gạo nếp thôi, vì trước đây không ai bán thuốc nam như bây giờ nên không có tiền".

Ông tiết kiệm làm gì, già rồi thụ hưởng đi chứ?, tôi hỏi tiếp. Ông Cư lại cười vui vẻ: “Ai chẳng thích có tiền hưởng thụ cuộc sống, nhưng theo cái nghề thuốc nam này chỉ làm phúc thôi, tiền bạc ăn thua gì đâu, cây thuốc phải bỏ công đi hái ở mãi trên rừng già vất vả lắm, bốc thuốc cho người bệnh cũng gọi là lấy công thôi, đủ việc làm cho các cháu và chữa mau khỏi bệnh cho thiên hạ là vui rồi”. Nói xong, ông dẫn chúng tôi đi xem các thợ pha chế thuốc đang miệt mài thái, cắt, tiếng băm thuốc rộn rã gầm nhà sàn, các loại thuốc được phơi theo từng nong, liếp trên sàn nhà để tránh gà, lợn quậy phá, khi nào khô thì đóng thành từng bao dứa bỏ lên gác nhà sàn.

Trong mười năm qua, nhà ông luôn có 15 lao động là con cháu trong gia đình chia làm hai nhóm, một nhóm 4 người hàng ngày nắm cơm đi rừng lấy thuốc về, nhóm thứ hai là băm, thái lát và phơi khô, công việc chế vị cho từng bài thuốc cuối cùng là vợ chồng ông làm. Con cháu ông làm việc vất vả suốt ngày cũng chỉ được lĩnh hơn một triệu đồng một tháng, vì họ biết ông bán thuốc rẻ bèo, tính tình thỏa mái, đôi khi còn biếu không thì lấy đâu ra tiền nhiều nên không ai đòi hỏi cao hơn và cứ lặng lẽ theo ông để học nghề làm phúc.

Vợ chồng ông Cư cũng chẳng có thời giờ nghỉ ngơi, vì mỗi ngày có từ 5 đến 7 người đến cắt thuốc, họ toàn cắt những đơn thuốc nan y, có người uống thuốc đến vài tháng mới khỏi, thậm chí có người uống hơn một năm mới tiêu bệnh. Trong nhiều năm cắt thuốc, ông nhớ nhất trường hợp anh Đỗ Văn Miên ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, mắc chuỗi sỏi thận kết cứng trong niệu quản dài 14,3 cm, bệnh viện trả về, ông Cư tích cực hái thuốc chữa trị suốt 3 tháng mới khỏi hẳn. 5 năm nay sức khỏe anh Miên bình thường, gặp chúng tôi anh Miên vui vẻ cho biết: “Nếu không có thuốc nam của ông Cư chắc tôi đã chết rồi, hồi đó bệnh viện trả về vì tôi mắc bệnh máu loãng gì đó nên không thể mổ được”.

Bác Nguyễn Duy Hợi và bác Triệu Sơn đều ở tuổi 70, hiện đang thường trú tại thị xã Bắc Kạn (cả hai nguyên là Phó Chủ tịch huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cùng chung căn bệnh u sơ tiền liệt tuyến, chạy chữa nhiều nơi không khỏi, chỉ đến ông Cư lấy thuốc uống hơn một tháng, nay hai ông đã khỏi bệnh hơn 5 năm, sức khỏe tốt. Còn trường hợp anh Hòa sinh năm 1957, Công tác tại Công an thị xã Cao Bằng (Cao Bằng) mắc sỏi thận nặng, bác sỹ chỉ định mổ nhưng anh Hòa không muốn đụng dao kéo nên đến nhờ ông Cư hái thuốc, suốt hai tháng mới bào mòn và tiêu được 12 viên sỏi cứng đét trong thận ra, từ đó khâm phục sự miệt mài và chân thành của thầy thuốc mà tâm giao thành bạn tồng (kết nghĩa anh em cùng tuổi).

Hay như anh Chung, cán bộ Thị đội thị xã Bắc Kạn, bị sỏi mật bùn chữa trị nhiều nơi không khỏi, ông Cư cắt thuốc gần hai tháng khỏi hẳn, đã ba năm qua bệnh nhân đi soi lại không còn lắng sỏi nữa… Hơn 40 năm buốc thuốc cứu người, ông Cư đã chữa trị khỏi hàng nghìn bệnh nhân với các bệnh về gan, mật, thận và nhiều nhất là sỏi thận…

Để phục vụ nghiệp chữa bệnh cứu người, ông Cư quyết định chuyển khu đất đồi rộng 14,7 ha từ trồng rừng nguyên liệu sang bảo tồn các loại cây thuốc. Suốt mấy năm qua, ông tự vào rừng thẳm đưa những cây thuốc quí về trồng trong rừng của gia đình để sau này truyền nghề cho con cháu…

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.