| Hotline: 0983.970.780

Thế giới đã có 7 dòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 29/03/2019 , 07:54 (GMT+7)

Thông tin đến Báo NNVN, lãnh đạo Chi cục Thú y vùng 6 (Cục Thú y) cho biết: Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi (đã đánh giá tính hiệu lực).

Chuẩn bị phòng thí nghiệm virus AFS từ lâu

Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6, cho biết: Năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới (OIE) tổ chức hội thảo về dịch tả lợn Châu Phi ở Liên Bang Nga, chúng tôi bắt đầu tập trung lực lượng để nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi đã ký hợp tác với phòng Thí nghiệm Thú y Quốc gia của Úc và phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) xây dựng quy trình chẩn đoán xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

Năm 2013, phòng thí nghiệm của Chi cục Thú y vùng 6 là cơ sở duy nhất chứng nhận được bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, Chi cục đã chuyển giao kỹ thuật cho toàn bộ 7 phòng thí nghiệm của Cục Thú y.

Song song với đó, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ với phòng tham chiếu quốc gia của Úc, hợp tác nghiên cứu về bệnh trên heo, trong đó có bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Năm 2017 và 2018, đơn vị đã cử một nhóm cán bộ sang Úc làm việc, đồng thời họ cũng cử người sang Việt Nam để nghiên cứu về bệnh này.

Vừa rồi khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với phòng thí nghiệm của Cục Thú y để chẩn đoán xét nghiệm tổng cộng 16 mẫu, trong đó 2 mẫu ở Hưng Yên và 14 mẫu ở Thái Bình. Sau đó, chúng tôi giải trình gen virus và khẳng định virus đang lưu hành ở Việt Nam thuộc serotype 2. Ngày 26/2, các chuyên gia Úc đã sang phòng thí nghiệm của Chi cục, họ mang tất cả các vật liệu, đặc biệt là đại thực bào tủy xương (BMA) để chúng tôi phân lập virus. Đến ngày 8/3/2019, chúng tôi chính thức cô lập và bắt được con virus này.

13-44-31_dich-t-chu-phi
Diễn tập mổ khám lấy mẫu bệnh phẩm lợn nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay, chúng tôi đang xin ý kiến Bộ NN-PTNT cử chuyên gia của Chi cục cùng với mẫu virus sang Úc để nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học phân tử của virus, tính sinh bệnh, giải trình tự toàn bộ gen của virus, mục đích để sản xuất vacxin phục vụ cho ngành chăn nuôi trong nước.

Sản xuất vacxin là rất khó

- Vậy việc sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi có quá khó không? Chúng tôi đặt vấn đề.

- Phải khẳng định sản xuất được loại vacxin này vô cùng khó. Khó ở chỗ mình phải có đủ tế bào dòng (môi trường nhân nuôi virus). Hiện nay, chúng tôi đã có một số loại tế bào có thể phân lập được virus rồi, nhưng để nhân nuôi virus với số lượng lớn để sản xuất vacxin là vấn đề khó.

Để sản xuất tế bào dòng từ đại thực bào tủy xương heo sẽ mất chi phí rất cao, bởi vậy dù có sản xuất được vacxin thì cũng rất khó thương mại hóa.

Thứ hai là sau mỗi lần nuôi cấy, cấu trúc gen của virus ASF thay đổi dẫn đến kháng nguyên thay đổi. Bởi vậy, kháng thể của con lợn sinh ra không bảo hộ được virus trên thực địa. Do đó, bây giờ chúng tôi phải nghiên cứu cấu trúc gen của nó như thế nào, từ đó trả lời câu hỏi: Tại sao trong quá trình nuôi cấy virus như vậy nó lại thay đổi cấu trúc gen?

Hiện nay, một số nghiên cứu đã làm được vacxin nhược độc. Nhưng vacxin đó chỉ bảo hộ được đồng chủng virus chứ không thể bảo hộ chéo (bảo hộ dị chủng, nhiều chủng vacxin khác nhau). Hiện nay, trên thế giới có 23 serotype virus dịch tả lợn Châu Phi. Con virus ở Việt Nam thuộc serotype 2, vậy thì nếu sản xuất được vacxin nhược độc sẽ bảo hộ được chủng virus thuộc serotype 2, còn những chủng virus khác khả năng bảo hộ rất thấp. Với điều kiện của Việt Nam, nếu chúng ta làm được như vậy đã là thành công rất lớn rồi.

Hiện nay Chi cục Thú y vùng 6 đã bắt tay với Cty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco để bàn phương án nghiên cứu sản xuất vacxin. Thứ nhất, có thể gửi virus ra nước ngoài để làm. Thứ hai là sử dụng virus cường độc đang có, cho cấy chuyển trên cá thể thỏ sống qua 80 đời để thu virus nhược độc, sau đó đưa vào phòng thí nghiệm để công cường độc trên lợn đánh giá, nhân nuôi, định liều…

Phương án thứ 3, chúng tôi đang đề xuất với Cục Thú y cho phép chúng tôi tham gia cùng đoàn chống dịch, được tiếp cận các ổ dịch để bắt virus nhược độc trong tự nhiên (ví dụ thu mẫu virus từ những con heo dương tính với dịch tả lợn Châu Phi mà không chết), đó là ứng cử viên sáng giá nhất để tiến hành nghiên cứu sản xuất vacxin.

- Vậy vì sao dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện rất lâu, nhưng chưa có vacxin phòng, chống?

- Theo thông tin chúng tôi thu thập được, hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã có thể sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi từ các chủng giống virus nhược độc. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vacxin này gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao.

Theo nguồn Marisa Arias, 2017 của các chuyên gia Pirbright, Tây Ban Nha, Ý, các nhà khoa học đã sản xuất được 7 loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể:

Vacxin NHV/P68 được sản xuất từ chủng giống nhược độc sử dụng tế bào PBM, có khả năng bảo hộ virus đồng chủng và virus dị chủng (L60, ARM07).

Vacxin OURT88/3 được sản xuất từ chủng giống OURT88/3 nhược độc sử dụng tế bào BM có khả năng bảo hộ virus dị chủng (OURT88/1, UG65).

Vacxin biến đổi gen Georgia07D9GL&DP96R/UK được sản xuất từ chủng virus độc lực Georgia07 sử dụng tế bào PAM chỉ bảo hộ virus đồng chủng.

Vacxin Ba71DCD2/EP402R biến đổi gen được sản xuất từ chủng giống virus độc lực Ba71 sử dụng tế bào COS, có khả năng bảo hộ virus đồng chủng và dị chủng (E75, Georgia07).

Vacxin BeninDMGF biến đổi gen được sản xuất từ chủng giống virus độc lực Benin sử dụng tế bào BM, chỉ có khả năng bảo hộ virus đồng chủng.

Vacxin BeninDP148R biến đổi gen được sản xuất từ chủng giống virus Benin sử dụng tế bào BM, chỉ bảo họ virus đồng chủng.

Vacxin NH/P68DA238L biến đổi gen được sản xuất từ chủng giống virus độc lực NH/P68 sử dụng tế bào COS+4 pasages in PAM, có khả năng bảo hộ virus đồng chủng và dị chủng (ARM07).

 

Xem thêm
Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.

Bình luận mới nhất