| Hotline: 0983.970.780

Thế giới tự đi qua đại dịch

Thứ Ba 05/05/2020 , 09:38 (GMT+7)

Thời điểm thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ và thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng lớn vào năm 2008, các nước lớn ngồi lại được với nhau để cùng tìm lối thoát.

Quá mệt mỏi, một nhân viên y tế Bệnh viện Brooklyn (Mỹ) gục đầu nghỉ ngay ngoài sân sau ca làm 12 tiếng liên tục. Ảnh: Getty Images.

Quá mệt mỏi, một nhân viên y tế Bệnh viện Brooklyn (Mỹ) gục đầu nghỉ ngay ngoài sân sau ca làm 12 tiếng liên tục. Ảnh: Getty Images.

Đại dịch lần này có “bức tranh” khác hẳn: Không người dẫn đầu, không hành động có phối hợp và sự đoàn kết dù mục đích ở đâu cũng vậy - đó là chặn dịch bệnh lây lan.

Cuộc khủng hoảng tài chinh hơn một thập niên trước dẫn đến sự ra đời của Nhóm G-20 tập hợp các quốc gia giàu có nhất thế giới với quy mô lên đến 80% giá trị kinh tế toàn cầu.

Ấy vậy nhưng khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ý tưởng gửi các nhà lãnh đạo G-20 trước cuộc họp thượng đỉnh của họ vào cuối tháng 3, đề nghị hợp tác và dẫn đầu “kế hoạch thời chiến” quy mô toàn cầu để ngăn đại dịch, tất cả đều im lặng.

Sang ngày 6/4, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng 164 Tổng thống, Thủ tướng cả đương chức, nghỉ hưu và các nhà khoa học hàng đầu gửi thư chung kiến nghị G-20 có hành động gấp “trong các ngày tới” vì nhiệm vụ chống dịch đã trở nên cấp thiết. Thêm lần nữa, G-20 không có phản hồi.

Hẳn ông Guterres thất vọng lắm mới than thở trước cánh phóng viên mới đây, rằng quá đáng tiếc thế giới đã không lập được mặt trận chung mà mạnh ai nấy đi khiến cho mầm dịch có nguy cơ không biến mất để đe doạ sẽ trở lại.

“Rõ là chúng ta thiếu một vai trò dẫn dắt và cộng đồng quốc tế bị chia rẽ đúng vào thời điểm cần đoàn kết nhất”, vị Tổng thư ký chua xót nói.

Những rạn nứt trong hợp tác và đoàn kết quốc tế đã mạnh lên từ đầu thế kỷ 21. Từ tháng 9/2019, ông Guterres từng cảnh báo thế giới đối mặt nguy hiểm bởi sự phân rẽ giữa một bên là Mỹ còn bên kia là Trung Quốc, trong khi chủ nghĩa dân túy, bài ngoại, truyền bá khủng bố, bùng nổ bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu bồi thêm những cú đấm mạnh mẽ. Ông cũng nhắc đến sự xói mòn nghiêm trọng chủ nghĩa đa phương vốn là nền tảng dựng nên Liên hợp quốc.

Những vấn đề có tầm vóc quốc tế đó đã không còn bị chìm lấp bởi đại dịch Covid-19, khi đó người ta thấy rõ thế giới vấp phải hạn chế trong việc phối hợp với nhau để truy gốc mầm bệnh và ngăn chặn dịch lan ra toàn cầu.

Chưa có một đại dịch nào trong thế giới hiện đại ngày nay mà “năm châu bốn biển” đều bị lây nhiễm và tàn phá mạnh như vậy (ngoại trừ Nam cực).

Sự khác biệt trong đối phó, chữa trị, xét nghiệm và khoanh vùng dịch dường như càng làm cho con virus chết người có thể chu du khắp thiên hạ. Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Christoph Heusgen nhìn sự bất lực này là “thách thức lớn nhất mà nền văn minh phải đối mặt kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 5 - Đại sứ Estonia Sven Jürgenson vừa nhận nhiệm vụ vừa thấy xấu hổ. Từ giữa tháng 3, Liên hợp quốc kêu gọi giúp đỡ các nước còn chiến tranh và nội chiến đang bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch 2 tỷ USD mà đến giờ mới nhận được 1 tỷ.

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới David Beasley lo ngại đến cuối năm 265 triệu người sẽ vượt ngưỡng nghèo để chạm ngưỡng đói.

Còn Mark Lowcock từ cơ quan cứu trợ nhân đạo Liên hợp quốc thì cho rằng chỉ cần 90 tỷ USD, tức là 1% của tổng gói kích thích 8.000 tỷ USD mà Nhóm G-20 tung ra để cứu nền kinh tế là khoảng 700 triệu người nghèo nhất thế giới ở khoảng 40 quốc gia có thể được cứu.

Những kỳ vọng đó có thể sẽ khó thành hiện thực, khi mà Hội đồng Bảo an vẫn còn nhùng nhằng chưa thông được một nghị quyết khẩn cấp để thực hiện lời kêu gọi của Tổng thư ký Antonio Guterres về ngừng bắn để chống dịch tại các nước như Syria, Yemen, Libya hay Afghanistan.

Sự nhùng nhằng này được cho là do bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ vì nghị quyết có nhắc đến vài trò của Tổ chức Y tế thế giới hay không.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất