| Hotline: 0983.970.780

Thế lực nào khủng bố, đe dọa tính mạng người dân Bá Sơn?

Thứ Tư 12/01/2022 , 10:20 (GMT+7)

Những người dân phản đối khai thác mỏ than Bá Sơn đã bị các đối tượng lạ mặt khủng bố bằng nhiều hình thức, đe dọa cắt gân, gây tai nạn ...

Nỗi sợ bị thế lực lạ mặt khủng bố, đe dọa …

Theo như phản ánh tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, người dân các xóm Nam Sơn, Đồng Sang của xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên liên tục bị các đối tượng lạ mặt đến quấy phá, khủng bố tinh thần,… khiến cuộc sống luôn sống trong lo âu, sợ hãi. Phóng viên đã đến gặp trực tiếp những người dân tại đây để tìm hiểu sực việc này.

Hơn 10 người dân của các xóm Nam Sơn và Đồng Sang đã tập trung tại một ngôi nhà ở một nơi cách khu vực mình sống tới hơn 1km, mỏ than Bá Sơn tới 2km để gặp mặt phóng viên, chứ không dám tiếp ở tại xóm vì lo sợ bị những đối tượng lạ mặt để ý theo dõi và tiếp tục khủng bố.

Những người dân Bá Sơn tập trung tại một địa điểm để phán ánh sự việc với Phóng viên, đề nghị được giấu mặt vì lo sợ bị trả thù, khủng bố. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những người dân Bá Sơn tập trung tại một địa điểm để phán ánh sự việc với Phóng viên, đề nghị được giấu mặt vì lo sợ bị trả thù, khủng bố. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo như phản ánh của người dân, mỏ than Bá Sơn (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) đã bị UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định dừng hoạt động từ tháng 7/2021, doanh nghiệp khai thác là Công ty CP Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên phải hoàn thổ mặt bằng. Nhưng doanh nghiệp tiếp tục khai thác, nổ mìn và vận chuyển than ra ngoài hàng ngày. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các hộ dân sống gần mỏ than Bá Sơn.

Trong thời gian từ trước năm 2021, do hình thức khai thác than moong sâu, rồi đào hầm lò khiến hơn 100 hộ dân khu vực Bá Sơn là xóm Đồng Sang và Nam Sơn của xã Cổ Lũng, xóm Cao Sơn 3 của xã Sơn Cẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ có nhà cửa bị nứt, sân vườn bị sụt lún mà còn làm mất nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.

Riêng xóm Đồng Sang có hơn 50 hộ gia đình bị ảnh hưởng, nứt nhà và sụt lún trong đó bị nứt nhà, nguy cơ sập đổ không thể ở được khoảng 20 nhà. Bị nhẹ hơn và vẫn ở được là hơn 30 gia đình. Đó cũng là lý do để UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định không tiếp tục cấp phép khai thác cho doanh nghiệp nữa.

Mặc dù vậy, những người dân vẫn phản ánh rằng doanh nghiệp không hoàn thổ theo quy định mà tiếp tục các hoạt động nổ mìn, khai thác đã tiếp tục ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhà cửa và ruộng vườn lại bị lún, nứt thêm.

Một vết nứt mới phát sinh do được cho là ảnh hưởng của việc nổ mìn khai thác ở mỏ than Bá Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một vết nứt mới phát sinh do được cho là ảnh hưởng của việc nổ mìn khai thác ở mỏ than Bá Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phá hoại tài sản, đổ chất bẩn, mang vòng hoa đến nhà dân

Người dân khu vực Bá Sơn đã phản ánh tập thể lên các cơ quan chức năng các cấp về việc doanh nghiệp có khai thác than, nổ mìn ảnh hưởng tới đời sống. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lạ mặt được cho là xã hội đen đã đến uy hiếp những người đứng lên phản đối, bằng lời đe dọa cắt gân, gây tai nạn,... và đổ chất bẩn vào nhà.

Trong đó có gia đình bà Đặng Thị Vân ở xóm Đồng Sang, vào những ngày giữa tháng 12/2021 bị nhiều đối tượng dấu mặt liên tiếp có những hành động khủng bố như: mang vòng hoa và vàng hương kính viếng con trai bà Vân, mặc dù con trai bà đang sống khỏe mạnh; treo đầu chó trước cổng; hất phân trộn dầu thải vào cổng và cửa,…

Con gái bà Vân ở xóm 8, xã Sơn Cẩm cũng bị khủng bố tương tự… Bà Vân là người có đơn phản ánh việc khai thác than của mỏ than Bá Sơn lên các cấp. Sau đó bà Vân sợ quá đã không dám phản đối nữa.

Sau vụ khủng bố nhà bà Vân khoảng một tuần, nhà bà Lê Hương Lan ở xóm Nam Sơn đã bị phá hoại đường ống nước, đối tượng lạ mặt gửi lời cảnh cáo. 

Nhà con gái của bà Đặng Thị Vân bị các đối tượng lạ mặt, hất chất bẩn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Nhà con gái của bà Đặng Thị Vân bị các đối tượng lạ mặt, hất chất bẩn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đi quanh khu vực mỏ than Bá Sơn, tình trạng những ngôi nhà xây bị nứt, bục cả tường, siêu vẹo, sập cả mái nhà không phải là chuyện hiếm. Nhiều nhà dân phải dựng những ngôi nhà tạm bợ để sống qua ngày

Chúng tôi đã vào một ngôi nhà tại xóm Đồng Sang là gia đình ông Trịnh Văn Hùng. Căn nhà chính đã bị hư hỏng cả tường, mái không thể ở được nên cả nhà đang ở tạm ở căn nhà bếp, nhưng chính căn nhà bếp cũng đang bị nứt, hỏng. Ngay từ cổng và sân nhà là nhìn rõ nhất ảnh hưởng của hoạt động khai thác than khi xuất hiện những vết nứt cắt ngang rộng tới cả một gang tay người lớn.

Ông Hùng cho biết, việc nứt nhà cửa thì gia đình trước cũng đã được đền bù 600 triệu tiền nhà chính do bị hư hỏng. Đến nay, gia đình phải ở nhà tạm vì mỏ vẫn khai thác, vẫn nổ mìn nên đất vẫn sụt lún. Chỉ mong là mỏ chấm dứt hoạt động hoàn toàn để người dân yên ổn sống và sản xuất, lúc ấy mới an tâm để xây nhà mới.

Căn nhà của ông Hùng bị hư hỏng không thể ở được nữa. Ảnh: Toán Nguyễn.

Căn nhà của ông Hùng bị hư hỏng không thể ở được nữa. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bao giờ quyền lợi của người dân được bảo vệ?

Bà Trương Thị Hải – Trưởng xóm Nam Sơn, xã Cổ Lũng xác nhận với phóng viên việc có xã hội đen đe dọa, phá hoại và khủng bố người dân địa phương phản đối khai thác mỏ than Bá Sơn là có thật. Xóm cũng đã báo cáo lên cấp trên và các cơ quan chức năng, đến nay cũng chưa thấy có kết quả.

Bà Hải cũng khẳng định là những phản đối của người dân khu vực Bá Sơn là chính đáng và có cơ sở. Trước đây mỏ than hoạt động đã làm nhiều nhà dân bị hư hỏng không thể ở được, phải sinh hoạt tạm bợ qua ngày. Theo như Quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh vào tháng 7/2021 và phải tiến hành hoàn thổ, nhưng người dân khẳng định doanh nghiệp vẫn khai thác, nổ mìn khiến người dân không thể ổn định cuộc sống. Người dân và Ban, ngành cấp cơ sở của xóm bảo là giám sát cộng đồng, nhưng không có quyền vào khu vực mỏ mà giám sát. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Làm việc với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Bùi Đức Phong – Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) thông tin: Sau khi nhận được tin báo xảy ra sự việc có những đối tượng lạ mặt đã đến khu vực Bá Sơn khủng bố, phá hoại tài sản, đe dọa người dân, chúng tôi đã cử đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã xuống nắm bắt sự việc. Sau đó giao cho Công an xã xử lý và đã báo lên cấp trên là Công an huyện Phú Lương giải quyết, hiện Đội Cảnh sát hình sự thuộc Công an huyện đang thụ lý vụ việc.

Theo thông tin của UBND xã Cổ Lũng, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được đối tượng “khủng bố” tình thần và phá hoại tài sản của người dân Bá Sơn, đồng thời không phát sinh sự việc mới.

Một vết nứt ở trước công nhà dân có dấu hiệu mở rộng ra trong thời gian gần đây. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một vết nứt ở trước công nhà dân có dấu hiệu mở rộng ra trong thời gian gần đây. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ý kiến về vấn đề này, Luật sư Phùng Văn Cầu - PGĐ Công ty Luật TNHH Minh Thư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Vốn dĩ người dân tại khu vực mỏ Bá Sơn đã phải chịu đựng cuộc sống ô nhiễm, tác hại không nhỏ đến đời sống sinh hoạt thường ngày trong suốt nhiều năm dài từ việc khai thác than được cấp phép và không được cấp phép. Ngoài việc môi trường sống bị tác động, bên cạnh đó nhiều hộ dân, cá nhân còn phải chịu sự đe dọa về tính mạng, khủng bố về tinh thần, hủy hoại tài sản,… của một số người hoặc nhóm người có lợi ích. Cần khẳng định, đây là một chuỗi hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, để người dân có môi trường sống an toàn.

Để có cơ sở các cơ quan pháp luật vào cuộc, người dân trước tiên cần có sự đoàn kết, phát huy phong trào toàn dân phòng chống tội phạm và cần nhất là việc tố giác các hành vi vi phạm của các cá nhân, nhóm người đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, để đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, không bị ô nhiễm thì người dân cũng cần nhanh chóng làm các đơn thư, kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xem xét về dấu hiệu của việc khai thác than trái phép.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.