| Hotline: 0983.970.780

Thế mạnh thành sức mạnh

Thứ Tư 21/03/2012 , 10:18 (GMT+7)

Các ngành nghề nông thôn không chỉ đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của Vĩnh Long mà còn mang giá trị văn hóa đậm nét.

Vĩnh Long có khoảng 81 làng có nghề và làng nghề

Vĩnh Long là một tỉnh thuần nông với khoảng 80% dân số sống ở nông thôn. Đây là một trong những tỉnh có số lượng ngành nghề nông thôn tập trung đông ở ĐBSCL. Các ngành nghề nông thôn không chỉ đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của toàn tỉnh mà còn mang giá trị văn hóa đậm nét.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển theo quy luật của cơ chế thị trường, các ngành nghề nông thôn Vĩnh Long đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, bên cạnh đó chưa khai thác và tận dụng triệt để thế mạnh của địa phương để phát triển NNNT. Vì vậy để tồn tại và phát triển các làng nghề một cách bền vững cần tạo “luồng gió” xoáy sâu vào thế mạnh riêng biệt của từng địa phương, “biến thế mạnh thành sức mạnh” để đưa NNNT vươn lên.

Khó khăn nhiều mặt

Theo thống kê, Vĩnh Long có khoảng 81 làng có nghề và làng nghề. Xét theo tiêu chí để công nhận làng nghề nông thôn, đến cuối năm 2011 UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận được 20 làng nghề, nghề truyền thống. Có thể nói ngành nghề nông thôn Vĩnh Long đã tồn tại từ khá lâu đời, một số ngành nghề đã tạo thương hiệu riêng và có sức lan tỏa rộng rãi, được nhiều người biết đến.

Bên cạnh đó không ít ngành nghề đã mang lại thu nhập cao cho người lao động, giải quyết một cách có hiệu quả nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Các làng nghề truyền thống như gạch gốm ở Mỹ An, Mỹ Phước huyện Mang Thít; gạch gốm - Thanh Đức huyện Long Hồ; hoa kiểng - Phước Định; bánh tráng nem - Lục Sỹ Thành huyện Trà Ôn… là những làng nghề tiêu biểu ở nông thôn Vĩnh Long. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như nguyên nhân chủ quan dẫn đến sản xuất kinh doanh của ngành nghề nông thôn Vĩnh Long phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Một là, trong những năm qua Nhà nước đã có nhũng chủ trương và chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, song NNNT Vĩnh Long vẫn còn thiếu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về định hướng chính sách, khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực…

Hai là, các chủ cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh NNNT ít và chưa tiếp cận được một cách đầy đủ các thông tin “đầu vào, đầu ra” nên chậm đổi mới hoặc chưa mạnh dạn liên kết để cùng tồn tại và phát triển. Ba là, đa số NNNT Vĩnh Long hình thành và phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ chủ yếu là để mưu sinh nên khó đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài. Bốn là, chưa có sự gắn kết giữa các làng, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô sản xuất, truyền nghề; chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Tận dụng thế mạnh

Nghị định 66/2006/NĐ-CP ra đời đã tạo điều kiện cho NNNT phát triển. Riêng đối với Vĩnh Long, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển NNNT, cụ thể tỉnh đã ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển NNNT đến năm 2020. Về phía Sở NN - PTNT chuẩn bị trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

Để thúc đẩy NNNT phát triển, tỉnh cần quan tâm phát triển ngành nghề theo thế mạnh riêng. Vì vậy, tỉnh ưu tiên phát triển ba nhóm ngành phân theo đặc thù. Nhóm ngành nghề phát triển ở tốc độ cao (đan lục bình, se lõi lát, sản xuất gạch ngói, sản xuất bánh tráng nem, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh…), nhóm ngành nghề có khả năng phát triển với tốc độ trung bình (xay xát, cơ khí nhỏ, sơ chế ca cao…), nhóm ngành có khả năng phát triển với tốc độ thấp (đan đát, sản xuất nhang, chằm nón lá…). Trong đó ưu tiên phát triển ngành nghề phát triển ở tốc độ cao bởi vì đây là nhóm ngành có điều kiện thuận lợi về thị trường, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ với lợi thế cạnh tranh cao, sử dụng nhiều lao động thủ công (lao động nữ và lao động gia đình). Sản phẩm làm ra ít bị cạnh tranh bởi hàng công nghiệp, lao động có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, có khả năng áp dụng tiến bộ công nghệ trong xử lý môi trường.

Được sự quan tâm từ phía Nhà nước, cũng như tình hình thực tế của tỉnh, có thể khẳng định hướng phát triển NNNT gắn với điểm du lịch của làng nghề là phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cũng như giá trị văn hóa tinh thần cũng được nâng lên. Điển hình, như xây dựng khu trưng bày sản phẩm, bán sản phẩm lưu niệm nghề gạch gốm…

Một cơ hội không thể bỏ qua đó là sự phát triển làng nghề mai vàng Phước Định gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng cây ăn trái trên cù lao An Bình, thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ. Khôi phục phát triển nghề làm bánh tráng nem tại cù lao Mây - Lục Sỹ Thành - Trà Ôn, gắn khu du lịch sinh thái miệt vườn và khu chợ nổi Trà Ôn. Tuy nhiên, các hình thức trên chỉ thực hiện tại một số làng nghề và sự liên kết giữa các làng nghề với các ngành du lịch chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.

Để công tác phát triển NNNT đi vào chiều sâu, ngoài việc khôi phục phát triển NNNT gắn với du lịch thì việc phát triển nghề mới ở nông thôn đối với  Vĩnh Long được xác định là một hướng đi quan trọng nhằm tạo việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập nông thôn.

Tuy nhiên cần xác định ngành nghề đó phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Từ đó khai thác lợi thế sẵn có của từng địa phương để phát triển NNNT theo hướng bền vững. Ví dụ như cần phát triển nghề trồng và sơ chế nấm rơm ở các huyện có vùng lúa tập trung như Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, phát triển nghề sơ chế và lên men hạt ca cao ở huyện Vũng Liêm, phát triển các làng nghề dịch vụ mua bán, kết hợp kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến khoai lang tại Bình Tân.

Bức tranh NNNT đang khởi sắc nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ như đào tạo nghề, đầu tư trang thiết bị, xúc tiến thương mại…Vì vậy tỉnh cần tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác các thế mạnh sẵn có để phát triển NNNT theo hướng “nội lực mang tính chất quyết định, ngoại lực mang tính xúc tác”. Có thể khẳng định NNNT Vĩnh Long phát triển bền vững nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố này.

Tuy nhiên, để phát triển NNNT một cách bền vững, tỉnh cần tập trung hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ NNNT, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tận dụng thế mạnh từ việc kết hợp phát triển làng nghề với du lịch, phát triển các Ngành nghề có lợi thế về thị trường, nguồn nguyên liệu, khai thác phát triển các nghề mới, tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các làng nghề, nghệ nhân… Hy vọng, đây sẽ là những tín hiệu khả quan cho sự phát triển mạnh của NNNT trên địa bàn Vĩnh Long trong thời gian tới.

(*): Tác giả hiện là Chi cục trưởng Chi cục PTNN Vĩnh Long

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm