| Hotline: 0983.970.780

Thế nào là 'cà phê bẩn' và 'cà phê sạch'?

Chủ Nhật 28/08/2016 , 07:30 (GMT+7)

“Cà phê bẩn hay cà phê không an toàn là loại cà phê chứa các chất độc hại với hàm lượng vượt quá mức cho phép, điều này gây ra nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Cà phê sạch hay cà phê an toàn là..."

Trên thị trường hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh cà phê đang khá lộn xộn và thiếu minh bạch làm cho người tiêu dùng không đủ thông tin để tìm được sản phẩm cà phê đáng tin cậy. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung và ngành cà phê nói riêng.

Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với những chuyên gia uy tín, để có được những thông tin cụ thể, hy vọng giúp bạn đọc có thể tham khảo để chọn được những sản phẩm cà phê chất lượng giúp bảo vệ sức khỏe.

 

Thế nào là “cà phê bẩn” và “cà phê sạch”?

Trước hết, chúng ta cần phân biệt những khái niệm cà phê bẩn, cà phê sạch. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm thuộc Đại Học Bách Khoa Hà Nội,  thì “Cà phê bẩn hay cà phê không an toàn là loại cà phê chứa các chất độc hại với hàm lượng vượt quá mức cho phép, điều này gây ra nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Cà phê sạch hay cà phê an toàn là những sản phẩm cà phê mà tất cả các thành phần, hàm lượng thành phần đều ở mức an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng”.

Trong quá trình sản xuất cà phê có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm cà phê bị nhiễm những chất độc hại như máy móc được chế tạo từ chất liệu sắt, gỗ, men sứ, nhựa. Nhà xưởng và nhân công không đảm bảo vệ sinh trong quá trình sản xuất. Sử dụng các chất độc hại với tư cách là chất phụ gia. Nguyên liệu đã bị hư hỏng, đặc biệt nguyên liệu đầu vào hạt cà phê hoặc các hạt ngũ cốc (ngô, đậu tương...) đã bị nấm mốc. Nấm mốc là nguyên nhân chính làm cho cà phê bị nhiễm độc tố gây hại đến sức khỏe.

Trên cơ sở quan sát cẩn thận, chúng ta cũng phải lưu ý trước các loại cà phê “nguyên chất” hoặc “trộn”. Bởi lẽ, cũng có cà phê nguyên chất bẩn, cà phê nguyên chất sạch và cà phê trộn bẩn, cà phê trộn sạch. Cà phê nguyên chất mà nguồn nguyên liệu, máy móc sản xuất... bị nhiễm độc thì đó vẫn là cà phê bẩn. Ngược lại, cà phê trộn mà các thành phần tham gia vào với mục đích làm tăng hương vị thơm ngon và an toàn cho sức khỏe thì đó vẫn là cà phê sạch.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: “Do không hiểu rõ về các khái niệm, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn cà phê trộn là cà phê bẩn. Thị trường không nên đánh đồng hai khái niệm này, bởi lẽ nếu doanh nghiệp sản xuất có sử dụng hạt ngũ cốc rang để trộn với cà phê theo tỷ lệ cho phép thì sản phẩm đó vẫn là cà phê trộn sạch.

Theo đó, doanh nghiệp cần minh bạch về các thành phần để không bị coi là gian lận thương mại. Nếu bất kỳ tổ chức hay cá nhân nói rằng, sản phẩm cà phê nào đó không an toàn hoặc bẩn thì nhất thiết phải đưa ra được bằng chứng để chứng minh sản phẩm chứa những thành phần độc hại vượt mức cho phép”.

 

Phân biệt phụ gia thực phẩm và hóa chất độc hại

Như vậy, đối với cà phê trộn thì hàm lượng và chất lượng các thành phần tham gia vào quyết định sản phẩm cà phê đó có sạch hay không.

09-11-03_bvntd-1

 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Trung, nguyên chánh thanh tra Bộ Y tế, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cho rằng: “Chỉ tiêu để đánh giá cà phê sạch bao gồm: chỉ tiêu về cảm quan (độ mịn, màu sắc, hương vị, hạt tốt, hạt lỗi...); chỉ tiêu hóa lý (độ ẩm, chất béo, cafein, đường, hàm lượng tro; chỉ tiêu độc tố nấm mốc (Aflatoxin, Ochrotaxin...); chỉ tiêu vi sinh (tổng sổ vi sinh vật hiếu khí; E.coli, Samonella...); chỉ tiêu kim loại (chì, thủy ngân, asen). Các chỉ tiêu này phải tuân thủ yêu cầu của Việt Nam”.

Để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, các khái niệm phụ gia thực phẩm và hóa chất độc hại cũng cần được làm rõ. Hiểu một cách đơn giản thì phụ gia thực phẩm là tất cả những chất được phép sử dụng cho thực phẩm, còn hóa chất độc hại là tất cả các những chất không được phép sử dụng cho thực phẩm.

Phụ gia thực phẩm là những chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình chế biến, có thể có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, với mục đích làm tăng hương, vị, màu sắc, làm thay đổi những tính chất vật lý, hóa học để tạo điều kiện dễ dàng trong chế biến, hoặc để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm với hàm lượng thường rất ít. Để một chất nào đó được đưa vào danh mục phụ gia thực phẩm, rất nhiều nhà khoa học về sức khỏe ở nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu công phu, tỉ mỉ, lặp lại nhiều lần và được các cơ quan có thẩm quyền công nhận kết quả nghiên cứu.

Trên thực tế, nhiều chất hóa học có khả năng cải thiện rất tốt chất lượng sản phẩm thực phẩm nhưng lại độc hại đối với sức khỏe con người. Những chất có tính độc hại cao, các nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe đã không được đưa vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm, đồng thời các cơ quan chức năng cũng không cho phép sử dụng cho thực phẩm. Đây là nhóm hóa chất độc hại.

Hiện nay, danh mục các chất phụ gia thực phẩm đã được Tổ chức quốc tế “Ủy ban CODEX về thực phẩm” thông qua và mỗi quốc gia, tùy theo điều kiện mà công bố một danh mục phụ gia thực phẩm cho nước mình.

Không quá khó khăn để phân biệt rạch ròi: cà phê sạch (cà phê an toàn), cà phê bẩn (cà phê độc hại), cà phê trộn sạch, cà phê trộn bẩn, phụ gia thực phẩm và hóa chất độc hại, thì việc lựa chọn một sản phẩm chất lượng hầu như không còn là vấn đề nan giải nữa. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Trung cũng khuyến cáo: “Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng không nên lựa chọn những sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa qua kiểm định, nhãn mác không rõ ràng. Nếu người tiêu dùng không có nhu cầu sử dụng cà phê bẩn, các cơ sở kinh doanh cà phê bẩn cũng không có cơ hội để phát triển”.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm