| Hotline: 0983.970.780

Thêm 3 giống dâu tằm cao sản

Thứ Ba 19/01/2010 , 10:26 (GMT+7)

3 giống dâu lai mới được Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ chọn tạo thành công cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nuôi tằm của các địa phương.

Tại hội nghị “Giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật về rau, hoa, cây ăn quả và dâu tằm tơ" của Viện Nghiên cứu Rau quả mới được tổ chức gần đây, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trực thuộc Viện đưa ra giới thiệu và khuyến cáo bà con nông dân các tỉnh phía Bắc gieo trồng 3 giống dâu lai mới được Trung tâm chọn tạo thành công cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nuôi tằm của các địa phương.

1. Giống dâu lai F1 VH13

Đây là giống dâu lai tam bội (3n), được tạo ra do lai hữu tính giữa giống dâu nhị bội 1A (2n) và giống dâu tứ bội ĐB 86 (4n). Giống được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống quốc gia năm 2006 và cho phép phát triển ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

VH13 được nhân giống bằng phương pháp hữu tính (trồng bằng hạt). Cây cao trung bình 2,4m, thân màu vàng nhạt, sinh trưởng khỏe, nhiều cành, tán gọn, lá màu xanh, đậm to, dày, khả năng giữ nước tốt nên tươi lâu. Năng suất lá ổn định, thâm canh tốt có thể đạt 35-40 tấn/ha, cho nhiều lá vào vụ thu, thích hợp cho nuôi tằm kén trắng cho hiệu quả kinh tế cao. Chất lượng lá VH13 khá tốt, lá dày, hàm lượng protein trong lá đạt 22-24%, thích hợp để nuôi tằm con và tằm lớn. VH13 có khả năng chống chịu các bệnh bạc thau, gỉ sắt, vi khuẩn; chịu hạn, chịu úng tốt.

VH13 thích hợp với đất vùng bãi ven sông, ven biển, đất đồi gò ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Dâu VH13 có thể trồng quanh năm nếu chủ động được giống và nước tưới nhưng tốt nhất nên trồng từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Trồng với mật độ 6-7 vạn cây/ha; khoảng cách hàng cách hàng 1,2-1,5 m, cây cách cây 20-30 cm, mỗi hốc trồng 2 cây. Bón 20-25 tấn/ha phân hữu cơ + 2.000-2.500 kg/ha phân NPK Văn Điển loại 16,5-7-7,5.

2. Giống dâu lai F1 VH15

VH15 là giống dâu lai tam bội (3n), được lai tạo hữu tính giữa giống dâu nhị bội K10 (2n) và giống dâu tứ bội ĐB 86 (4n). Giống được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống sản xuất thử ở vùng núi phía Bắc năm 2009.

VH15 được nhân giống bằng phương pháp hữu tính (trồng bằng hạt). Cây cao trung bình 2,6m, thân màu xanh nhạt, sinh trưởng khỏe, nhiều cành, tán gọn, lá to, dày, màu xanh đậm, khả năng giữ nước tốt nên tươi lâu. Năng suất lá ổn định, thâm canh tốt ở các vùng sinh thái miền núi phía Bắc có thể đạt 25-30 tấn lá/ha; cho nhiều lá ở vụ xuân. Chất lượng lá tốt, lá dày, hàm lượng protein trong lá đạt 22-25%, thích hợp cho nuôi tằm con và tằm lớn. VH15 có khả năng chống chịu với bệnh bạc thau, gỉ sắt, vi khuẩn khá hơn các giống dâu địa phương và các giống nhập nội của Trung Quốc; khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như nóng, hạn, úng, rét khá tốt.

VH15 thích hợp với vùng đất đồi gò, đất bãi trung du, miền núi các tỉnh phía Bắc. Có thể trồng quanh năm nếu chủ động được giống và nguồn nước tưới nhưng tốt nhất nên trồng từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau. Mật độ trồng thích hợp 5-6 vạn cây/ha; nên trồng với khoảng cách: hàng cách nhau 1,2-1,3 m; cây cách nhau 20-30 cm.

3. Giống dâu lai F1 VH17

Đây là giống dâu lai tam bội (3n ), được lai hữu tính giữa giống dâu nhị bội K9 (2n) và giống tứ bộ ĐB86 (4n). Giống được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống sản xuất thử cho vùng ĐBSH năm 2009.

VH17 nhân giống bằng phương pháp hữu tính (trồng bằng hạt). Cây cao trung bình 2,6 m, thân vàng nhạt, sinh trưởng khỏe, nhiều cành, tán gọn, lá màu xanh, to, dày, khả năng giữ nước tốt nên tươi lâu. Năng suất ổn định với trên 35 tấn lá/ha; cho nhiều lá ở vụ xuân, thuận lợi cho nuôi tằm kén trắng cho năng suất, chất lượng kén cao. Cũng như VH15, giống VH17 cho chất lượng lá tốt, thích hợp cho nuôi tằm con và tằm lớn. VH17 chống chịu bệnh bạc thau, gỉ sắt, vi khuẩn khá hơn các giống nhập nội của Trung quốc; khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như nóng, hạn, úng, rét khá tốt.

VH17 phát triển tốt trên các vùng đất bãi ven sông các tỉnh vùng ĐBSH. Có thể trồng quanh năm, tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Do có bộ tán gọn nên có thể trồng dày 7-8 vận cây/ha (hàng cách nhau 1,2-1,5 m, cây cách nhau 20-30 cm, mỗi hốc trồng 2 cây).

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất