| Hotline: 0983.970.780

Thêm Hải Phòng 'dính' dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 25/02/2019 , 08:34 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi cuối tuần qua, ổ dịch mới đã được ghi nhận tại huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng).

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp về các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác chống dịch.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo công tác chống DTLCP tại Hải Phòng

Như vậy tính đến ngày 24/2, ngoài 2 địa phương là Thái Bình và Hưng Yên, đã có thêm TP. Hải Phòng là địa phương thứ 3 xuất hiện DTLCP. Cụ thể ngày 22/2, cơ quan thú y địa phương đã ghi nhận tình trạng lợn chết bất thường tại hộ anh Vũ Văn Đạt, thôn 12, xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Ngay trong đêm 23/2, các mẫu bệnh phẩm đã được khẩn trương phân tích tại Chi cục Thú y vùng II (Cục Thú y) và xác nhận 2/5 mẫu bệnh phẩm dương tính với DTLCP.

Ngay sau khi xác định DTLCP bùng phát tại Hải Phòng, ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Cục Thú y, lãnh đạo TP. Hải Phòng, các đơn vị chức năng địa phương và các cố vấn kỹ thuật cao cấp về lây truyền dịch bệnh động vật qua biên giới của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã có mặt tại vùng dịch để triển khai ngay các biện pháp tiêu hủy, khống chế ổ dịch.

Chỉ đạo công tác ứng phó với dịch tại TP. Hải Phòng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu cao nhất hiện nay là không để dịch lây lan. Đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc và cấp bách nhất, bởi nếu không xử lí triệt để các ổ dịch, để lây lan tiếp thì tình hình sẽ rất khó kiểm soát, trong đó, giải pháp hàng đầu vẫn phải là triển khai tổng thể cách li để cô lập, khống chế ổ dịch. Theo Cục Thú y, sau khi phát hiện dịch tại hộ anh Vũ Văn Đạt, cơ quan thú y đã tiếp tục lấy mẫu tại nhiều hộ chăn nuôi khác tại xã Chính Mỹ, tuy nhiên đến ngày 24/2, chưa phát hiện thêm mẫu nào dương tính với virus DTLCP.

Giám sát tình hình phòng chống dịch tại TP. Hải Phòng và Hưng Yên, Tiến sỹ Pawin Padungtod (thuộc Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới của FAO) đánh giá: Thời gian qua, Việt Nam đã có những phản ứng và biện pháp khống chế dịch rất nhanh chóng, khẩn trương và kịp thời.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra chống dịch tại Yên Mỹ (Hưng Yên)

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có những thông tin chính thức về tình hình, diễn biến của dịch bệnh cũng như chỉ đạo phòng chống dịch hết sức minh bạch. Đây là điều kiện quan trọng để các tổ chức quốc tế, trong đó có FAO huy động các nguồn lực, chuyên gia nhằm kịp thời giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam khống chế dịch. Ông cũng nhấn mạnh, DTLCP là bệnh không lây sang người, vì vậy khuyến cáo người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng không tẩy chay và quay lưng với sản phẩm thịt lợn trong thời gian tới.

Về khâu triển khai chôn lấp tiêu hủy lợn bị bệnh, Tiến sỹ Pawin Padungtod đánh giá đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, tuy nhiên, ông cũng lưu ý các điểm chôn lấp tiêu hủy lợn bị bệnh cần phải được bố trí ở các khu vực cách lí, xa khu dân cư hơn nữa. “Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, xử lí triệt để ổ dịch ngay từ khi mới bùng phát là giải pháp có hiệu quả quan trọng trong việc bao vây, ngăn dịch lây lan ra diện rộng” – TS Pawin Padungtod khuyến cáo.

Hà Nội tiếp tục “báo động đỏ”!

Ghi nhận của PV NNVN tại Hà Nội, những ngày qua, các địa phương có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán lợn trọng điểm tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng dịch.

Tại huyện Thanh Trì, địa bàn tiếp giáp với tỉnh đang có dịch là Hưng Yên, từ cuối năm 2018, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp khi thông tin về DTLCP được cảnh báo. Tuy nhiên những ngày qua, khi dịch chính thức bùng phát tại Hưng Yên và Thái Bình, huyện đã chuyển sang trạng thái “báo động đỏ” nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Đường dây nóng thông tin về dịch bệnh được duy trì 24/24h.

Ông Nguyễn Huy Khiết, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thanh Trì cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm VHTT và Thể thao huyện phối hợp cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống truyền thanh từ huyện tới cơ sở, tăng tần suất tuyên truyền từ 2 đến 3 lần/ngày về thông tin diễn biến của bệnh DTLCP cũng như các biện pháp phòng chống nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của dịch...

Ông Dương Văn Mắn, một hộ nuôi lợn tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) cho hay: Qua loa phát thanh xã cũng như đài báo, chúng tôi đã biết hiện nay tại dịch lợn tả châu Phi đã bùng phát ở Hưng Yên ngay cạnh huyện mình, vì vậy gia đình đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Hiện toàn bộ đàn lợn của gia đình đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin. Quanh khu vực trang trại được khử trùng bằng vôi bột và được phun thuốc sát trùng để phòng dịch bệnh theo quy định. Hàng ngày, chuồng trại đều được vệ sinh sạch sẽ hơn bình thường. Ngoài ra, gia đình ông còn tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho lợn, hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chuồng trại...

HƯNG GIANG

 

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm