| Hotline: 0983.970.780

Thêm nhiều nông dân tố cáo

Thứ Năm 15/03/2012 , 09:50 (GMT+7)

Mấy ngày qua đã có thêm 57 hộ nông dân nộp đơn cho xã phản ánh mua phải thuốc Amistar top 325 SC giả...

Ông Trương Việt Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận (Giồng Riềng, Kiên Giang) cho biết, mấy ngày qua đã có thêm 57 hộ nông dân nộp đơn cho xã phản ánh mua phải thuốc Amistar top 325 SC giả nên không phòng trừ được bệnh, dẫn đến lúa bị đốm vằn, vàng lá chín sớm, đạo ôn và lem lép hạt gây thiệt hại đến năng suất (từ 20-80%).

>> Phát hiện thuốc Amistar top 325 SC giả

Trước đó, xã đã nhận đơn của 11 hộ nông dân và đã chuyển Thanh tra Chi cục BVTV Kiên Giang để xác minh xử lý. Theo ông Oanh, trong số 11 hộ nông dân thì có 10 hộ cho biết đã mua thuốc Amistar top 325 SC tại đại lý VTNN Năm Thuộc (ở xã Hòa Thuận). Qua xác minh của cơ quan chức năng, có 8 hộ trồng lúa bị thiệt hại (chủ yếu lúa bị bệnh đốm vằn, đạo ôn cổ bông…) với mức độ từ 20-25%.  

Ruộng lúa của ông Ngàn bị cháy rụi dù đã xịt Amistar top 325 SC đủ 2 lần theo khuyến cáo

Chủ đại lý VTNN Năm Thuộc cũng xác nhận những hộ này đã mua thuốc Amistar top 325 SC tại cửa hàng của mình và chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nông dân về năng suất chênh lệnh sau khi thu hoạch. Những hộ nông dân còn lại đều cho biết đã mua thuốc Amistar top 325 SC tại đại lý VTNN Trần Văn Sóc (xã Hòa Thuận). Hiện xã đang tiếp tục nhận đơn của nông dân và phối hợp với cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Ngàn, một hộ nông dân ở ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, Giồng Riềng có 25 công lúa bị thiệt hại cho biết: “Vụ lúa này gia đình tôi mua 11 chai thuốc Amistar top 325 SC tại đại lý VTNN Trần Văn Sóc, giá 285.000 đồng/chai, mặc dù đã xịt đủ hai đợt trước và sau khi trổ theo khuyến cáo nhưng lúa vẫn bị bệnh, khô lá, gãy cổ bông và cháy rụi thành từng chòm. Khi mua, tôi quan sát các đặc điểm trên chai thuốc cũng không thấy gì khác thường, tem niêm phong, nhãn mác đúng là của Cty Syngenta chính hiệu.

Chỉ khi có người nói là thuốc giả, tôi mới lột nhãn vỏ chai thuốc ra thấy chai nào cũng bị đục lỗ bên hông, rồi đổ keo dán lại. Rất có thể kẻ gian đã rút thuốc thật ra rồi bơm thuốc giả vào”. Điều làm cho nông dân bức xúc hiện nay là khi lúa bị thiệt hại không thấy nhà sản xuất, nhà phân phối thuốc đến kiểm tra, chia sẻ rủi ro với bà con.  

Các chai thuốc Amistar top 325 SC đều bị đục lỗ sau nhãn chai

“Tôi đã làm đơn báo chính quyền cũng như thông báo cho đại lý biết, thế nhưng đến nay vẫn không thấy ai đến kiểm tra. Do lúa đã chín, lại bị bệnh để lâu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nên tôi đã kêu máy cắt 15 công, năng suất chưa tới 800 kg/công, trong khi mọi năm vụ này đều đạt hơn 1 tấn/công. Còn lại 10 công nay mai gì cũng phải cắt, không thể để lâu hơn được nữa. Chúng tôi đã tin tưởng sửng dụng thuốc của Cty Syngenta nhiều năm nay, ai ngờ lại gặp phải thuốc bị làm dỏm như thế này” - ông Ngàn than phiền.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Sóc thừa nhận những hộ nông dân này đã mua thuốc tại đại lý của mình. Ông Sóc khẳng định: “Tôi đã kinh doanh VTNN tại địa phương cả chục năm nay, nên coi bà con nông dân như người nhà. Phần lớn đều bán thiếu tới cuối vụ mới thu tiền, nếu bán thuốc giả, làm bà con bị thất thu thì làm sao lấy được tiền”. Về nguồn gốc thuốc, ông Sóc cho biết: “Từ trước đến giờ tôi đều lấy hàng chính hẵng từ các đại lý cấp 1 do Cty phân phối. Cụ thể số thuốc Amistar top 325 SC vừa qua tôi lấy từ các đại lý VTNN Nguyễn Minh Trí, Cty TNHH Duy Thành (Tân Hiệp, Kiên Giang) và một số đại lý ở TP Vị Thanh (Hậu Giang), có chứng từ hẳn hoi”. Nhưng khi hỏi nguồn gốc số thuốc đã bán cho nông dân sử dụng không hiệu quả chính xác là lấy từ đại lý nào thì ông Sóc lại ậm ừ: “Hàng lấy nhiều nơi về rồi mở thùng ra bán lẻ nên không thể biết chính xác được”.

Về những vết thủng trên thân chai, ông Sóc cho biết: “Đã có một số nông dân mang chai thuốc có lỗ thủng đến cho coi. Khi kiểm lại thuốc ở đại lý cũng thấy có nhưng mỗi thùng chỉ lộn một hai chai chứ không nhiều như nông dân phản ánh. Có thể là do khi Cty sản suất bị lỗi kỹ thuật nên mới bị như vậy”. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con nông dân bị thiệt hại thì tất cả các chai thuốc Amistar top 325 SC mua trong vụ vừa qua khi lột nhãn chai thuốc đều có lỗ thủng như vậy. Thậm chí có chai thuốc thấm ra đóng cục màu vàng ở nhãn chai nhưng lúc đầu ít ai để ý tới. Về trách nhiệm, ông Sóc cho biết sẽ hỗ trợ cho bà con nông dân bị thiệt hại. “Chưa biết thuốc kém chất lượng là do đâu, nhưng mình là đại lý bán thì phải hỗ trợ cho nông dân. Còn hỗ trợ như thế nào, bao nhiêu thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng” – ông Sóc nói. Theo bà con nông dân, muốn xác định mức thiệt hại thì khi thu hoạch Cty, đại lý và chính quyền phải cho người đến kiểm tra. Thế nhưng hiện nay nông dân đã thu hoạch gần hết mà chẳng có ai ngó ngàng tới.

Theo Kết quả của Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam thì mẫu thuốc Amistar top 325 SC mà Chi cục BVTV Kiên Giang gửi lên phân tích là giả vì hoàn toàn không có hoạt chất Azoxystrobin và Difenoconazole (2 hoạt chất chính của thuốc Amistar top 325 SC). Ông Tạ Xuân Thành, Chánh Tranh tra Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết: “Hầu hết hóa đơn chứng từ mà các đại lý mua bán với nhau chỉ ghi số lượng thùng thuốc chứ không ghi số lô sản xuất nên rất khó xác định chính xác nguồn gốc số thuốc đó mua từ đâu về. Vì vậy rất khó xử lý”. Thậm chí không loại trừ đại lý mua hàng trôi nổi về bán cho nông dân để kiếm lời nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra lại dùng những hóa đơn này để hợp thức hóa. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc số thuốc Amistar top 325 SC giả để có hướng xử lý, giúp bà con nông dân yến tâm sản xuất.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm