| Hotline: 0983.970.780

Theo chân chuyên gia thăm khu vườn của 2 nông dân trẻ Đà Lạt

Thứ Tư 10/07/2019 , 08:54 (GMT+7)

Chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Lân Hùng – một chuyên gia nông nghiệp vào một ngày đẹp trời khi ông tới thành phố ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng).

Ông đã dành một buổi để trao đổi, nói chuyện với cán bộ, hội viên nông dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về những kinh nghiệm trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, năng suất cao...

I.

Để làm được điều này, theo ông yếu tố đầu tiên là nhân lực, đó là người nông dân cần có sự nhạy bén, tư duy SX nông nghiệp hiện đại trên nền tảng KHKT song hành cùng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào canh tác. Phải làm chủ được kế hoạch SX và làm chủ được mảnh vườn của mình. Thiếu những điều đó, thì khổng thể thành công.

Sau khi trao đổi, đoàn tới thăm khu vườn của anh nông dân trẻ Nguyễn Đức Huy, GĐ HTX dịch vụ nông nghiệp thủy canh Việt với thương hiệu Vietponics.

15-36-54_theo_chn_gio_su_nguyen_ln_hung_-_nguyen_duc_huy
Nguyễn Đức Huy hướng dẫn khách xem hệ thống quản trị vườn qua máy tính.

Trang trại rộng gần 01 ha nằm bên sườn đồi, trên cung đường Mimosa, cửa ngõ vào thành phố hoa Đà Lạt. HTX của anh Huy còn liên kết với gần chục hộ với tổng diện tích hơn 5ha, chuyên SX các loại rau củ quả thủy canh, giá thể. Trong khu nhà kính hiện đại, những luống cà chua, dưa leo baby, dưa leo Nhật, dưa lưới ... đang cho thu hoạch, trĩu quả.

Nông dân trẻ Nguyễn Đức Huy sinh năm 1984, tốt nghiệp Thạc sĩ sinh học thực vật, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, xong anh quyết định trở về quê hương Đà Lạt lập nghiệp. Sau một năm làm nhà nước, anh nhận ra ngành nông nghiệp Đà Lạt đang là cơ hội để những người trẻ dấn thân. Không ít lần that bại khi chọn làm nông nghiệp, Huy đã phân tích, nhận diện các “lỗi” quy trình và quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ “đọc, hiểu” diễn biến sinh thái thực tế trong vườn, sau đó cảnh báo chủ vườn đưa ra các “lệnh” xử lý chuẩn xác.

Giai đoạn đầu điều khiển từ xa. Giờ thì hệ thống có khả năng tự đọc và tự ra quyết định chính xác. “Hệ thống IoT chỉ là một phần, quan trọng nhất hiện giờ là máy tự ra quyết định, dựa trên kho dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây... Từ đó, phần mềm sẽ đánh giá, so sánh với dữ liệu hiện có để đưa ra quyết định. Đặc biệt, hệ thống dựa trên dữ liệu để đưa ra dự đoán sự xuất hiện sâu bệnh và phòng bệnh ngay từ đầu”, Huy thổ lộ.

Giờ đây, việc quản trị vườn, trang trại đều có thể “gói gọn” trên thiết bị di động của chủ farm.

Theo Huy thì khâu tưới, châm dinh dưỡng… không còn phụ thuộc vào con người như trước đây nữa, máy lập trình tưới chính xác, đủ và đúng.

Sau khi áp dụng, năng suất nông sản mỗi năm tăng khoảng 10%.

Vừa đi thăm vườn của Nguyễn Đức Huy, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng vừa trao đổi với anh nông dân trẻ về những kinh nghiệm mà ông có được sau bao năm nghiên cứu, tham quan và học hỏi được trong và ngoài nước, qua đó góp phần bổ sung thêm kiến thức, tư duy phát triển nông nghiệp hiện đại của chàng trai tự viết phần mềm lập trình quản lý cho chính khu vườn của mình này.

Cái quan trọng bây giờ là chuyển giao, nhân rộng trong thành viên HTX để có chất lượng sản phẩm đồng đều.

Sự nhàn nhã của anh “nông dân lười” đã giúp Huy có điều kiện dành thời gian đi học tập những nông trại nổi tiếng ở châu Âu, tìm hiểu cách làm nông của nước bạn có khi tới vài tháng mới trở về.

Năm 2018, Huy vinh dự được vinh danh trong hạng mục “Asean SMEs winning through digital intergration” cùng với các start up nổi bật của Đông Nam Á.
 

II.

Chúng tôi tiếp tục tới thăm vườn của Định Farm - thương hiệu mà sự nổi tiếng đã vươn xa khỏi Đà Lạt, được hình thành bởi anh Nguyễn Định, một nông dân trẻ tiêu biểu với tư duy làm nông nghiệp sạch, hiện đại, đi đầu với những nông sản độc lạ; đáp ứng thị hiếu của thị trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Định Farm nằm cuối con đường bê tông đập 1, phố Nguyên Tử Lực, phường 8, TP Đà Lạt với 4.000m2 cả diện tích liên kết và phát triển tại các địa điểm khác là 5ha, canh tác các loại nông sản mới xuất hiện như dưa Pepino (vàng, tím…), cà chua (beef, cherry vàng, đỏ chùm, đỏ nhọn, sôcôla, hồng, đen…), lơ xanh byby, cải xoăn tím,… Đây là những dòng nông sản có mẫu mã đẹp, lạ và chất lượng sản phẩm cao, SX theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để đạt được kết quả như hôm nay, từ một kỹ sư nông nghiệp, Nguyễn Định cũng quyết định bỏ phố về quê nhà Đà Lạt thuyết phục gia đình đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị SX theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên chính khu đất ít ỏi ban đầu. Cây giống và phân bón được anh quan tâm chọn mua từ các cơ sở tiên tiến trong và ngoài tỉnh, thậm chí là nhập từ Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Israel...

Điều quan trọng là anh có chí tiến thủ và ham học hỏi từ những chuyên gia kỹ thuật. Với chuyến thăm khu vườn của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng lần này không chỉ có thêm lời khuyên, định hướng sâu thêm cho anh trong phát triển SX bền vững, tối ưu hóa lợi thế so sánh mà còn mở ra cơ hội để trang trại có thể trở thành một trong những hình mẫu về canh tác nông nghiệp thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu…

15-36-54_gio_su_nguyen_ln_hung_nh_tp_the-_dinh_frm
Định Farm (ngoài cùng bên trái), ông Nguyễn Lân Hùng (người thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn tham quan thưởng thức dưa Pepino.

Nói về các sản phẩm tại Định Farm, dưa Pepino là điển hình nhất, cũng là loại trái cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ được đưa về trồng tại Đà Lạt lần đầu tiên. Dưa cho trái quanh năm, đang được thị trường ưa chuộng, thời gian bảo quản đến 30 ngày trong nhiệt độ từ 18-35 độ C. Với diện tích 3.000m2 trồng dưa Pepino màu vàng và màu tím, mỗi ngày Định Farm thu hoạch từ 150-300kg, cây cho quả quanh năm, tuổi thọ hơn 02 năm, có những thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho siêu thị Big C và các cơ sở thu mua khác.

Với 5 năm trồng giống dưa Pepino, có thể khẳng định, chỉ có dưa Pepino được trồng và chăm sóc đặc biệt trong farm của anh mới có được độ ngọt và vị thơm rất đặc biệt như vậy. Định Farm chia sẻ, anh còn liên kết và phát triển thêm 01 ha nhà kính trồng cà chua các loại, dưa leo byby, dưa leo Hà Lan; 01 hecta ớt chuông, ớt sừng, cải kale… mỗi ngày cho thu hoạch hàng trăm kg cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp mới như lơ xanh byby, cải xoăn tím, dâu tây…

Tất cả các loại nông sản này đều cung cấp ra thị trường quanh năm với số lượng ổn định, chất lượng nhất quán. Sản phẩm của Định Farm đưa trực tiếp vào các nhà hàng, cửa hàng rau sạch tiện lợi, siêu thị ở các thành phố lớn và bán lẻ cho các gia đình. Anh nông dân trẻ cũng không quên truyền thông các sản phẩm độc, lạ và chất lượng của mình thông qua tạo nhãn dán thương hiệu trên bao bì đóng gói, xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Điều đặc biệt ấn tượng với chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, đó là Định Farm đã công khai và minh bạch quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng; khuyến khích mọi người tới tham quan miễn phí và tự do giám sát. Trang trại cũng là điểm du lịch canh nông, mở cửa đón khách tất cả các ngày, từ 08 giờ đến 16 giờ. Định Farm cũng luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nông hộ và chia sẻ cơ hội với các đối tác có thiện chí kinh doanh nông sản sạch.

Ông Nguyễn Lân Hùng chia sẻ: Hướng đi của anh nông dân trẻ Nguyễn Định đã chiếm được niềm tin, tình cảm tốt đẹp của người tiêu dùng, xây dựng Định Farm thành một thương hiệu uy tín bởi tư duy làm nông nghiệp hiện đại; khẳng định vai trò, vị thế của nông dân Đà Lạt nói chung và những nông dân trẻ, hiện đại, dám dấn thân và đương đầu thử thách như Nguyễn Định, Đức Huy. Thành công của 2 bạn trẻ đã góp phần vào phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại của Đà Lạt cũng như định hướng phát triển du lịch canh nông.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.