| Hotline: 0983.970.780

Theo chồng là tất yếu

Thứ Sáu 13/04/2012 , 10:20 (GMT+7)

Kể từ 2011 đến nay, Hồng Vy kiên định với dòng nhạc thính phòng cùng các album “Hoa lửa và Vy”; “Vinh quang Việt Nam”.

Tôi còn nhớ, năm 2001, Hồng Vy cất tiếng hát líu lo như một chú chim trong đêm chung kết Liên hoan Tiếng hát Truyền hình, màn “dọa dẫm” đó  gây được tiếng vang rất lớn trong lòng khán giả. Những năm sau, Hồng Vy kiên định với dòng nhạc thính phòng cùng các album “Hoa lửa và Vy”; “Vinh quang Việt Nam”.

Năm 2011, tôi thấy Vy hát giao hưởng trên đường phố trong chương trình Luala Concert, vẫn dáng đứng lộng lẫy và hào sảng năm nào trên sóng truyền hình.

Hôm qua, tôi biết, Hồng Vy - con gái của NSND Doãn Tần, sắp được phong tặng NSƯT.

Chồng tôi không chạnh lòng trước vợ

Bố chị, NSND Doãn Tần từng nói: “Nghề hát tuy rất vất vả nhưng vinh quang thuộc về những ai hết lòng, luôn nghĩ về nghề và làm thế nào để vững bước”. Chị sắp được công nhận là NSƯT, đó cũng là một vinh quang mà chị hằng ao ước?

Đến giờ này, mọi thứ đều chưa chắc chắn. Nếu tôi được công nhận thì đó là một vinh dự. Nhiều người bảo, đó là hư danh, nhưng tôi không nghĩ vậy. Đó là xuất phát từ thành quả lao động nghệ thuật của mình, vậy sao lại không vinh quang?

Bố chị nói gì trước thông tin này?

Tôi có chia sẻ, bố tôi hiện nay luôn ở trong tình trạng nhớ nhớ quên quên nhưng riêng chuyện này thì ông lại nhớ rất rõ. Lúc nào ông cũng nhắc, có khi đi ra ngoài cũng bảo với mọi người: “Đấy, cái Vy nhà tôi được xét đấy. Chắc đợt này được đây”.

Bố tôi vui lắm. Còn anh Hùng thì vui và nói với tôi, đó là thành quả của việc lao động nghệ thuật nghiêm túc và nhiều năm cống hiến âm nhạc cho xã hội một cách không mệt mỏi.

Xét về hoạt động nghệ thuật, chồng chị - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng khá nhiều thành tích. Có khi nào, chồng chị chạnh lòng trước vinh quang của vợ?

Không hề! Đến giờ, anh ấy còn khuyến khích tôi đi học tiếp cao học, các bạn cùng trang lứa với tôi đều có bằng cao học hết. Anh Hùng luôn muốn tôi phát triển, đi song song 2 con đường, vẫn biểu diễn, ra các sản phẩm âm nhạc nhưng sau này, vẫn muốn tôi theo công việc giảng dạy.

Trong gia đình mà cả 2 người đều nghệ sĩ, chị và anh Hùng có bao giờ đặt cái tôi của cả 2 quá lớn?

Trước kia, tính cách tôi hơi nam tính, thậm chí ngỗ ngược, nhiều khi tôi nghĩ tôi như “con ngựa bất kham”. Tôi tự cho rằng, mình không bao giờ sai và hiếu thắng nữa, bạn bè chơi với tôi toàn phải nhường tôi, anh Hùng là người lớn nên toàn nhắc khéo tôi. Cũng may mà tôi hiểu được và sửa đi cái tính đó.

Bản thân, tôi thấy anh Hùng nghiêm túc, từ ngày tôi quen anh ấy đến giờ, anh ấy như một nhà khoa học trong âm nhạc. Tôi thấy, anh ấy làm gì cũng đều có tính chuẩn mực riêng nhưng đôi khi, sự thăng hoa lại vượt quá tầm nhìn của người khác, đó là chất nghệ sĩ. Tôi có ưu điểm là không bao giờ thể hiện cái tôi quá lớn trước chồng, đơn giản tôi nghĩ tôi là vợ, hơn nữa, tôi thấy anh Hùng đúng, thỏa mãn được tôi.

Đó là trong công việc, trong hôn nhân, chị cũng hiền như vậy ư?

Tôi không hiền, chỉ có điều, tôi mà phục ai thì tôi nghe. Vợ chồng tôi bình đẳng, anh Hùng sẵn sàng tiếp thu những thứ tôi biết mà anh ấy không biết, và ngược lại. Trước khi cưới, tôi và anh Hùng đã là bạn nhiều năm rồi. Thời đó, anh Hùng còn tâm sự cho tôi bao nhiêu chuyện riêng tư, tình cảm, chuyện gia đình, công việc, chứng tỏ anh ấy phải tin tưởng tôi lắm. Qua đó, tôi biết anh Hùng là người rất tình cảm, tinh tế, lịch sự.

Và tình yêu đã làm một người phụ nữ ương bướng và hiếu thắng thay đổi?

Tôi không nhận biết được tôi thay đổi. Đó là bạn bè, người thân những người xung quanh nói vậy. Từ ngày yêu và cưới anh Hùng thì tôi "phụ nữ" đi rất nhiều, họ bảo: “Không phải Vy của ngày trước, dịu dàng và hiền quá”. 

Nếu chỉ nhìn các sản phẩm âm nhạc chồng chị làm cho ca sĩ Thanh Lam (2 album nhạc Trịnh: Ru mãi ngàn năm; Này em có nhớ); ca sĩ Ngọc Khuê (Ơ kìa…), nhiều người tưởng tượng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là một người lập dị vì đi ngược lại với số đông. Hẳn chị cũng biết?

Tôi cũng có nghe người ta bảo anh ấy khó tính, lập dị nhưng với tôi, anh ấy không như vậy. Anh ấy sống thật, không hề khách sáo. Còn nếu muốn hỏi về phản ứng của anh ấy trước những sản phẩm âm nhạc đó, thì anh nên gặp chồng tôi để trò chuyện thì sẽ hay hơn.

Trong mắt bố chị, anh Hùng là người như thế nào?

Cả bố và mẹ tôi yêu con rể lắm, không hẳn yêu con rể và tài năng mà còn là chồng tôi nữa.

Thế hệ tôi còn chạy dài theo các cụ

Trong dòng thính phòng, chị phục ai?

Tôi phục nhà giáo ưu tú Diệu Thúy, không có cô Diệu Thúy thì không thể có những Hồng Vy ngày hôm nay. Cô Thúy không chỉ dạy tôi hát, mà dạy tôi đi, đứng như thế nào, quan hệ ngoại giao với mọi người và cả thẩm mỹ trong âm nhạc, quan trọng lắm đấy.

Chị có ước mơ xã hội hóa dòng nhạc thính phòng?

Ở Tây, thì nhiều người đã làm rồi, có Josh Groban này hay như Sarah Brightman, những người đã làm phổ biến hóa dòng nhạc thính phòng. Tôi ấp ủ nhiều dự định lắm, đôi khi tiềm lực kinh tế không đáp ứng được nên không thể dồn dập được. Tôi quyết định làm từ từ, bởi tuổi nghề của các nghệ sỹ thính phòng thường cao hơn dòng nhạc phổ thông. Chúng tôi trải qua một quá trình học rất dài nên âm nhạc cũng phải đầu tư chiều sâu, chất lượng, không thể nhanh chóng vội vàng được.

Còn âm nhạc giao thoa, album “Giấc mơ mùa lá” mới phát hành đã phần nào có cái đó, không thể nói ca khúc “Đêm nằm mơ phố” hay “Nhớ mùa thu Hà Nội” là sáng tác cho giọng ca thính phòng được, nhưng tôi đưa chất thính phòng vào đó. Đó là xu hướng thời đại, nếu phát triển được theo hướng đó thì tốt, sẽ phổ biến được tới cho người nghe. Nó như “thời trang” trong âm nhạc chính thống, tạo được màu sắc khác lạ, cũng như việc tôi trồng thêm khóm hoa này hay cây ăn quả kia trong khu vườn riêng của mình.

Người Việt hay có quan điểm, hát thính phòng phải hừng hực lửa, liệu thiên về những ca khúc trữ tình như vậy, chị có sợ bị chê là “hiền”?

Một trong những cái tuyệt của âm nhạc thính phòng là ở chỗ đó đấy! Hát mãnh liệt, rửc lửa hay hát ngọt ngào, trữ tình phụ thuộc vào tác phẩm, tác giả và tình huống âm nhạc nhất định. Trong album về Hà Nội, chất lãng mạn là phong cách chủ đạo mà tôi đã lựa chọn.

Bạn có thể thấy có những lúc cô Lê Dung hát như chơi, còn chú Quang Thọ thì lại dịu dàng trên một nền tảng kỹ thuật đẳng cấp. Họ đưa cả trái tim nồng cháy cho khán giả. Thế hệ ca sĩ như bọn tôi còn phải chạy dài theo các cụ ngày xưa.

Nhưng người trẻ cũng có nhiều ưu thế chứ?

Ca sĩ thính phòng như chị có giàu không?

Chúng tôi có thu nhập và mức sống của những người lao động trung bình ở Việt Nam, chúng tôi bằng lòng như vậy. Tuy nhiên, đối với vợ chồng tôi, đầu tư vào sản phẩm âm nhạc này, như thế là nhiều.

Thế hệ bọn tôi may mắn hơn các cụ ở một số điểm, được đi đây đi đó nhiều, mở cửa, tiếp nhận và được giao lưu văn hóa rộng hơn, kỹ thuật thu thanh và các thiết bị studio tối tân hiện đại hơn. Các cụ ngày xưa thì hạn chế việc đó, nhưng kĩ thuật và cảm xúc của các cụ thì hay lắm, những bài hát do các cụ thể hiện có sức sống mãnh liệt đã chứng tỏ được điều đó. Các cụ còn được sống trong thời hoa lửa, có nhiều trải nghiệm và nhiều bài hát hào hùng, các cụ cất tiếng là đã thấy khói lửa và hào sảng rồi.

 

 

Cuộc sống gia đình quan trọng lắm 

 

Phát hành album “Giấc mơ mùa lá” như một lời chia tay Hà Nội. Và “Giấc mơ mùa lá” -  một hoài niệm đẹp đẽ về Hà Nội?

Chúng tôi chuyển địa bàn sinh sống thôi, còn đã hoạt động nghệ thuật thì hoạt động được mọi nơi. Tôi định thực hiện album này từ năm 2008 nhưng năm đó, tôi và anh Hùng cưới nhau. Năm 2010 thì tôi có bầu nên lại gác lại, đến tận bây giờ mới thực hiện xong. Hè này chúng tôi chuyển vào Sài Gòn, anh Hùng nhận chuyển công tác vào đó, và tôi quyết định theo chồng.

Với tôi, cuộc sống gia đình quan trọng lắm. Tôi nghĩ, theo chồng là tất yếu. Hơn nữa, chúng tôi chuyển địa bàn bởi thời tiết trong Sài Gòn dễ chịu, tốt cho thể trạng sức khoẻ của anh. Xa Hà Nội, tôi nhớ nhất là mùa thu và mùa đông.

Và “Giấc mơ mùa lá” là ca khúc của chồng chị tặng riêng cho chị?

Không phải anh Hùng yêu tôi, cưới tôi mới sáng tác ca khúc này. Trước kia, anh Hùng là dân chơi keyboard. Anh Hùng đa chiều lắm, khi làm đĩa cho tôi, anh ấy từng cộng tác với ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, rồi thì Ngọc Khuê. Tôi và anh Hùng làm đĩa này không đặt nặng tính thương mại.

Tôi cũng yêu cầu có một ca khúc mới về Hà Nội, anh ấy không dám hứa ngay và bảo, sẽ suy nghĩ vì nó phụ thuộc vào độ chín của cảm xúc. Sau đó không lâu, một buổi tối trên quãng đường ghé qua thăm tôi, những nét giai điệu của “Giấc mơ mùa lá” đã bất chợt hiện ra, ngay khi tới nhà tôi anh ấy vội vàng bảo tôi lấy giấy bút để anh kẻ khuông nhạc và viết luôn ca khúc này.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất