| Hotline: 0983.970.780

Theo dấu loài voọc chỉ có ở Việt Nam

Thứ Sáu 31/08/2012 , 08:37 (GMT+7)

Biến mất hoàn toàn trên thế giới và chỉ còn lại 60 cá thể sống rải rác trên quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), voọc đầu trắng là loài thú quý hiếm bậc nhất trên thế giới hiện nay

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng.

Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đồng Nam Á về Khu dự trữ sinh quyển thế giới, gồm 8 khu: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà; Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Ở mỗi khu sinh quyển đều có những câu chuyện hết sức thú vị, nhóm phóng viên NNVN ghi lại một số câu chuyện như thế. 

Theo dấu loài voọc chỉ có ở Việt Nam

Biến mất hoàn toàn trên thế giới và chỉ còn lại 60 cá thể sống rải rác trên quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), voọc đầu trắng là loài thú quý hiếm bậc nhất trên thế giới hiện nay, vì vậy, để lần theo dấu loài vọc này quả lắm gian nan.


Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

I. Tháng 3/2004, quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu quần thể này có tổng diện tích 26.140ha với 366 hòn đảo lớn nhỏ, là khu vực có giá trị cao về đa đạng sinh học trên đất liền và khu vực biển xung quanh. Cát Bà có nhiều loài động vật thực vật có giá trị kinh tế cao, trong đó có trên 30 loài cá kinh tế, hợp thành ngư trường cá đáy và cá nổi Cát Bà - Long Châu. Trên 70 loài động vật đáy có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa thực phẩm, xuất khẩu, du lịch và phát triển nguồn lợi thuỷ sản…

Nhưng hơn hết, yếu tố quyết định để UNESCO công nhận Cát Bà chính là loài voọc đầu trắng. Loài voọc có tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus poliocephalus, là loài linh trưởng (khỉ ăn lá) quý hiếm chỉ có ở đây mà thôi. Loài này liên tục nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Hiện đàn voọc còn khoảng 60 cá thể, sống ở các dãy núi đá ven Vịnh Lan Hạ và xã đảo Việt Hải, cách xa trung tâm của huyện Cát Hải bây giờ hàng chục hải lý. Những cán bộ ở Vườn Quốc gia Cát Bà tỏ ý lo ngại khi chúng tôi có ý định mục sở thị đàn voọc quý hiếm bởi đang là mùa biển động. Để ra được những vùng voọc đang sinh sống phải mất vài giờ đồng hồ ngồi ca nô dã chiến, chấp nhận sóng biển đánh liên tục đến xây xẩm cả mặt mày.


Loài voọc đầu trắng, yếu tố quyết định để Cát Bà được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

II. Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng thuộc Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà được dựng trên chiếc bè kết từ 100 chiếc thùng phuy lúc nào cũng bồng bềnh, nghiêng ngả. Trạm được thành lập cách đây chừng 7 năm, chỉ có mỗi nhiệm vụ là canh giữ đàn voọc trên hai quả núi có tên là lạ: Núi Vú Chị và núi Vú Em. Núi Vú Chị nhìn cao nhưng nhỏ, còn núi Vú Em thấp hơn nhưng to và dầy. Hai quả núi này đứng thành hình miệng giỏ, vùng biển phía trong như một cái ao khổng lồ nên người ta mới gọi tên khu vực này là Giỏ Cùng.

Trạm kiểm lâm có 4 người. Trạm trưởng Nguyễn Văn Thiết, trạm phó Đỗ Quang Hoàn và hai kiểm lâm viên là Nguyễn Quang Khải và Trần Bình Tấn. Bốn ông, tiếng là làm ngành kiểm lâm nhưng chẳng mấy khi phải đối phó với đám lâm tặc dữ dằn như nhiều đồng nghiệp khác. Ngày ngày họ thay phiên nhau theo dõi tập tính, sinh hoạt của đàn voọc trên núi rồi ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ, đến cuối tháng lại làm báo cáo, cử ra một người đưa về cho lãnh đạo văn phòng voọc ở trụ sở Vườn Quốc gia Cát Bà.

Năm năm sống với đàn voọc ở Giỏ Cùng, trạm trưởng Nguyễn Văn Thiết đã đủ thời gian để say sưa nói về chúng như thể chuyên gia nghiên cứu về động vật hoang dã vậy. Nhưng những câu chuyện của anh về đàn voọc chỉ hay khi anh xem chúng như những người bạn láng giềng của trạm kiểm lâm.

“Tôi có cảm tưởng là chúng “gần” con người lắm. Từ cách sinh hoạt cho đến cách chúng đối xử với gia đình. Cũng phải thôi, bởi chúng thuộc loài linh trưởng cơ mà”. Anh Thiết còn bảo rằng, gọi là đàn voọc Giỏ Cùng nhưng thực chất có tới 3 đàn. Một đàn 10 con, một đàn 6 con và một đàn 2 con. Đó là ba gia đình riêng lẻ. Mỗi gia đình có một con voọc đực, vài con voọc cái và voọc con.

“Chúng yêu nhau như người vậy. Lắm hôm chúng tôi dậy sớm thấy voọc đực dắt voọc cái đi dạo ở các bãi cát cạnh miệng hang. Chúng hôn nhau, âu yếm nhau tình tứ đến nỗi mấy anh kiểm lâm trẻ tuổi nhìn xong phát tủi. Đặc biệt là những lúc có voọc con chào đời. Hồi hộp và vui mừng chẳng khác nào loài người chúng ta đón đứa trẻ sơ sinh cả. Chúng chuyền tay nhau hôn hít, kêu lên những tiếng yêu thương, nghe cảm động lắm”, anh Thiết kể tiếp.

Kể chẳng biết chán về voọc, anh Thiết lại ví von kiểu voọc giống người nhất ở khoản ghen tuông. Mỗi gia đình nhà voọc chỉ có một con đực, nếu đàn nào hai con thì kiểu gì cũng có đánh nhau để giành quyền làm chủ đám voọc cái. Con nào thua phải lủi thủi bỏ đi lập đàn khác hoặc sống cô đơn cho đến tận già. Đám voọc cái chỉ có duy nhất ông “chồng”, nếu chấp nhận cảnh làm lẽ thì trong ấm ngoài êm, còn nếu không cũng chỉ có cách bỏ đàn mà đi nơi khác. Nhưng thông thường là chúng chấp nhận, vì ở Giỏ Cùng số voọc đực ít hơn. Hình như chỉ có khoảng 3-4 con gì đấy.


Những hang voọc ở Giỏ Cùng

Nghe kể mãi cũng chán, tôi nhờ anh Thiết chèo thuyền tiếp cận núi Vú Chị và núi Vú Em để lần theo đàn voọc. Công việc này khó nhất là khoản leo trèo các vách đá và đi bộ luồn rừng. Còn cách để tìm thấy voọc thì cánh kiểm lâm ở đây đã có nghề. Voọc đầu trắng là loài chỉ ăn lá cây. Cứ sáng sớm là chúng rời hang đi ăn rồi đến tối lại về.

Quanh mỗi quả núi ở Giỏ Cùng có khoảng 10 hang voọc được đánh số, nằm cách mặt biển chỉ tầm một mét. Những cái hang mà anh Thiết bảo không một hạt mưa hay nước biển có thể lọt vào. Lý do thì không ai biết, chỉ biết đó là nơi loài voọc đã phải cất công tìm chọn một thời gian dài. Voọc đầu trắng chỉ ở một hang một ngày, ngày hôm sau lại dời sang hang khác. Sở dĩ chúng làm như vậy là vì tập tính ăn lá cây. Hôm nay ăn chỗ này thì hôm sau sang ăn chỗ khác để cây có thời gian mọc lá.

Nghe thì dễ, nói cũng dễ, nhưng để tận mắt nhìn thấy voọc chúng tôi phải mất gần trọn một ngày. Chỉ đi vào hai thời điểm, voọc rời hang và vào hang thì may ra mới gặp. Còn lúc đi ăn chúng thường giấu mình trong những tán cây nên rất khó thấy. Sau quãng đường núi, nhìn lá cây nhận định đàm voọc vừa ăn ở đây xong anh Thiết dẫn tôi tìm một hang voọc rồi chui vào lùm cây gần đó ngồi chờ.

Trời chập choạng tối, một đàn voọc gồm 6 con kéo nhau về hang. Con đực đi trước đàn tầm 5-7m. Lúc nào cũng vậy, nó luôn thể hiện vai trò thủ lĩnh, vai trò bảo vệ cả gia đình. Ngẩng đầu lên ngửi ngửi, rồi như thể phát hiện ra chúng tôi, voọc đầu đàn khục khoặc mấy tiếng kêu hoọc hoọc rồi ra hiệu cho cả đàn quay sang hang khác ngủ. Thành quả đi theo voọc của tôi và Thiết là thấy được con đực và con cái khác nhau một vệt trắng ở đuôi.

III. Theo thống kê, những năm 1980, voọc đầu trắng ở Cát Bà còn những 2.400 đến 2.700 cá thể. Vậy mà bây giờ chỉ còn lại 60 con.

Từ những năm 2000 đã có những dự án bảo tồn loài voọc Cát Bà. Rất nhiều tổ chức bảo tồn trên thế giới đã nhìn nhận thấy sự quý hiếm của loài voọc đầu trắng. Họ lần lượt cử chuyên gia đến khảo sát, tìm hiểu và đầu tư. Buồn thay đó vẫn là những năm mà loài voọc đầu trắng ở Cát Bà thỉnh thoảng được gặp trên bàn nhậu của người Việt Nam. Đám thực khách lắm tiền nhiều của thì muốn thưởng thức loài voọc quý bằng miệng, còn người dân bản địa thấy loài vật mà họ vẫn thường gọi là khỉ đen bán có giá liền vào cuộc săn lùng ráo riết.

 Lực lượng kiểm lâm của VQG Cát Bà mỗi tuần phải tổ chức một đợt truy quét để gỡ bẫy giăng mắc khắp những vùng có loài voọc đầu trắng đang sinh sống. Đã có lúc, hàng trăm chiếc bẫy được gỡ chỉ trong một ngày, số người dân bị bắt và trục xuất ra khỏi rừng thì không tính xuể.

Giám đốc Dự án bảo tồn voọc Cát Bà đầu tiên là bà Rosi Stenke, tiến sĩ về loài linh trưởng châu Phi, tiến sĩ về loài đười ươi, người rất thành công trong việc bảo tồn loài thú Wombat - một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Australia.

Kiến thức, đam mê, nhiệt huyết đều có thừa, nhưng cũng đã có lúc bà tiến sĩ ngoại quốc này chán nản. Nhiều ngày, từ khi mặt trời chưa lên, bà đã cùng 2 nhân viên đi vào rừng, leo lên các đỉnh núi đá vôi sắc lẹm, lội trong bùn ngập đến đầu gối, ngồi nấp hàng giờ trong các bụi cây, vắt vẻo trên những mỏm đá cheo leo hoặc ngủ đêm giữa rừng mưa nhung nhúc côn trùng, rắn rết... Tất cả những sự vất vả, gian nan ấy chỉ với một mục đích là lần theo dấu loài voọc đang dần biến mất. Rất nhiều lần bà bắt gặp những đoàn thợ săn mang súng. Bà đau xót, trái ngược hẳn với sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Phải mất một thời gian dài thì Dự án bảo tồn voọc Cát Bà mới lôi kéo được sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng dân cư bản địa. Đến bây giờ, dự án vọc Cát Bà đã qua 3 đời giám đốc, ông Rick Jonh Passaro là người hiện tại.

Trong bức thư gửi các cơ quan địa phương mới đây, ông Rick báo tin dữ: "Con già nhất trong ba con voọc cái ở đảo Đồng Công không còn xuất hiện nữa. Ngày 14/4 năm nay là lần cuối cùng những người kiểm lâm gác voọc quan sát thấy ba con voọc cái ở gần nhau. Đến 30/4, camera của Dự án bảo tồn đặt trong hang chỉ còn ghi nhận thấy hai con voọc. Đây là con voọc cái già nhất, khoảng 27 năm tuổi, hiện chưa biết chính xác nguyên nhân biến mất của voọc cái này nhưng có thể nó đã bị chết tự nhiên chứ không phải do bị săn bắn”.


Lực lượng kiểm lâm ngày đêm canh giữ đàn voọc quý

Ở Ban quản lý Dự án bảo tồn voọc Cát Bà bây giờ, Rick có 3 cộng sự người Việt. Nổi bật nhất là Phạm Văn Tuyền, một thanh niên quê ở Hải Phòng. Tuyền là người chủ động đi cùng tôi vào Giỏ Cùng. Một ngày tìm voọc với chàng trai trẻ này tôi nhận thấy, kiến thức và nhiệt huyết với đàn voọc của Tuyền cũng chẳng kém là bao so với mấy chuyên gia ngoại quốc.

Tuyền bảo: “Muốn theo dõi chúng, có khi phải nằm cả tuần trong rừng. Một cái nồi nấu cơm, bên trên hấp rau cỏ, trứng, cá khô, hết nước ngọt thì hứng nước mưa trên mái lều. Có hôm 7 giờ tối về, sáng hôm sau lại đi từ 3 giờ sáng trước khi voọc dậy để đếm từng con. Nhưng điều dự án cảm thấy thành công nhất là đã lôi kéo được cộng đồng cùng tham gia bảo vệ đàn voọc quý”.

Vừa nói Tuyền vừa vác xi măng để xây lồng voọc, trong thời gian tới dự án sẽ chuyển 2 con voọc ở đảo Đồng Công về Giỏ Cùng, việc chăm sóc, gìn giữ đàn voọc sẽ thuận lợi hơn.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long. Rừng quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha có khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng 570 ha với hệ thống động thực vật phong phú, đặc trưng là loài voọc đầu trắng và cây kim giao.

Đảo Cát Bà là tấm thảm xanh khổng lồ chứa đựng nhiều bí ẩn. Tổng diện tích Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế song kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế).

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Cát Bà còn có di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hóa Hạ Long, dân cư đã sinh sống cách đây 6.475 - 4.200 năm.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngồi ở nhà, người dân Huế vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp

THỪA THIÊN - HUẾ Từ ngày 22/4, người dân Huế có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh VneID.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm