| Hotline: 0983.970.780

Theo dấu thứ phi của Vua Quang Trung

Chủ Nhật 24/04/2016 , 13:30 (GMT+7)

Xưa nay, nhắc đến vợ của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, người ta thường nghĩ đến Ngọc Hân Công chúa. Thế nhưng, vua Quang Trung còn một người vợ nữa, đó là thứ phi Nguyễn Thị Bích, người may mắn thoát khỏi cuộc trả thù khi nhà Tây Sơn sụp đổ.

Nhân đọc câu chuyện viết trong cuốn “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của Tiến sĩ Đỗ Bang, chúng tôi về xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định, nơi có phần mộ của bà tìm hiểu.

Những câu chuyện tâm linh

Về Cát Hanh, chúng tôi gặp ông Phan Thành Long, Trưởng ban văn hóa xã, người nắm một số thông tin về bà thứ phi Nguyễn Thị Bích. Ông Long kể: “Nếu tôi nhớ không lầm thì năm 1987, khi thực hiện cải cách ruộng đất khoảng 220ha ở Cát Hanh, tại khu vực Gò Thỏ, thôn Vĩnh Ân (nay là thôn Vĩnh Long), máy ủi có ủi lên một tấm ván dày khoảng 10cm bằng gỗ, màu đỏ tươi.

Các thợ máy la lên thì ông Nguyễn Văn Thiển (sinh năm 1933, cháu đích tôn của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển) mới la lên rằng khu mộ đó chính là cánh họ nhà ông. Sau đó, người ta bảo đây là dòng dõi gia đình quý tộc mới có mộ đó. Một năm sau, có đoàn văn hóa tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định) mang bộ hồ sơ gia phả dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển lên Cát Hanh nhờ tôi dẫn đi gặp ông Thiển.

Ông Thiển có đưa ra tờ giấy giống như tờ giấy giới thiệu đi thi vùng này vùng kia. Ông dẫn vô vùng mả nơi đó nói mộ nằm sát cái mả quý đó nhờ giữ gìn vì đó là dòng dõi phía vợ vua Quang Trung nhưng đừng có để lộ ra. Hồi đó, tôi cũng không dám nói vì đó là thời kỳ người ta đào vàng!”.

Đến thôn Vĩnh Long, gặp ông trưởng thôn Hồ Văn Thanh, hỏi chuyện “bà vua”, ông Thanh cho biết: “Cái miếng ván máy ủi đào lên được hôm ấy, người ta đem bỏ ở phía trước nhà trưởng thôn, rồi ai lấy mất. Chúng tôi cũng không biết ngẫu nhiên hay do gia đình họ Nguyễn báo nên máy ủi mới ủi tróc miếng ván hòm ra, một năm sau, Sở VHTT Nghĩa Bình tìm vào, đem sách sử thi tới... Họ dặn dò họ Nguyễn ngoài việc tránh xã hội dòm ngó thì họ Nguyễn phải giữ gìn những gì còn sót lại có liên quan đến “Bà Vua” và ông Hoàng giáp”.

09-24-41_nh-1
Thôn Vĩnh Long, nơi có mộ “Bà Vua” Nguyễn Thị Bích

Bà Nguyễn Thị Luyện (sinh 1930), mẹ ông Hồ Văn Thanh cũng góp chuyện: “Khu vực mộ “Bà Vua” xưa là vùng đất Chiêm Thành của người Hời (Chăm). Hồi đó cây cối rậm rạp lắm, theo ông bà kể thì mộ “Bà Vua” nằm trong rừng cấm của người Chăm, trong đó có một kho vàng Hời. Người ta bảo nếu là vàng Hời, khi đào lên thấy thì phải mang đi đốt, còn ai bốc lên thì nguy hiểm tính mạng.

Vàng Hời biết đi, có thể di chuyển được. Người ta đồn nhìn thấy vàng, ban đêm “Vàng đi ăn” thành đàn, trông như gà mẹ dẫn đàn gà con, nhưng khi lại gần thì biến mất, rồi người ta lại đồn thấy “con ngựa vàng” đi ăn nữa.

Cho nên, những năm thập niên 1980, rất nhiều người vào đây tìm vàng. Theo tôi biết thì ngày xưa, những gia đình người Chăm giàu có, mỗi khi nhà có người chết, họ thường chôn theo người chết của cải và cả một cô trinh nữ còn sống tại cửa mộ để làm thần giữ mộ, giữ của cho người chết đặng có cuộc sống sung túc ở thế giới biên kia như người sống vậy”.

Ngưng một lát, bà Luyện nói tiếp: “Hồi chúng tôi còn nhỏ, có dám bén mảng đến đó đâu, người lớn cứ bảo linh thiêng lắm nên tụi nhỏ đứa nào cũng sợ. Vùng rừng cấm trong khu mộ “Bà Vua” rộng lắm.

Ba vùng bạc hà giờ mình ngồi ở đây nhìn ra thấy đó, ngày trước là rừng cấm, trong đó có một ngôi chùa của người Chăm, giống như nhà, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, sập rồi. Hồi trước người ta đào móng, lấy đá, lấy gạch lên, lấy nhiều lắm. Tôi nhớ lúc ông chồng tôi gánh gạch Hời từ ngôi chùa này về, gạch to như viên đá ong vậy”. Tôi hỏi: “nhưng sao lại gọi đó là Gò Thỏ?”.

09-24-41_nh-2
Nhà ông Nguyễn Văn Thiển, cháu đời thứ 14 của “Bà Vua”

Bà Luyện đáp: “Khu rừng cấm này hồi đó rất nhiều thú rừng, loại gì cũng có. Nhưng ở khu vực cao nhất, là nơi tập trung rất nhiều Thỏ. Cho nên người ta gọi là gò Thỏ. Còn về bà Nguyễn Thị Bích, ở đây ông Thiển, cháu đời thứ 14 của thứ phi Nguyễn Thị Bích.

Ai nằm dưới mộ?

Theo chân ông trưởng thôn đến nhà ông Nguyễn Văn Thiển (sinh năm 1933) ở đội 6, thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh. Nghe chúng tôi nói muốn tìm hiểu về “bà vua”, ông Thiển tỏ thái độ nghi ngại, nhờ có ông trưởng thôn “bảo lãnh” nên cuối cùng ông Thiển đồng ý nói chuyện.

“Thú thật, từ trước giờ, hàng năm vào tháng 12 Âm lịch, con cháu trong họ Nguyễn đã chạp mộ “Bà Vua” ở Gò Thỏ. Suốt thời gian dài, trong họ tộc không ai biết ngôi mộ đó là ai, sống ở thời nào.

Mãi sau này, tra gia phả họ Nguyễn ở làng Mỹ Chánh chép lại năm 1926, mới hay đó là mộ Bà. Theo cuốn gia phả này thì “Nguyễn Thị Bích giá vu Quang Trung Hoàng Đế, bổn thôn xuất đinh tịch tự thử thủy, tốt vu cửa nguyệt sơ thập nhật, mộ tái Vĩnh Ân, thôn Gò Thỏ xứ”.

Hiện tại, ông Thiển còn lưu giữ một cuốn gia phả (bằng giấy học trò cũ nát) họ Nguyễn ở thôn Vĩnh long – Cát Hanh có ghi bà Nguyễn Thị Bích là đời thứ 10, Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, tác giả cuốn “Đồ Bàn thành ký” nổi tiếng, đời thứ 11 và ông Nguyễn Văn Thiển đời thứ 14.

09-24-41_nh-3
Ông Nguyễn Văn Thiển và cuốn gia phả họ Nguyễn

“Cái miếng ván bị ủi lên ở Gò Thỏ không phải của “Bà Vua” hay ông Hoàng giáp, mà là của ông Rằng, anh ruột của bà Nguyễn Thị Bích, tri huyện Phù Cát. Cuốn gia phả này do ông chú họ Nguyễn Phán của tôi viết khi ổng còn thanh niên trong những năm 1950 ở Quảng Trị mang vào (em thúc bá đồng đường với cha ông Thiển), đã bị rách gốc, chiến tranh loạn lạc, may nó còn sót lại đó chứ. Hồi trước ngôi nhà tôi được thờ kỹ lắm, nhà mái lá, có cờ lộng (4 cờ, 4 lộng), có bàn vuông, có siêu, giáo mác để thờ.

Nhưng năm 1964, bom đạn làm nhà bị cháy. Gia đình tôi phải di tản vào trong ấp tại thôn Phú Kim, thị trấn Phù Cát (nay là thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát). Khi di tản, chúng tôi có mang theo giấy tờ, sắc phong của vua Thiệu Trị và Tự Đức ban tặng, bài vị, 4 cây liễn và gia phả... Cờ lộng thì đã bị cháy, còn áo mão hồi đó cho những đoàn văn công mượn rồi mất luôn.

Thời Tây Sơn bị suy vong, bà Nguyễn Thị Bích quay về quê nội (Vĩnh Ân – Cát Hanh - Phù Cát) để ẩn dật, sau bệnh mất. Trong gia phả thì trang nói về bà Bích đã bị xé đi chưa được ráp lại vì người cháu gọi tôi bằng bác lấy đi nghiên cứu cách đây 6 năm để tìm hiểu sâu về Bà. Ấn tín của ông Hoàng giáp thì nằm ở Quảng Trị rồi. Còn “Bà Vua” thì không có kỷ vật gì hết. Do tôi không có con trai nên giao cho cháu trai (gọi là bác) mang ấn tín, giấy tờ liên quan tới ông Hoàng giáp về Quảng Trị rồi thờ rồi!”.

09-24-41_nh-4
Trang gia phả nói về Thứ phi Nguyễn Thị Bích

Ông Thiển cho biết, năm 1980, ông Đinh Bá Hòa (nguyên là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định) và ông Đỗ Ban – Giáo sư ngoài Huế, cùng một người ở Viện Hán Nôm Hà Nội có ghé nhà ông để tìm hiểu gốc tích “Bà Vua” Nguyễn Thị Bích. Hồi đó họ có chụp hình sắc phong đầy đủ rồi qua mộ Bà và ông Hoàng giáp. Rồi sau đó thấy im luôn, không thấy nói gì cả.

Cách đây 9 năm có một nhà báo ở báo Bình Định có gặp tôi ngoài đường rồi nhờ dẫn qua mộ Vua. Và lần thứ 2 (1988), ông Đinh Bá Hòa có đi cùng Sở Văn hóa – Thông tin Nghĩa Bình lên bảo HTXNN Cát Hanh có san ủi, tránh khu vực mộ họ Nguyễn ra. Khu mộ họ Nguyễn bị ủi, bốc đi nơi khác có khoảng 80 cái. Nhưng mộ “Bà Vua” và ông Hoàng giáp nằm ở phía ngoài, không nằm trong khu mộ gia tộc thời đó nên không thuộc trong phạm vi bị san ủi.

Sau cuộc nói chuyện, ông Thiển dẫn chúng tôi ra thăm mộ “Bà Vua”. Năm nay đã 83 tuổi, nhưng xem ra ông Thiển còn khá dẻo dai, vừa băng băng rảo bước qua những ruộng dưa hấu, ruộng đậu xanh, đậu phộng và những rẫy mì để tiến vào khu rừng bạch đàn, nơi có phần mộ “bà vua”, ông Thiển vừa nói: “Khu mộ gia tộc nằm phía ngoài Gò Thỏ, còn mộ “bà Vua” và ông Hoàng giáp thì ở trong Gò Thỏ, cách nhau 300m. Ngày trước, mộ Bà chỉ là một nắm đất nhỏ, bình thường, không có bia. Đến năm 1997, sau khi tra cứu gia phả, cộng với sự góp sức của các nhà sử học, con cháu trong họ mới xây cất lại như ngày nay, có xi măng, gạch đàng hoàng và khắc bia ghi rõ danh tính “Bà Vua”.

09-24-41_nh-6
Mộ “Bà Vua”

Sau chừng 20 phút đi bộ, ông Thiển dừng lại trước ngôi mộ xây và cho biết, đó là mộ “bà vua”. Ngôi mộ ẩn mình dưới những tán cây bạch đàn, cách núi Đầu Voi 1km và sông La Tinh (một nhánh sông Côn) 500m. Trên phần mộ ghi dòng chữ đỏ: “Phần mộ: Đời thứ 9 – Nguyễn Thị Bích – giá vu Quang Trung – Nguyễn Huệ, từ trần ngày 10/9. Các cháu đồng lập mộ 1997” (gia phả ghi Bà Bích là đời thứ 10?).

Có thể nói, thứ phi Nguyễn Thị Bích gần như là người duy nhất của gia đình Tây Sơn Tam Kiệt đã chứng kiến toàn bộ trang sử hào hùng của dân tộc dưới thời người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ, cũng như nỗi đau khi vương triều này sụp đổ. Nếu đúng đây là mộ “Bà Vua” thì đây là hiện vật gốc ít ỏi còn sót lại của thời Tây Sơn Tam Kiệt, hy vọng ngành chức năng quan tâm, đầu tư và nghiên cứu.

(KTGĐ số 15)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm