| Hotline: 0983.970.780

Theo dấu tích mẹ Âu Cơ

Thứ Hai 18/07/2016 , 08:02 (GMT+7)

Theo chân những nhà khảo cổ trở lại vùng đất Vân Hội, nơi mà chúng tôi đã phản ánh trong loạt bài "Vân Hội, những điều huyền bí", đào dưới lớp đất sâu đã phát lộ những giá trị văn hóa cách đây mấy trăm năm. 

Còn những câu chuyện dân gian về mẹ Âu Cơ được truyền tụng đến ngày nay thì kể mãi không hết…

Thống kê của Bảo tàng tỉnh Yên Bái, vùng đất Vân Hội (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) hiện còn 7 di tích đình, đền, chùa và miếu. Do biến động của lịch sử và thời gian hiện chỉ còn một ngôi miếu nhỏ nằm giữa cánh đồng thôn 8 cạnh ngòi Mon chảy từ trên núi Bụt xuống, còn những ngôi đình, đền, chùa đã trở thành phế tích.

Người trông coi ngôi miếu là vợ chồng bà Nguyễn Thị Khuyên, năm nay đã 60 tuổi. Bà Khuyên dẫn tôi qua tràn ruộng mới cấy hướng về ngôi miếu thờ nằm trên một gò đất cao nổi lên giữa cánh đồng cây cối mọc um tùm.


Bà Nguyễn Thị Khuyên thủ nhang miếu ngòi Mon

 


Miếu ngòi Mon thờ mẹ Âu Cơ

 


Thắp hương ban thờ ngoài trời

 

Bà Khuyên cho biết ngôi miếu được xây dựng lại vào năm 1986 gì đó, bà chỉ nhớ mang máng như vậy, sau khi gia đình bà gặp nhiều chuyện không may. Ngôi miếu mà gia đình bà trông coi đã truyền qua ba đời, trước vốn là tranh tre nứa lá mà các cụ xưa thờ bà Chúa Thượng Ngàn, các bậc Cao Sơn Đại Vương và mẹ Âu Cơ.

Trên vùng đất Vân Hội còn truyền tụng chuyện mẹ Âu Cơ là tiên nữ giáng trần, đi theo nàng là đám mây ngũ sắc che chở. Nàng bước xuống núi Bụt rồi xuôi dòng sông Hồng đầu thai vào gia đình Thần nông ở động Long Xương - thuộc đất Phú Thọ ngày nay, sinh ra một người con gái đẹp tuyệt trần, da trắng như mỡ đọng, môi đỏ như hoa vông rừng, tóc dài mượt đen như nhung đặt tên là Âu Cơ.

Nàng kết duyên với Lạc Long Quân rồi sinh ra một bọc trăm trứng sau nở ra trăm người con trai. Những người con trai của nàng đều đẹp đẽ khôi ngô tuấn tú, dũng mãnh lạ thường.

Một hôm Lạc Long Quân bảo: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, vốn chẳng hợp nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con. Nhưng thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.

Ta đem năm mươi con về Thủy phủ phân trị các xứ, nàng đem năm mươi con lên rừng chia nước mà cai trị. Dù lên núi hay xuống biển, có việc thì cùng nhau hợp lực không được bỏ nhau. Người con trai cả được suy tôn làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang.

Bà Âu Cơ đi tới đâu cũng dạy dân cấy cày, trồng dâu nuôi tằm dệt vải mở mang bờ cõi, được nhân dân ta suy tôn làm Quốc Mẫu. Tại Vân Hội, không biết từ bao giờ người dân dựng một ngôi miếu thờ thần linh dưới chân núi Bụt ngay cạnh ngòi Mon, trong đó thờ mẹ Âu Cơ.

Lại có chuyện kể rằng: Khi chia tay Lạc Long Quân bà Âu Cơ đóng thuyền mảng cùng năm mươi người con ngược sông Hồng, rồi theo ngòi Vần ngược lên, tới ngòi Mon rẽ vào thì nhìn thấy núi Bụt nơi khi xưa bà là tiên nữ giáng trần, bà bước xuống thuyền tìm đất dựng điền trang.

Nhưng khi đó núi rừng rậm rạp, rắn rết, hổ báo nhiều vô kể nên bà quay xuống đất Hiền Lương cách đó không xa để lập trang ấp. Có lẽ thế mà một nhà ngoại cảm từ thành phố Hồ Chí Minh đã lần theo dấu tích bà Âu Cơ nói rằng mảnh đất gần ngòi Mon là nơi bà đặt bước chân đầu tiên khi bước xuống thuyền tìm đất lập trang ấp.

Nhưng nỗi nhớ thiên đình thì không thể nguôi, vào ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân bà cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dải lụa trên ngọn cây đa trước đền Âu Cơ. Do ở lâu trên trần gian dính nhiều bụi trần, nên trước khi lên núi Bụt bay về trời bà cùng bầy tiên nữ xuống Ao Xanh tắm gội. Nhớ công ơn bà người dân dựng một ngôi miếu nhỏ bên cạnh ngòi Mon thờ phụng quanh năm.

Bà Khuyên sau khi thắp xong các nén hương mới kể: Khi tôi về làm dâu nhà này thì được các cụ kể lại rằng, ngôi miếu có từ rất lâu rồi, đời tôi được biết cụ Ký An trông nom thờ phụng, khi cụ Ký An mất đến lượt con trai cụ là ông Nguyễn Văn Thế. Do ông Thế không có con trai nên khi mất đã giao ngôi miếu cho vợ chồng người em chú là Nguyễn Văn Gia - Phạm Thị Thìn là bố mẹ chồng của tôi trông coi.

Cuối những năm sáu mươi hay bảy mươi gì đấy, các thửa ruộng của hợp tác xã nằm cạnh ngôi miếu cây cối mọc rậm rạp, um tùm bị cớm. Người ta bàn nhau phải chặt hết cây ở quanh miếu, nhưng không ai dám làm. Thế là hai ông lãnh đạo đội sản xuất đã đốt cây trên gò miếu, khiến tai họa ập xuống, một ông thì trở nên rồ dại còn một ông thì bị mù mắt ốm đau liên miên phải sắm lễ để tạ tội.

Năm 1985, đứa con trai bảy tháng của tôi bị mất, chồng tôi là Nguyễn Văn Dũng thì ốm chổng mông, hai đứa con gái lớn cũng ốm quặt quẹo chẳng rõ bệnh gì. Anh em ở xã Việt Cường (huyện Trấn Yên) đi xem về mới bảo phải xây lại miếu thờ, hương khói thường xuyên mới được bình an.

Sau đó chồng tôi xây lại ngôi miếu, tôi sinh thêm được hai thằng con trai nữa, một thằng ở nhà trông coi ruộng vườn, còn một thằng đang làm công an trên Lào Cai. Chẳng biết có phải gia đình thờ phụng nên được các ngài và mẹ Âu Cơ phù hộ độ trì, nên con cái của chúng tôi đều có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định…

Ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, chủ trì các cuộc thám sát khu vực đình chùa Vân Hội, cho biết: Quá trình thám sát chúng tôi phát hiện ở khu vực Gò Cấm thôn sáu nằm trên một quả đồi có 3 nền đất ở ba cấp khác nhau. Theo người dân kể lại, trước đây tại nơi này có đền, chùa và đình. Nằm trên cao là đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn, các bậc Cao Sơn Đại Vương và mẹ Âu Cơ, bậc thứ hai là chùa, bậc thứ ba là đình.


Gò Cấm nhìn từ dưới cánh đồng, nơi dựng đình Minh Phú xưa

 

Do thời gian các ngôi đền, chùa, đình ở Gò Cấm sụp đổ, cư dân Tày, Dao dựng lại thờ chung các thần phật, mẹ Âu Cơ và thành hoàng làng, đây là đình Minh Phú. Ngày 25 tháng 7 năm 1924 vua Khải Định đã ban ba sắc phong cho đền Minh Phú: Thần đệ nhất Cao Sơn Đại Vương, thần đệ nhị Cao Sơn Đại Vương, thần đệ tam Cao Sơn Đại Vương.

Hàng năm vào ngày mùng bảy tháng Giêng, trùng với lễ hội Âu Cơ, người dân thắp hương ở miếu ngòi Mon sau đó mới rước lễ lên đình Minh Phú. Trong kháng chiến chống Pháp người dân chạy loạn tứ tung không ai trông nom, ngôi đình xuống cấp bị sụp đổ cây cối mọc um tùm, họ gọi là Gò Cấm.


Những hiện vật tìm thấy ở Gò Cấm

 

Cụ Trần Thị Nuôi, năm nay đã 87 tuổi, nhà nằm dưới chân Gò Cấm kể rằng: Sau khi vào hợp tác xã, gia đình tôi lên Gò Cấm phát cây làm nương rẫy, thì thấy rất nhiều lọ bằng sành và gốm. Gia đình có nhặt một số lọ về nhà, trong lọ toàn tro. Nghe các ông khảo cổ về đây đào đất ở đồi nhà tôi bảo đó là những bát hương của ngôi đình này có cách nay mấy trăm năm. Vào những ngày mưa phùn gió bấc, con cháu tôi nhìn lên Gò Cấm thấy rất nhiều đèn giời như người ta rước kiệu...

Ngày 2/6/2016 bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã tới Vân Hội thị sát một số điểm có dấu tích đền, đình, chùa mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh ký công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.


Bà Phạm Thị Thanh Trà trao đổi với cụ Trần Thị Nuôi về những hiện vật cụ đang cất giữ

 

Cụ Trần Thị Nuôi dẫn bà Trà tới lán để củi dựng cạnh nhà, cụ lôi dưới gầm lán ra một số chai lọ, cụ bảo: Tôi tìm thấy vô khối, con gái tôi còn dùng các lọ này để kê hòm thóc...

"Chúng tôi mời một số nhà khoa học ở Viện Khảo cổ lên thám sát và giám định các hiện vật mà chúng tôi tìm thấy ở Vân Hội, đã khẳng định các đồ gốm có từ thời Lê Trung Hưng, cách ngày nay trên 300 năm. Qua các hiện vật đào được ở miếu ngòi Mon đã cho chúng ta biết ngôi miếu này dựng cùng thời với đình Minh Phú. Nơi thờ mẹ Âu Cơ, do đường sá xa xôi nên người dân đã rước chân nhang từ ngôi miếu này về đền Tuần Quán thờ, ngôi đền nằm ở thành phố Yên Bái cạnh sông Hồng. Hiện nay một số nơi thờ mẹ Âu Cơ, ngoài Phú Thọ, Hải Dương, Hòa Bình là Yên Bái...", ông Lý Kim Khoa.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất