| Hotline: 0983.970.780

Theo dõi sát để tránh ùn ứ nông sản sang Trung Quốc

Thứ Ba 07/01/2020 , 08:50 (GMT+7)

Trước và sau Tết Nguyên đán, hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thường rất sôi động và dễ xảy ra ùn ứ.

Do đó, các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

15-13-53_trnh_un_u_nong_sn
Thanh long – loại trái cây xuất mạnh sang Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây.

Hiện nay đã bắt đầu vào thời điểm cận kề Tết Canh Tý năm 2020, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã sôi động hơn.

Trước tình hình đó, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…

Qua đó nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói đáp ứng đúng yêu cầu của nước nhập khẩu và kịp thời điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới khi có phát sinh hiện tượng bất thường, ùn ứ để đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại nông sản, trái cây và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về quy cách, chất lượng, nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cục Xuất nhập khẩu cũng đã trao đổi, làm việc với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang.

Theo đó, Cục đã đề nghị các sở theo dõi sát tình hình, cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm, trái cây nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn để các địa phương vùng trồng trọng điểm, doanh nghiệp và hộ nông dân nắm bắt thông tin, kịp thời chủ động kế hoạch giao nhận hàng hóa.

Các Sở Công Thương cũng cần chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn để triển khai kịp thời, hiệu quả các công tác điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây trong thời điểm trước và sau Tết Canh Tý, như điều tiết phương tiện, phân luồng giao thông, trao đổi với phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc, bố trí cơ sở vật chất và nhân lực trong việc cấp C/O ưu đãi nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, có thể sắp xếp làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ trong trường hợp cần thiết…

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vào dịp cao điểm Tết Canh Tý, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm điều tiết kịp thời, góp phần hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ có thể xảy ra tại khu vực biên giới này, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và hộ nông dân, là rất quan trọng.

Theo đó, các Sở Công Thương, Sở NN-PTNT tại các tỉnh, thành phố vùng nuôi, trồng trọng điểm cũng như các Hiệp hội ngành hàng nông, thủy sản cần thường xuyên rà soát công tác sản xuất, điều chỉnh canh tác thời vụ (diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng…) cho phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Điều tiết nguồn cung sản phẩm nông sản hợp lý.

Bên cạnh đó, cần chủ động theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong nước, ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với nông thủy sản, trái cây trong mùa vụ năm 2020. Phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình để kịp thời điều tiết lượng hàng hóa nông sản, trái cây lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu.

Ông Toản cho biết, các nội dung nói trên đã và đang được Cục Xuất nhập khẩu trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện. Bộ Công Thương hiện cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang; đồng thời vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.

Ông Toản cho rằng, vấn đề ùn ừ nông sản ở biên giới vào những dịp cao điểm, sẽ không thể giải quyết căn cơ nếu không có những biện pháp mang tính đồng bộ và lâu dài, từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến đóng gói đến khâu tổ chức giao nhận, xuất khẩu, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.