| Hotline: 0983.970.780

Thi công kiểu... rùa bò

Thứ Hai 18/06/2012 , 11:47 (GMT+7)

Lễ động thổ khởi công nâng cấp, cải tạo quốc lộ 25 rầm rộ diễn ra từ ngày 15-5-2010 để sau đó, dự án này đang “bò” theo… tốc độ rùa!

Trước thực trạng quốc lộ 25 xuống cấp nghiêm trọng, Bộ GT-VT đã quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp con đường này.

Dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án 6 (thuộc Bộ GT-VT) trực tiếp quản lý dự án, với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Lễ động thổ khởi công nâng cấp, cải tạo quốc lộ 25 rầm rộ diễn ra từ ngày 15-5-2010 để sau đó, dự án này đang “bò” theo… tốc độ rùa!

Quốc lộ 25 (trước đây là đường 7) dài 182 km, bắt đầu từ quốc lộ 1A tại Km 1332 thuộc địa phận TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Từ đây, quốc lộ 25 đi qua hai huyện Phú Hòa và Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên, sau đó lên huyện Krông Pa, vượt đèo Tô Na sang thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, tiếp tục “leo” đèo Chư Sê để đến điểm cuối tại Km 567-800 trên quốc lộ 14, thuộc địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai). Đây là con đường cực kỳ quan trọng bởi nó nối liền hai trục quốc lộ xuyên quốc gia là quốc lộ 1A và quốc lộ 14, đồng thời cũng là một trong hai tuyến đường ngắn nhất nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.


Vô cùng vất vả và nguy hiểm khi tham gia lưu thông trên quốc lộ 25

Được xây dựng từ thời thuộc Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20, con đường này đã nhiều lần xuống cấp do chiến tranh, do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn… Do vậy, Bộ GT-VT đã quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp đường này. Dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 25 được chia thành 10 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu số 8 (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) do Cty Cổ phần Đông Hưng trúng thầu, các đoạn còn lại do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 trúng thầu thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.380 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Theo thiết kế, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7m, nền đường rộng 9m, tốc độ phương tiện tham gia giao thông theo thiết kế là 60km/giờ. Giai đoạn 1, dự án sẽ thực hiện thi công hơn 88 km, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2012. Tuy nhiên hiện tại, dự án đang triển khai với tốc độ vô cùng chậm. Toàn tuyến quốc lộ dài 182km từ TP. Tuy Hòa đến huyện Chư Sê (Gia Lai) mới chỉ cải tạo, nâng cấp được một số đoạn. Riêng việc cải tạo và làm mới đoạn đường tại đèo Tô Na dài khoảng 2km (thuộc địa phận huyện Krông Pa, Gia Lai) đã đạt trên 90% khối lượng công việc, tuy nhiên hiện tại trên đoạn đường này, nhiều loại công cụ máy móc của các đơn vị thi công cũng đang trong tình trạng “đắp chiếu”.

Hai bên đường, lèo tèo một vài công nhân ở lại trông coi lán trại. Tại đây, một công nhân thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 ngán ngẩm: “Nghe các “sếp” nói là do thiếu vốn nên công trình thi công dang dở. Cứ như thế này thì ảnh hưởng rất lớn đến tiền lương và đời sống của anh em công nhân chúng tôi”. Cũng theo công nhân này thì trong cùng một gói thầu, một số đoạn thi công và mới hoàn thành cũng đã “kịp” bong tróc, trong khi các đoạn còn lại thi công dang dở.

Xuôi đèo Tô Na về hướng huyện Krông Pa, đoạn đường vừa hoàn thành đã bị hư hỏng, xuống cấp. Các đơn vị đã làm dấu những đoạn này để chuẩn bị sửa chữa lại. Đặc biệt, đoạn qua địa phận huyện Krông Pa dài 45 km đã hư hỏng trầm trọng, nhiều đoạn đã bị bong tróc, san sát những ổ gà, lởm chởm đá với những khúc cua vô cùng nguy hiểm, trở thành cái “bẫy” đối với người đi đường. Đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này mà nguyên nhân chính là do đường xuống cấp. Ông Lê Văn Nam sống ở phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa, Gia Lai), than thở: “Tôi thường đi lại trên quốc lộ 25, đoạn từ thị xã Ayun Pa đi huyện Krông Pa để buôn bán. Đường hư hỏng, xuống cấp nặng trong khi thi công thì lại quá chậm, khiến người dân đi lại trên con đường này rất vất vả và nguy hiểm. Mang tiếng là quốc lộ mà...”.

Ông Lê Văn Trường nhà ở ngay mặt đường quốc lộ 25 tại thôn Cầu Đôi, xã Chư R’căm (huyện Krông Pa). Tại đây, ông cùng hàng xóm đã nhiều lần chứng kiến, trực tiếp tham gia sơ cứu, đưa hàng chục nạn nhân bị tai nạn trên đoạn đường này đi cấp cứu ở Trạm y tế xã, trong đó có không ít trường hợp là các cháu học sinh. Ông nói: “Thi công quá chậm và không đồng bộ nên đường rất khó đi. Bà con chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn trước nhà mình do đường xấu. Mong Nhà nước sớm hoàn thành con đường này để người dân đi lại được an toàn và dễ dàng”.

Không những nguy hiểm mà do thi công chậm nên những nhà gần đường hàng ngày phải gánh chịu bụi bẩn mỗi khi có xe chạy qua. Mỗi lần có một xe ô tô - thậm chí xe máy chạy ngang qua là khói bụi lại xông thẳng vào nhà, vào mâm cơm đang ăn.

Xác định đây là tuyến đường huyết mạch, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an ninh quốc phòng nên ngay từ đầu, chính quyền và nhân dân huyện Krông Pa - địa phương có quốc lộ 25 đi qua đã hết sức đồng thuận với chủ trương nâng cấp, cải tạo. Việc giải phóng đền bù, giải tỏa lộ giới được bà con nhiệt tình ủng hộ, góp phần cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các nhà thầu thuận lợi hơn trong triển khai thi công. Tuy nhiên, mọi cố gắng của địa phương vẫn không thể thúc đẩy tiến độ nhanh hơn được.

Ông Tô Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: “Krông Pa là một trong những huyện vùng sâu, huyện nghèo của tỉnh Gia Lai. Muốn phát triển kinh tế cũng như mọi mặt, trước tiên cần sự phát triển về giao thông. Với chức năng được giao là chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng, từ năm 2008 đến năm 2010, huyện đã hoàn thành tốt phần việc của mình. Tuy nhiên đến năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, kinh phí bị bó hẹp nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Trước nhu cầu bức thiết về việc đi lại, làm ăn, thông thương… huyện mong muốn Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị với Chính phủ, sớm có kế hoạch đầu tư vốn để nâng cấp quốc lộ 25”.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.