| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện ngược đời ở Khai Sơn:

Thi hành nghị quyết đã hủy bỏ, UBND xã biến dân thành con nợ

Thứ Sáu 14/04/2017 , 15:30 (GMT+7)

Không những không khắc phục hậu quả của những nhiệm kỳ trước để lại, chính quyền xã Khai Sơn nhiệm kỳ mới lại tiếp tục mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.

Từ một nghị quyết được cho là ban hành trái luật và đã được hủy bỏ của nhiệm kỳ trước, chính quyền xã Khai Sơn khóa mới vẫn thi hành và biến người dân thành con nợ.
 

HĐND xã Khai Sơn ban hành nghị quyết trái luật

Ngày 7/3/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định Phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Trường mầm non xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn với tổng mức đầu tư 5.232.000.000 đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 2.906.000.000 đồng; ngân sách huyện 1.162.000.000 đồng và ngân sách xã 1.162.000.000 đồng.

Đây là một công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng để bàn luận nếu việc xây dựng được công khai minh bạch, dân chủ ngay từ đầu.

Người dân Khai Sơn khẳng định, họ không hề biết đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chỉ đến khi, tỉnh, huyện đã rót ngân sách thực hiện gần hoàn thiện dự án thì phần còn lại mới được HĐND khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016 “chữa cháy” bằng Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND ngày 28/8/2014.

05-05-56_nguoi-dn-khi-son-to-chinh-quyen-di-phuong-thieu-dn-chu-v-co-nhieu-si-phm
Người dân Khai Sơn tố chính quyền địa phương thiếu dân chủ và có nhiều sai phạm

Nghị quyết có sự tán thành của 95,6% đại biểu nhưng lại nhận được phản ứng gay gắt từ phía người dân. Đơn cử có trường hợp 100% người dân thôn 7 đều phản đối cách làm của HĐND, UBND xã Khai Sơn. Nhiều hộ dân đã không nộp khoản tiền này khiến chính quyền địa phương biến họ thành “con nợ”.

Một số đại biểu cho rằng Nghị quyết 06 được ban hành trái luật. Một đại biểu HĐND khóa XVII (xin giấu tên) băn khoăn: “Theo Nghị quyết số 06 thì có 2 đối tượng gồm cử tri trong độ tuổi lao động, nam từ 18-60 tuổi, nữ 18-55; học sinh tiểu học, THCS, THPT. Theo tôi, căn cứ này không hợp pháp bởi đối tượng buộc phải nộp các khoản thu theo quy định là những người nằm trong độ tuổi lao động.

Những đối tượng còn lại, nếu thu phải trên tinh thần vận động. Mà đã vận động thì tùy thuộc vào mức đóng góp của từng người, không thể áp đặt một mức sàn như thế được. HĐND cấp xã không có thẩm quyền tự đưa ra căn cứ độ tuổi để thu các khoản xã hội hóa mà cụ thể ở đây là xây dựng trường học. Theo quy định thì đối tượng là trẻ em, học sinh từ 6-18 tuổi không phải nộp khoản tiền này. Vì vậy, chưa nói khoản tiền xây dựng trường học là bao nhiêu nhưng theo tôi, bản thân Nghị quyết số 06 là trái luật”.

Về Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND do HĐND xã Khai Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016 ban hành ngày 28/8/2014, ông Đậu Văn Thông, Phó Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn khẳng định, đây là một nghị quyết trái luật và đã được chính HĐND xã Khai Sơn hủy bỏ.

05-05-56_nghi-quyet-tri-lut-cu-hdnd-x-khi-son
Nghị quyết trái luật của HĐND xã Khai Sơn

“Về tiền đối ứng xây dựng công trình tại địa phương, không thể 100% đều bổ vào đầu dân được. UBND cấp xã phải trích một phần ngân sách từ các nguồn thu như thuế, phí, đấu giá đất để đối ứng công trình. Số còn lại cần phải cân đối để thu theo hình thức xã hội hóa. Khi phát hiện ra việc ban hành Nghị quyết trái luật, chúng tôi đã nhắc nhở và HĐND xã Khai Sơn đã hủy bỏ nghị quyết trên.

Theo quy định, việc thu tiền xã hội hóa, cụ thể ở đây là để xây dựng trường học thì chỉ thu trong độ tuổi lao động, ngoài độ tuổi lao động phải dựa trên tinh thần vận động. Khi nghị quyết đã bị hủy bỏ, nếu vẫn tiếp tục thu thì phải làm lại quy trình, tức là phải có nghị quyết mới chứ không thể thu theo tinh thần nghị quyết cũ như ở Khai Sơn được” - ông Thông cho biết.
 

Biến dân thành con nợ

Để thu được tiền vận động xây dựng trường học, UBND xã Khai Sơn đã có nhiều cách làm “sáng tạo”. Sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, có 2.578 người là cử tri trong độ tuổi lao động, nam từ 18-60 tuổi, nữ 18-55; học sinh tiểu học, THCS, THPT được “chia nợ” bình quân 451.000 đồng/người. Thời gian nộp trong vòng 2 năm, bắt đầu thu lần 1 vào tháng 10/2014 và kết thúc vào tháng 5/2016. Số tiền này sẽ được thu vào dịp thu các khoản thuế, quỹ hàng năm của địa phương.

Thế nhưng, khi chưa thu hồi được “nợ”, UBND xã Khai Sơn, đứng đầu là bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã nhiều lần gửi giấy thông báo yêu cầu các hộ dân đến trực tiếp UBND xã Khai Sơn để nộp tiền xây dựng trường học. Cách làm này khiến nhiều hộ dân bức xúc cho rằng, họ không nợ chính quyền địa phương mà đó là khoản tiền họ không nộp xuất phát từ cách làm chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân của chính quyền địa phương.

Tìm mọi cách không thu hồi được “nợ”, UBND xã Khai Sơn còn tìm ra nhiều “kế sách siết nợ” dân mà tưởng chừng như sẽ không bao giờ xuất hiện ở các cơ quan công quyền.

05-05-56_truong-mm-non-khi-son
Trường mầm non Khai Sơn

Ông Hồ Sỹ Sơn, xóm 1, xã Khai Sơn bức xúc: “Tôi cho rằng, việc xây dựng trường học để con em có cơ sở vật chất khang trang là điều nên làm. Nhưng làm gì thì làm, mọi việc phải được nhân dân đồng thuận. Nghị quyết khóa trước không được nhân dân đồng thuận nên cán bộ khóa sau về đứng trước dân xin lỗi và mong dân nộp tiền để xây dựng trường học nhưng nói thật, dân chúng tôi phản ứng dữ lắm.

Họ vẫn không chấp nhận nhưng cóc liệu có kêu thấu trời không? Nhà thì bị gây khó khăn khi lên xã làm thủ tục hành chính; nhà thì bị dọa siết nợ ngay khi mới cầm tiền vay ra khỏi trụ sở UBND xã. Riêng tôi, tôi cũng không đồng tình nhưng vẫn bị “khấu trừ” mất 1.353.000 đồng khi nhận tiền thi công các công trình xây dựng trong xã (ông Sơn là nhà thầu xây dung - PV)”.

Bà Nguyễn Thị Phương thì than thở: “Cũng vì chưa nộp tiền xây dựng trường học mà khi lên xã làm thủ tục vay tiền sinh viên cho con đi học, kế toán xã bắt tôi ký vào tờ cam kết phải nộp tiền này mới được làm thủ tục vay. Tôi đành ký vào nhưng giờ chưa có tiền nộp nên không lên xã làm thủ tục vay vốn sinh viên. Hôm đó, đi cùng tôi còn có nhiều người đi vay vốn cũng bị cán bộ xã thúc ép nộp tiền xây dựng trường…”.

05-05-56_b-nguyen-thi-phuong-to-chinh-quyen-di-phuong-gy-kho-khn-khi-gi-dinh-b-chu-nop-tien-xy-dung-truong-hoc
Bà Nguyễn Thị Phương tố chính quyền địa phương gây khó khăn khi gia đình bà chưa nộp tiền xây dựng trường học

Éo le, bi đát và oái oăn nhất là trường hợp bà Phạm Thị Quyền. Khi con trai của bà vừa mất được mấy hôm thì có 1 đoàn cán bộ thôn, xã kéo vào nhà… đòi nợ. Bà Quyền chỉ còn vài trăm nghìn đồng trong túi phải móc ra đưa cho họ nhưng mọi việc vẫn chưa xong.

“Nhà có 3 suất phải nộp tiền xây dựng trường mầm non nhưng chưa đủ nên họ tiếp tục gây khó khăn. Ông nhà tôi là CCB Nguyễn Trọng Thân được bầu vào đại biểu CCB xã và ĐB HĐND xã nhưng họ cắt mất không có suất. Gia đình tôi phản ứng nhưng cán bộ xã họ nói vòng vo, không thuyết phục…”, bà Quyền bức xúc.

Về xã Khai Sơn, đâu đâu chúng tôi cũng được nghe người dân “tố” chính quyền địa phương làm nhiều điều trái khoáy. Họ bảo, chẳng đâu như ở nơi này, những sai phạm của HĐND, chính quyền địa phương lại tiếp diễn từ khóa này sang khóa khác. Khi niềm tin bị xói mòn, câu nói cửa miệng của họ lại thốt lên: Báo cứ viết, dân cứ kêu gào nhưng chẳng thấm vào đâu đâu!

Sau nhiều lần hẹn, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn đã đồng ý làm việc với chúng tôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Khai Sơn như đã hẹn thì cán bộ xã Khai Sơn cho biết, bà Ánh và Bí thư Đảng ủy xã Khai Sơn đều bận việc, xin nghỉ cả ngày. Điện thoại bà Ánh đổ chuông nhưng không bắt máy.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm