| Hotline: 0983.970.780

Thị phi - Thị phây

Thứ Năm 21/06/2018 , 14:50 (GMT+7)

Nếu có một thành ngữ hiện đại để gọi loại “tin giả”, “tin đểu” trên Fb, không gì dễ liên tưởng hơn là “thị phi trên Phây búc”...

Thị phi ngày xưa biểu hiện ban đầu là tin đồn. Tin đồn như không khí, nó bay khắp nơi, âm ỉ mọi lúc. Thị phi tin đồn dựng chuyện trong cung cấm, sao cho đến tai nhà vua. Vua dùng đến gươm đao giết kẻ bị nạn, và dùng đến ân huệ để nâng đỡ kẻ đểu cáng. Trong một xã hội đóng kín, thông tin tù đọng, in ấn rất khó khăn, mọi tin tức từ triều đình xuống đến thiên hạ rất chậm, truyền theo tốc độ ngựa chạy, thì tin đồn theo kiểu miệng - tai - miệng là nhanh và tiện lợi không kém kiểu truyền tin chính thống. Song, cách truyền tin đồn phạm phải sai lệch là tất yếu, nó phụ thuộc vào khả năng nghe - nói của người truyền tin. Qua mỗi người truyền tin, nội dung thông tin bị khúc xạ, méo mó đi một chút. Thị phi cho kết quả chắc chắn là “tin giả”, “tin đểu”.

Ngày nay, phương tiện truyền tin đúng là “nhanh như chớp”, đa dạng, độ tin cậy lớn. Ở bất kỳ đâu trên trái đất, bạn truyền âm thanh, hay ký tự, thì toàn bộ nội dung, cấu hình (âm sắc, tự dạng) đều tức khắc được truyền đến địa chỉ nhận. Như vậy, yếu tố kỹ thuật đã loại trừ hoàn toàn việc có thể xảy ra sai lạc. Nhưng ngày nay, cũng chính nhờ phương tiện kỹ thuật, người ta đã tung ra nhiều kiểu tin giả, sử dụng công nghệ chế tác tin giả đến mức ban đầu rất khó nhận diện về mặt kỹ thuật, mà chỉ có con người, thông qua khả năng cảm thụ mới nhận ra.

Facebook (Fb) là một trong số trang mạng xã hội nhiều người dùng. Fb có tác dụng rất tốt trong xã hội hiện đại, nó kết nối mọi người, cho phép tự do bày tỏ ý kiến. Fb về mặt truyền tin, là một dạng báo tư nhân, báo chí tự do của mọi người, tích hợp cả báo viết lẫn báo hình. Từ khi có Fb, người người viết báo, làm báo, nhà nhà tham gia truyền thông xã hội. Tuy nhiên, Fb cũng là môi trường cho kẻ tung tin đồn nhảm, cho bọn dựng chuyện, chế tạo tin giả.

Ảnh minh họa

Nếu có một thành ngữ hiện đại để gọi loại “tin giả”, “tin đểu” trên Fb, không gì dễ liên tưởng hơn là “thị phi trên Phây búc” - Thị phây.

Người dùng Fb Việt Nam không lạ với những loại dựng chuyện. Ví dụ “chế tạo” hẳn những cái ảnh chụp tin nhắn, nghĩa là làm giả bằng chứng. Chỉ khi người đọc tỉnh táo mới nhận ra. Vụ vu vạ cán bộ Thanh Hóa có bồ rồi nhắn tin loạn xạ là một ví dụ. Những tin nhắn đưa lên Fb, thoạt nhìn như là chụp hình đoạn tin nhắn giữa 2 người. Nhưng không nhiều người biết, trên mạng có phần mềm làm giả tin nhắn. Hoặc có thể đăng ký nickname là một số điện thoại nào đó (với máy tính, nó nhận biết cũng là một chuỗi ký tự) để tự làm tin nhắn qua lại giữa 2 điện thoại với nhau.

Thị phây còn biểu hiện ở dạng tung tin có chủ ý, xuyên tạc ý của người thứ ba. Trong khi nạn nhân khó thanh minh, chưa thanh minh thì cư dân mạng đã rào rào tổng xỉ vả. Vụ anh làm thơ Phan Hoàng là một ví dụ. Anh này nói đại ý “thơ dở là rác, đăng thơ lên Fb không nên là thơ dở” nên anh ta phải dụng công thế nào đó, v.v. Có một người nổi tiếng hơn Phan Hoàng chê bai thơ Hoàng, rồi bảo là Hoàng phát ngôn “thơ trên Fb là rác rưởi”. Kẻ “phiên dịch” lời của Phan Hoàng, theo dụng ý riêng, đã lợi dụng sự nhậy cảm của mọi người dùng Fb, người VN ai chả làm thơ được, mà đã chơi Phây thì post thơ lên Phây như một loại tự xuất bản, để kích động sự tự ái của cộng đồng Fb.

Một loại tin giả nguy hiểm nữa, là lợi dụng công nghệ chỉnh sửa hình ảnh để làm tin giả. Vụ hiệp sĩ đường phố bị đâm chết gần đây, là một ví dụ. Trong vụ này, người chủ chiếc xe SH bị cướp đã bị một kẻ nào đó cắt xén hình ảnh, lấy ảnh ăn nhậu ở thời điểm khác ghép vào thời điểm sau khi bị cướp, tạo dựng hiện trường phản cảm, rồi tung lên Fb, khiến cho chủ nhân xe SH phải lên mạng thanh minh.

Fb có tính năng tạo trang và khai nickname khá thoải mái, nên bọn tung tin giả đã tạo trang Fb đứng tên nạn nhân, tự vẽ vời vào đó. Đó là cách sơ đẳng để lừa gạt, nhưng đã có người bị mắc.

Thị phây còn biểu hiện ở những tin nhắn rất ba vạ, mất thời gian. Mấy ngày nay nhiều người nhận được tin nhắn đại ý rằng “đây là Zuc, người sáng lập Fb, nếu không nhắn tin này cho n người thì ngày G sẽ bị khóa Fb”. Thời gian này Fb vướng vào vụ kiện phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, nên trò đùa được nhiều người tin, mất công nhắn nhe, mất công người nhận.

Thị phây tệ hại nhất là dụ mọi người đánh đòn hội đồng. Thoạt đầu tung tin nhảm. Những tin nhắn này có tính kích động rất cao. Phần lớn những kẻ không có quyền lợi liên quan đóng vai kẻ khua chiêng gõ mõ. Rồi ào ào mọi người vào bình phẩm. Những doanh nghiệp có tính đại chúng, ngân hàng, bán lẻ… và những người có chút tiếng tăm ăn đủ loại chơi đểu kiểu này, đến khi chữa được vạ thì má đã sưng. Trường hợp này, cộng đồng Fb vô tình đã là nơi khuếch đại tin giả, khiến cho tác hại tăng gấp nhiều lần. Năm ngoái, đã có vụ tung tin ông Trần Bắc Hà bị bắt, chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển sụt giảm, các ngân hàng khác cũng sụt theo. Cuối cùng, hóa ra Fb tung tin đểu. Những kẻ trục lợi đã thu hoạch xong rồi.

Làm thế nào để chống lại các tin giả trên Fb?

Những nhà báo chính thống có kinh nghiệm hành nghề, đều biết sau mỗi con chữ là sức nặng xã hội, biết tiết chế khi viết. Song, đại đa số người chơi Fb vốn dĩ không phải là người “nặng nghiệp” với viết lách. Nhiều người đưa lên Fb vô số tin tức, từ riêng tư đến công cộng, chia sẻ không suy nghĩ xem đó là tin đúng hay sai? Người dùng Fb cũng không ý thức được tác động của việc mình chia sẻ. Ví dụ đôi khi lập ngôn trên Fb lại quên Fb cũng là đời sống, nói xấu người khác mà được khen hay là sướng, nhưng sau sự hưởng ứng là sự cảnh giác. Một người vạch vòi khuyết tật của sếp, nhưng sau đó thì anh ta khó mà xin được một công việc khác. Những ông sếp bao giờ cũng nhậy cảm, tự hỏi lúc nào mình thành nạn nhân của anh kia. Trong thời gian làm phim, tôi biết có anh diễn viên nhiều lần có tranh chấp với đoàn làm phim, chưa đi đến đâu đều đưa lên Fb, trong khi đáng lẽ chỉ cần gặp nhau giải quyết rất bình thường. Anh ta có thể sướng vì nhiều bình luận tung hô, những người không liên quan đến vụ việc thường dễ dàng kiếm chuyện để làm quà, vì họ có quyền lợi gì đâu. Nhưng sau đó, anh chàng diễn viên được nếm quả đắng. Các đoàn làm phim đều né tránh, họ sợ liên quan đến kẻ dựng chuyện, chuyện bé xé ra to.

Đa số chúng ta không ý thức được việc viết lách trên Fb là thực hành báo chí, thỏa mãn cái tôi, song cũng đang bị kẻ khác lợi dụng. Rõ nhất là vụ Fb dùng thông tin người dùng kiếm tiền, bị lộ danh tính cho bên thứ ba lợi dụng. Zuc, ông chủ của Fb, ra điều trần trước Quốc hội, chỉ cho rằng Fb của anh ta là một dạng dịch vụ thỏa mãn cung cầu, chứ không thừa nhận đó là loại cung cầu có kiểm soát như một quyền lực báo chí.

Zuc đã nhận lỗi, đã hứa sửa. Nhưng hoàn toàn phụ thuộc đạo đức của đội ngũ của Zuc. Và, vô hình chung cho đến nay, tất cả mọi người trên thế giới dùng Fb phụ thuộc sự kiểm soát của Quốc hội Mỹ. Các chính phủ muốn kiểm soát tin tức trên Fb, đều phụ thuộc vào sự hợp tác của Fb. Về mặt này, thực sự là một sự xâm lăng mềm, mà chỉ có nước Trung Quốc đủ sức thay thế Fb bằng một hệ thống tương tự. Chúng ta, những người Việt, nếu không muốn dùng hệ mạng xã hội TQ (với chữ tượng hình), thì nên chấp nhận Fb hiện tại, dù cho nó có Thị phây. Chỉ mong người dùng Phây dần dần nhận ra cái nào là thị phây, cái nào là tin tức, cái nào là kết nối đàng hoàng. Mặt khác, cách kênh thông tin chính thống cũng nên nâng cao độ nhanh nhậy và chính xác, cần chính thức đặt vấn đề cạnh tranh thông tin với Fb, cũng là cách tiêu diệt tin giả trên Fb một cách tích cực nhất, bởi vì nếu báo chí chính thống bỏ trống thì Fb sẽ lấp vào khoảng trống ấy với tin thật và thị phây.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.