| Hotline: 0983.970.780

Thí sinh đau đầu với đề thi đại học môn Vật lý khối A, A1

Thứ Sáu 04/07/2014 , 19:53 (GMT+7)

Đề thi gồm 50 câu, theo các thí sinh, trong số này có những câu rất dễ nhưng cũng có đến khoảng 15 câu cực khó.

Kết thúc môn thi Vật lý chiều 4/7, nhiều thí sinh ra về với vẻ mặt căng thẳng. 

Có mặt tại điểm thi trường Trung học phổ thông Nhân Chính của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều sỹ tử bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng đăm chiêu và lo lắng.

Cầm chiếc điện thoại của bố vội vàng gọi điện về cho mẹ thông báo về kết quả làm bài thi, em Phạm Hoàng Nguyên, (Thái Thụy, Thái Bình) bảo, môn thi Vật lý em làm chưa được như mong muốn.

Theo Nguyên, với 50 câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh cần phải đọc qua một lượt đề để xem phần nào dễ thì có thể làm trước nhằm tích lũy điểm số. Với một số câu tính toán, đòi hỏi kiến thức thì thí sinh cần có sự phân bổ thời gian hợp lý mới có thể hoàn thành bài.

“Toàn bộ kiến thức đề thi đều nằm trong chương trình học trong nhà trường. Phần thi chủ yếu rơi vào nội dung kiến thức lớp 12; trong đó phần quang học, bước sóng, dòng điện xoay chiều đều là những câu hỏi khá khó,” Nguyên nói.

Dù đã được tập dượt trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi thử ở trường và lò luyện thi về môn này, nhưng Nguyên cũng cho rằng, đề thi đại học bao giờ cũng khó “nhằn” hơn và có sự phân chia rạch ròi về học lực thí sinh.

“Em cũng chỉ làm được 2/3 bài thi. Tuy nhiên, lát về, em sẽ đối chiếu với đáp án để tự chấm xem được bao nhiêu điểm. Hy vọng sẽ đúng với đáp án giải đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo," Nguyên chia sẻ.


Các thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bên cạnh đó, cậu học sinh tỉnh Thái Bình này cũng nhìn nhận, với đề này, sẽ không có quá nhiều điểm tuyệt đối vì có khoảng 10-15 câu hỏi khó đủ sức để phân loại thí sinh.

"Chỉ học sinh nào học giỏi, chuyên sâu môn này mới có thể hoàn thành toàn bộ dạng đề thi," Nguyên khẳng định.

Đây cũng là nhận định của các thí sinh tại điểm thi của Đại học Giao thông Vận tải. Em Nguyễn Đăng Dương, học sinh quê Hà Nam tỏ ra khá mệt mỏi sau môn thi buổi chiều không được như ý.

Theo lời Dương, ngay trong câu hỏi đầu tiên, cậu đã thật sự bị "choáng" vì độ khó của đề thi. Một loạt câu hỏi về dòng điện xoay chiều, sóng, dao động cơ vốn là phần khó nhằn nhất trong bộ đề đều xuất hiện ngay từ loạt câu hỏi đầu.

“So với năm ngoái, đề thi khó hơn. Với thời gian trung bình 1,5 phút mỗi câu hỏi thì thí sinh không thể tốn quá nhiều thời gian tính toán, suy nghĩ. Đề thi năm ngoái em giải thử được 8 điểm nhưng năm nay thì chưa chắc được 7 điểm," cậu học sinh quê Hà Nam nói.

Cũng có đánh giá như Dương, không ít sỹ tử dự thi tại điểm thi trường Đại học Giao thông Vận tải cũng có một buổi chiều không mấy suôn sẻ.

Bùi Thế Đạt, một học sinh cùng điểm thi này cho rằng, đề Vật lý năm nay phân chia độ khó, dễ rất rõ ràng.

"Nhiều câu hỏi dễ tới mức chỉ cần đọc đề là nghĩ ra đáp án ngay, thậm chí không cần phần đọc lựa chọn ở dưới. Thế nhưng, phải có tới khoảng 15 câu là rất khó, thậm chí làm nháp tới cả chục phút cũng không chắc sẽ tính toán được," Đạt cho biết.

Bởi vậy, Đạt cũng không giấu, trong số 50 câu hỏi thì em chỉ đủ thời gian làm khoảng 35 câu, 15 câu còn lại cậu khoanh tròn... theo cảm tính một phần vì quá khó, giải không ra, một phần vì hết thời gian.

"Khoa em thi năm ngoái chỉ lấy 17,5 điểm, tức là mỗi môn khoảng 6 điểm. Thế nhưng em chưa chắc môn Vật lý vừa rồi có được 6 điểm không," cậu học trò nhà ở Cầu Diễn (Hà Nội) buồn rầu nói.

Như vậy, kết thúc môn thi Vật lý, thí sinh đã đi được 2/3 chặng đường của đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay. Sáng 5/7, các em sẽ thi môn cuối cùng của đợt này, môn Ngoại ngữ với khối A1 và môn Hóa học với khối A.

Vietnam+

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm