| Hotline: 0983.970.780

Thị trấn nhỏ ngập trong 17.000 tấn rác vì chính sách nhập phế thải ở Malaysia

Thứ Sáu 15/02/2019 , 10:20 (GMT+7)

Malaysia đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu nhựa lớn nhất thế giới, tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn phế thải. Jenjarom, thị trấn nhỏ ở quận Kuala Langat, bang Selangor, đang phải trả giá cho chính sách trên với những hệ lụy về sức khỏe.  

Tình trạng ô nhiễm tại Jenjarom bắt đầu xuất hiện từ mùa hè năm 2018. Hàng đêm, khi kim đồng hồ chỉ 0h, Daniel Tay biết chính xác điều gì sắp xảy đến. Ông đóng cửa, bịt kín cửa sổ. Một lúc sau, căn phòng của Tay ngập trong mùi khét, giống như cao su bị đốt. Tay ho, phổi như quặn thắt.

1141137955
Một nhà máy tái chế nhựa ở Kuala Langat, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: BBC.

Tay đã tìm ra nguồn gốc mùi khét. Đó là các nhà máy tái chế phi pháp lén đốt nhựa. Ông không biết chuyện Trung Quốc trong năm 2017 đã cấm nhập khẩu rác nhựa từ nước ngoài. Bị Trung Quốc từ chối, rác nhựa thế giới – chủ yếu đến từ Anh, Mỹ và Nhật Bản – buộc phải tìm điểm đến khác là Malaysia.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, Malaysia nhập khẩu khoảng 754.000 tấn rác nhựa. Với vị trí gần Port Klang – cảng lớn nhất Malaysia, điểm tiếp nhận hầu hết rác nhựa nhập khẩu, Jenjarom trở thành điểm tập kết lý tưởng. Theo hội đồng bang Selangor, các nhà máy tái chế nhựa bắt đầu nhận thấy họ có thể kiếm lời nhanh chóng từ ngành công nghiệp trị giá hơn 730 triệu USD này. 33 nhà máy trái phép nhanh chóng xuất hiện ở quận Kuala Langat, một số mọc lên gần các đồn điền trồng cọ, số khác nằm gần Jenjarom hơn.

Người dân địa phương phải mất nhiều tháng mới biết đến sự tồn tại của chúng. Đó cũng là lúc các triệu chứng sức khỏe xuất hiện.
 

"Đầu độc từ từ"

“Mùi hôi xuất hiện được một khoảng thời gian rồi trở nên thực sự khó chịu vào khoảng tháng 8 năm ngoái”, Tay nói với BBC. “Tôi bắt đầu thấy không khỏe và ho liên tục. Tôi rất tức giận khi biết nguyên nhân là các nhà máy”.

Rác nhựa thông thường được ép thành khối, sau đó dùng để sản xuất các loại nhựa khác. Do không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế, các nhà máy hợp pháp phải chuyển phần không thể sử dụng tới trung tâm xử lý, đồng nghĩa tốn thêm chi phí. Những cơ sở phi pháp chọn cách “miễn phí” nhưng gây hại cho sức khỏe là chôn hoặc đốt.

214113862
Ông Daniel Tay. Ảnh: BBC.

Ngoo Kwi Hong nói khói từ đốt rác đã khiến bà bị ho nặng, thậm chí ho ra máu. “Tôi không thể ngủ vì quá khét. Tôi giống như một xác sống vậy. Tôi quá mệt mỏi. Sau đó, tôi phát hiện các nhà máy nằm xung quanh nhà – đông, tây, nam, bắc”.

Belle Tan sống cách một nhà máy phi pháp chỉ 1 km. Con trai 11 tuổi của cô đã phải gánh chịu hậu quả đáng ngại. “Con trai tôi phát ban rất nặng quanh bụng, cổ, chân và tay, bong da liên tục, chỉ chạm nhẹ cũng đau đớn. Tôi thấy tức giận và lo cho sức khỏe của con nhưng biết làm gì đây? Mùi khó chịu có ở khắp nơi”.

Hiện chưa rõ những triệu chứng trên có liên quan đến ô nhiễm không khí hay không. Một chuyên gia nói khói từ đốt nhựa có ảnh hưởng nhất định đến hệ hô hấp của họ.

“Đó là một trong những tác nhân gây ung thư”, Tong Yen Wah, giáo sư tại Phòng kỹ thuật hóa học và phân tử sinh học, Đại học Quốc gia Singapore, nói. “Ảnh hưởng còn tùy thuộc vào loại nhựa bị đốt và mức độ tiếp xúc với khói độc. Nếu chỉ tiếp xúc thời gian ngắn, bạn có thể bị khó thở hoặc bệnh về phổi. Nếu tiếp xúc thời gian dài, khả năng ung thư xuất hiện”.

3141138131
Bà Belle Tan con trai. Ảnh: BBC.

Nhiều người trong thị trấn vẫn chưa nhận thức được hoặc thờ ơ với những hệ quả tiềm ẩn. “Họ chỉ nói không khí nặng mùi và vẫn tiếp tục cuộc sống. Họ không hiểu rằng đó là thứ có thể từ từ đầu độc họ”, Tay chia sẻ. 

“Bạn cứ hít thở cho đến khi cơ thể cảm thấy quen thôi”, một người đùa. “Nó có thể tốt cho bạn”.
 

Một bãi rác tạm

Nhà chức trách Malaysia đã đóng cửa 33 nhà máy phi pháp tại Jenjarom. Tại nhiều khu vực, mùi hôi đã biến mất. Chính quyền địa phương đã thu hồi phần lớn trong số 17.000 tấn rác bị bỏ lại, chỉ còn 4.000 tấn tập trung tại một khu đất trống. “Chúng tôi đang xác định xem ai là chủ đất”, Bộ trưởng Nhà ở và Chính quyền địa phương Zuraida Kamaruddin nói.

Bang Selangor đã thử tổ chức bán đấu giá nhưng thất bại. “Không ai muốn mua bởi chúng độc hại”, theo Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Môi trường và Biến đổi khí hậu. Bà Yeo nêu một số giải pháp xử lý sẵn có, khả thi nhất là đưa rác đến một nhà máy xi măng để đốt và sử dụng nhiệt sinh ra cho các nồi hơi. Phương án này khá tốn kém. “Chúng tôi ước tính cần hơn 600.000 USD để chuyển đống rác đó tới nhà máy”.

Vấn đề tái chế nhựa trái phép không chỉ xuất hiện tại mỗi Jenjarom. “Chủ các nhà máy phi pháp thường thuê đất rồi xây một cơ sở rất đơn giản”, Ng Sze Han, thành viên hội đồng bang Selangor, nói. “Khi bị phát hiện, họ chỉ cần rút đi. Chúng tôi xử lý ở chỗ này, họ chuyển đến chỗ khác”.

4141138190
Một đống rác nhựa phi pháp ở Sungai Rambai, thị trấn Jenjarom. Ảnh: BBC

Việc thuê đất cũng rất dễ dàng bởi số tiền họ trả cho các chủ đất rất cao. Một chủ đất nói ông cho một người Trung Quốc thuê với số tiền 12.260 USD/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của một hộ gia đình Malaysia năm 2016 chỉ gần 1.300 USD/tháng. Ông Ng đã nhận được các cuộc gọi từ giới chức bang Johor và Negeri Sembilan thông báo những nhà máy phi pháp bắt đầu xuất hiện trong địa phận của họ. Theo ông, vấn đề tái chế rác nhựa sẽ không được giải quyết hiệu quả nếu thiếu một lệnh cấm đối với vật liệu này nhưng đây là chuyện khó xảy ra.

Bà Kamaruddin nói chính phủ Malaysia đã cân nhắc áp lệnh cấm với nhựa nhưng sau các nghiên cứu, “chúng tôi nhận thấy đây là một ngành kinh doanh tiềm năng với Malaysia”. Thay vào đó, Malaysia nên ra quy định chặt chẽ hơn với các nhà nhập khẩu nhựa, kiểm duyệt kỹ trước khi cấp phép.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.