| Hotline: 0983.970.780

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nền kinh tế

Thứ Ba 12/02/2019 , 13:41 (GMT+7)

Sáng 12/2, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân 2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự sự kiện truyền thống quan trọng của ngành tài chính có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ngành, TP. Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, các thành viên thị trường, các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư tài chính quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, viên chức, người lao động ngành chứng khoán, các nhà đầu tư, thành viên thị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, niềm tin của nhân dân, niềm tin của thị trường, niềm tin xã hội và niềm tin của các nhà đầu tư đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có sự phát triển vững chắc hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam, là nền tảng quý để nước ta tiếp tục bứt phá đi lên.

Thủ tướng cho biết, tối 11/2, ông và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận được bản tin mới nhất của chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế về triển vọng, động lực phát triển Việt Nam trong năm 2019. Hầu hết các chuyên gia các tổ chức kinh tế quốc tế và trong nước đều đưa ra những dự báo tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức trên 6,6%. Ngân hàng Standard Chartered và ANZ, tổ chức tư vấn kinh tế New York nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN và là điểm sáng trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy kinh tế 2019 đạt mức tăng trưởng 7%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có đạt được kết quả hay không là nhờ “chúng ta có tổ chức công việc tốt hay không”, trong đó có việc tổ chức tốt thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, phát triển thị trường chứng khoán nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018.

Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018, đạt 86.000 tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập đến một số hạn chế của thị trường chứng khoán Việt Nam để cùng tìm ra các giải pháp phát triển thị trường, như quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng chưa cao, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán…

Thủ tướng đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân 2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đề nghị nhìn thẳng vào các hạn chế yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt hơn để thị trường chứng khoán sôi động hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn, Thủ tướng mong muốn ngành chứng khoán đi đầu trong thực hiện phương châm “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả).

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, thành viên thị trường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019. Cần tăng cường thể chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong bối cảnh thứ hạng bảo vệ nhà đầu tư thiểu số của Việt Nam trên xếp hạng môi trường kinh doanh của WB chỉ đứng thứ 89/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa tương xứng với thứ hạng 49 về GDP của nền kinh tế và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đồng thời bảo đảm đúng cam kết hội nhập khi thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Trên cơ sở Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và thực hiện đúng lộ trình hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi” trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần ưu tiên khẩn trương xây dựng kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán với các nền tảng công nghệ then chốt như chuỗi, khối dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… coi đây là giải pháp đột phá của ngành tài chính, chứng khoán cùng với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn ngành.

Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, tạo dựng lòng tin cho công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. Tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng, làm cho thị trường chứng khoán gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán” mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhiều người dân không dám đầu tư vào thị trường chứng khoán vì họ không tin đó là một kênh đầu tư đáng tin cậy và an toàn. Thị trường chứng khoán mà chỉ có các nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn thì không bao giờ có thể trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, mà thực sự đây là một thị trường rất an toàn, Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các cá nhân, các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán phải tuân thủ, chấp hành pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Nhân dịp này, cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp ở Hà Nội, Thủ tướng nhìn nhận sự kiện quan trọng này chứng tỏ môi trường đầu tư Việt Nam là tốt, mô hình phát triển Việt Nam là đúng hướng và đặc biệt an ninh an toàn ở Việt Nam là tuyệt vời, đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ thể hiện vai trò quốc tế, làm hết sức mình để hai tiếng Việt Nam vang lên.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm