| Hotline: 0983.970.780

Thị trường phân bón NPK ở ĐBSCL: Hỗn độn không lối thoát!

Thứ Hai 09/06/2014 , 08:25 (GMT+7)

Thị trường phân bón NPK năm 2013 các tỉnh phía Nam chứng kiến sự ngã ngựa, sụt giảm sản lượng của nhiều thương hiệu lớn từng một thời danh tiếng.

* Phân nhái, kém chất lượng tràn lan

THỜI KHÓ CỦA ĐẠI GIA

Thị trường phân bón NPK năm 2013 các tỉnh phía Nam chứng kiến sự ngã ngựa, sụt giảm sản lượng của nhiều thương hiệu lớn từng một thời danh tiếng. Đầu bảng phong thần thuộc về Cty CP Vật tư tổng hợp và phân bón Hóa Sinh, thuộc Tổng cục Công nghiệp - Bộ Quốc phòng, lên sàn chứng khoán với mã HSI.

Theo báo cáo trước đại hội cổ đông, sản lượng sản xuất năm 2013 chỉ đạt gần 40.000 T, bằng phân nửa so với các năm trước và con số lỗ của công ty này lên đến 76 tỷ đồng, chưa kể 10 tỷ lỗ lũy kế.

Đứng sau Hóa Sinh là phân bón 5 Sao, một nhà máy có thiết bị sản xuất NPK đồng bộ và hiện đại công suất 300.000 T/năm, sản xuất được nhiều chủng loại phân bón NPK cao cấp dạng 1 hạt nhưng sản lượng năm 2013 cũng chỉ đạt trên dưới 40.000 T (con số trên chưa được kiểm chứng).

Nhà máy Hiệp Phước của Cty CP Phân bón miền Nam gần như đã mất hẳn thị trường ĐBSCL nên mặc dù đẩy mạnh xuất khẩu nhưng sản lượng vẫn thấp hơn năm 2012 đến 15%. Cty Phân bón Việt Nhật, có công suất thiết bị 350.000 T/năm và hàng chục năm liền sản phẩm của họ có uy tín bậc nhất trên thị trường nhưng sản lượng năm 2013 cũng chỉ đạt 190.000 T, thấp hơn 15.000 T so với năm 2012. Phân bón Đầu Trâu - Bình Điền, đơn vị mạnh của làng phân bón hiện nay tuy không giảm sản lượng nhờ có mức tăng khá ở thị trường Tây Nguyên, nhưng sản lượng tiêu thụ được ở ĐBSCL cũng giảm đến 30%.

NGUYÊN NHÂN

Sự lỗ lã, giảm sút sản lượng của các công ty phân bón NPK hàng đầu đều có chung nguyên nhân – mất, giảm thị phần ở ĐBSCL, trong đó phân cho lúa là chủ yếu. Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng tiêu thụ phân NPK của cả nước khoảng 3,8 triệu T/năm, trong đó riêng Nam bộ là 2,09 triệu T.

Lấy con số 3,4 triệu ha lúa gieo trồng của ĐBSCL nhân với mức phân bón bình quân/ha/vụ mà người trồng lúa ở ĐBSCL sử dụng: 105 kg N – 63 kg P2O5 – 62 kg K2O sẽ thành con số khổng lồ, bởi vậy phân cho lúa ở ĐBSCL là thị phần đầu tiên mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng phải đặt lên hàng đầu.

Miếng bánh thị phần ĐBSCL không những vừa to lại vừa “ngon”. Nông dân ĐBSCL, mà tập trung vào những người trồng lúa, thuộc loại nghèo nhất. Không có tiền tươi, bản tính dễ dãi xuề xòa nên việc mua chịu đã trở thành truyền thống, mà khi đã mua ghi sổ, đợi thu hoạch bán lúa mới trả tiền thì không những quyền lựa chọn sản phẩm chính đáng của họ bị tước đoạt, lại còn phải chịu lãi suất cao.

Mặt khác, không như mía, cà phê, sắn…, người trồng lúa và ngay cả chuyên gia phân bón cũng khó phân biệt được ruộng lúa nào dùng phân 100% chất lượng với ruộng dùng phân 80% chất lượng. Bởi vậy các đại lý phân bón đương nhiên sẽ bán sản phẩm nào mang lại lợi nhuận nhiều nhất và ĐBSCL trở thành nơi có tỷ lệ phân nhái, phân kém chất lượng thuộc loại cao nhất nước, con số ước tính 30% cũng không phải là quá đáng.

“TÁI CƠ CẤU”

Trong một hội nghị khách hàng đầu năm ngoái, tôi nghe 2 đại lý cấp 1 hỏi thăm nhau “ông đã tái cơ cấu chưa?”. Câu hỏi trên được hiểu là – Ông đã tự trộn lấy phân để bán chưa? Việc các đại lý phân bón cấp 1 tự trộn lấy phân, thiết kế bao bì mẫu mã đẹp, đăng ký với cơ quan chức năng để vừa bán phân đơn, phân NPK của những công ty lớn, vừa bán phân của chính họ hiện nay đều phổ biến hết 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ngày 23/4 vừa qua, tôi ghé một cửa hàng bán VTNN ở huyện Mộc Hóa, Long An hỏi mua 20 bao phân chuyên lúa Bình Điền thì được chủ cửa hàng phân trần – Cửa hàng em hiện chỉ còn 2 bao Đầu Trâu, anh lấy gấp quá không kịp đâu, thôi thì anh lấy hàng của Long An đi, giá mềm hơn 15.000 đ/bao. Hóa ra phân Bình Điền chỉ để chưng và làm giá, còn thực chất bán phân khác.

Với lợi thế sẵn hệ thống đại lý cấp 2, quen thuộc hết đường đi nước bước của quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp nên đại lý cấp 1 nào cũng đẩy mạnh “tái cơ cấu”. Ban đầu “tái cơ cấu” là một hình thức cạnh tranh lành mạnh, vì như ST, một đại lý cấp 1 ở Cao Lãnh - Đồng Tháp giải thích – Thực ra việc các đại lý cấp 1 tự trộn lấy phân để bán cũng là chuyện bất đắc dĩ bởi hệ thống phân phối của họ bao năm mới gầy dựng được thì lượng hàng giao được ngày một ít đi do phân kém chất lượng chen vào. Tuy nhiên do sự “dễ dãi” của hệ thống quản lý nhà nước nên chất lượng phân của họ cũng ngày một giảm xuống.

Có bao nhiêu diện tích chuyển từ dùng phân NPK của các nhà máy lớn sang dùng phân công nghệ “cuốc xẻng”? Chỉ tính riêng sản lượng sút giảm của những công ty kể trên đã lên đến trên 200.000 T.

“THỜI CƠ VÀNG”

Chủ đại lý cấp 2 M.T ở Cần Đước, Long An cởi mở: “Lúc này chưa vào vụ nên mới có thời gian nói chuyện với nhà báo, chứ khoảng 10 ngày nữa thì bận lắm vì ngày nào cũng phải tiếp 2-3 công ty. Anh coi, huyện này chỉ có chưa đầy 10.000 ha đất nông nghiệp mà có đến 60 đại lý nên cạnh tranh nhau dữ lắm”. Cần Đước có lẽ cũng là huyện đầu tiên có “Hội tiếp thị” tập hợp đến gần bốn chục người, chuyên nghề tiếp thị, quản lý địa bàn cho các công ty.

Chủ đại lý cấp 2 T.O ở Châu Đức, BR-VT cũng cho biết “Nông dân bây giờ chắc đến tẩu hỏa nhập ma mất, hồ tiêu mới vào vụ chăm sóc chỉ mới 2 tuần mà có đến 3 cuộc hội thảo của 3 công ty khác nhau, thậm chí có công ty còn nài nỉ làm thêm một cuộc nữa”.

“Trăm hoa đua nở”, khó mà thống kê con số chủng loại phân bón hiện đang lưu hành ở ĐBSCL. Không kể các sản phẩm của hàng trăm công ty nhỏ khác, chỉ riêng sản phẩm của các đại lý cấp 1 cũng đã lên đến mấy chục, vì có đại lý còn sản xuất 2 thương hiệu.

Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Đước, Long An có 10 nhãn hiệu phân bón, trong đó có đơn vị không sản xuất hàng của mình mà chuyên gia công cho đơn vị khác. Nói gia công nhưng thực chất là cho thuê thiết bị và lao động với giá 300.000 đ/T. Nói rằng thuê vì nguyên vật liệu đầu vào, bao bì đều được bên thuê chở đến và việc sản xuất nên sản phẩm đạt 70, hay 80% chất lượng như đăng ký hoàn toàn thuộc về người thuê.

Cơ quan quản lý nhà nước hay bất cứ ai trong nghề phân bón đều biết chuyện phân bón kém chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường nhưng hầu như đều “ầu ơ ví dầu”, bởi lẽ Nghị định số 113/2003/NĐ-CP về quản lý phân bón và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 113/2003) đã được thay thế bởi Nghị định 202/2013/NĐ-CP kể từ ngày 01 tháng 2 năm 2014 nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, vẫn đang còn tranh cãi “thế nào là phân bón khác, hợp quy theo chuẩn nào, hóa chất hữu cơ xếp vào loại nào...”.

“Thời cơ vàng” để phát triển phân bón kém chất lượng nghe ra còn dài!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất