| Hotline: 0983.970.780

Thị trường tranh Việt trước nỗi ám ảnh hàng giả, hàng nhái

Chủ Nhật 14/08/2016 , 07:10 (GMT+7)

Lâu nay, nạn tranh giả vẫn tồn tại, nhưng lén lút và mập mờ. Đến khi cuộc triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, thì công chúng mới ngả ngửa cho một thực trang bi đát. 15/17 tác phẩm trong bộ sưu tập “Những bức tranh từ châu Âu trở về” được Hội đồng thẩm định xác nhận là sao chép. 

Còn trường hợp đáng buồn cười hơn là một bức tranh của họa sĩ Thành Chương bỗng dưng bị ký tên Tạ Tỵ để trưng bày trước bàn dân thiên hạ.

Sau khi triển "Những bức tranh từ châu Âu trở về" bị dư luận kêu ca ầm ĩ, họa sỹ Thành Chương đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng. Họa sĩ Thành Chương viết: “Ngày 14-7, tôi phát hiện một bức tranh của tôi có tên là ‘Chân dung cô Kim Anh’ sáng tác khoảng thời gian 1970-1975 đang được trưng bày trong Triển lãm bộ sưu tập tranh mỹ thuật Đông Dương với tên gọi Những bức tranh trở về từ châu Âu của ông Vũ Xuân Chung tại bảo tàng mỹ thuật TP HCM nhưng tên tác giả bị thay đổi thành Tạ Tỵ. Thậm chí tên tác phẩm cũng bị đổi thành ‘Trừu tượng’.

Tôi khẳng định tác giả đích thực và duy nhất của bức tranh này là tôi - hoạ sĩ Thành Chương, không phải của hoạ sĩ Tạ Tỵ như đang hiện trên bức tranh. Tên bức tranh do tôi đặt là ‘Chân dung cô Kim Anh’  chứ không phải là ‘Trừu tượng’. Đồng thời tôi khẳng định tên tác giả "Tạ Tỵ 52" trên bức tranh có tên là ‘Trừu tượng’ hiện nay là giả mạo…

Tôi làm đơn này gửi kèm các chứng cứ kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ và cho giám định các bức tranh nêu trên để có cơ sở xử lý hình sự hành vi làm tranh giả, buôn bán hàng giả lừa đảo người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật”.

08-58-22_trng-33
Họa sĩ Thành Chương

 

Làm sao để thị trường tranh Việt tồn tại trước những nỗi ám ảnh tranh giả, là vấn đề khiến giới mỹ thuật đau đầu. Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh & Triển lãm đánh giá: “Hiện các gallery hoạt động không theo một quy luật nào, và phía sau còn có rất nhiều vấn đề bất cập.

Cho nên để hoạt động của gallery chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, tiến tới phải thành lập hiệp hội, có sự liên kết giữa các garrelly để bảo vệ quyền lợi của nhau, trao đổi thông tin với nhau. Việc này nếu ở nước ngoài thực hiện rất dễ, nhưng ở Việt Nam lại rất khó.

Bởi vì, các gallery đều có những bí mật riêng không muốn cho ai biết. Cũng chính sự tù mù này đã dẫn đến những việc bất cập như tranh giả, sao chép… Từ năm năm trước, theo đề xuất của Cục, Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm đã được thành lập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây chính là mắt xích quan trọng để thị trường phát triển chuyên nghiệp. Thế nhưng đơn vị này gần như không hoạt động được vì nhu cầu xã hội không đến với họ. Có lẽ do người ta chưa nhận thức được sự cần thiết của nó”.

Họa sĩ Nguyễn Quân chia sẻ: “Tôi đã bán gần 400 tranh, tượng (phần lớn trong thập niên 1990), trong đó hơn 90% bán cho bảo tàng, sưu tập và khách vãng lai nước ngoài.

Gần đây ông Thomas Craig ở TP.HCM nói gallery của ông có 25% khách hàng là người Việt. Đó thật là một thành công rất đáng mừng. Mua tranh, sưu tập treo tranh trong nhà, trao đổi mua bán tác phẩm nghệ thuật là một phong cách sống chưa có tiền lệ, chưa có truyền thống ở Việt Nam.

Gây dựng thị trường nghệ thuật chính là gây dựng một lối sống thẩm mỹ, một cộng đồng sở thích và một thái độ ứng xử văn hóa, thậm chí một trách nhiệm văn hóa cho lớp trung lưu bậc cao và nhà giàu. Có máu sưu tầm và có truyền thống buôn bán nghệ thuật nên người Trung Quốc giàu lên là đổ ngay tiền vào nghệ thuật.

Thị trường nội địa bùng nổ chóng mặt áp đặt mặt bằng giá cả và giá trị cũng như khuynh hướng lên thị trường nghệ thuật quốc tế. Từ tình trạng bị thị trường ngoại chi phối, họ đã đảo ngược dòng chảy. Thị trường nội địa của nghệ thuật Indonesia hay Thái Lan cũng đang biến chuyển theo chiều hướng đó. Các nhà sưu tập, nhà buôn tranh bản địa nắm thế chủ động.

Sự định mức giá mua bán cao hay thấp, cũng như xác định giá trị nghệ thuật, ‘thứ bậc’ nghệ thuật dần dần không còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nữa. Một nhà sưu tập tranh của tôi, người Hà Lan sống ở Jakarta, an ủi: Anh phải chờ ba thế hệ nữa mới có giới sưu tập và thị trường trong nước.

Kinh nghiệm Indonesia là thế hệ thứ nhất giải phóng thuộc địa, cướp chính quyền, thế hệ thứ hai củng cố chính quyền; thế hệ thứ ba làm giàu và cho con cái đi học; thế hệ thứ tư giàu và có học mới sưu tập và bảo trợ nghệ thuật. Quả thật sau khi mở cửa, người ta giàu lên, thị trường được kích hoạt, tôi đã nghĩ các sưu tập tư nhân vốn có ở Việt Nam sẽ cất cánh, mở rộng hòa nhịp và cạnh tranh với người nước ngoài vào mua bán.

Nhưng thực sự là tất cả các sưu tập này đều đã bị xóa sổ, do ‘bán đổ bán tháo’ các tác phẩm từng lưu giữ được trong thời đói kém. Không ít các kiệt tác, báu vật đã đội nón ra đi với cái giá mà bây giờ mới thấy là “quá bèo”. Tất nhiên cũng xuất hiện những nhà sưu tập mới nhưng chưa đủ sức bù đắp các sưu tập đã mất đi!”

Hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Sotheby’s và Christie’s đều đánh giá cao triển vọng của tranh Việt nhưng vẫn đưa ra chào hàng khá thận trọng.

08-58-22_trng-32
Hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Sotheby’s và Christie’s đều đánh giá cao triển vọng của tranh Việt (Ảnh minh họa)

 

Năm 2005, Chritie’s đã bán bức tranh lụa “Sắp Tết” vẽ năm 1937 của họa sĩ Lê Phổ với giá 110 ngàn USD. Năm 2006, Sotheby’s bán bức tranh lụa “Hoài cố hương” vẽ năm 1938 của họa sĩ Lê Phổ với giá 300 ngàn USD. Xếp sau Lê Phổ, nhiều họa sĩ thế hệ trường Mỹ Thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… cũng đang được săn lùng trong các phiên giao dịch quốc tế. So với các họa sĩ đương đại trong khu vực, giá tranh của các họa sĩ Việt Nam thấp hơn khi mang ra đấu giá tại Sotheby’s hay Chritie’s.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có nhà đấu giá tranh thì hai địa chỉ danh tiếng ấy góp phần tạo ra cái “chuẩn” để định giá tranh cho các họa sĩ trong nước. Ví dụ, Sotheby’s hay Chritie’s chào hàng khoảng 10 ngàn USD thì họa sĩ Việt có quyền treo giá tranh tại xưởng trên dưới 5 ngàn USD!

Để có tương lai bền vững cho tranh Việt, họa sĩ Nguyễn Quân đề xuất: “Cần hình thành một cộng đồng có nhu cầu mỹ thuật, tiếp cận được nghệ thuật trước hết để trang trí cho các bất động sản cao cấp của họ, thay vì mua các bản chép và đồ lưu niệm. Người giàu đi du lịch, mua sắm đồ xa xỉ, tham gia các lớp học giao tiếp ứng xử cho ‘quý phái’, tập chơi đàn piano và nghe nhạc cổ điển…, sao không có các CLB nghệ thuật dành cho họ. Cũng cần các CLB cho các nhà sưu tập tiềm năng khởi sự. Thuyết phục lớp mới giàu tiêu dùng nghệ thuật là một quá trình giáo dục nghệ thuật, phát triển văn hóa gian nan.

Đã có vài lần tôi được ‘đại gia’ mời tư vấn về việc mở gallery, mua bán tranh tượng làm sưu tập song việc nhắm vào lợi nhuận trước mắt, không tự tin trong thẩm định nghệ thuật, không ý thức được trách nhiệm văn hóa, và không biết cách gây dựng, vận hành công việc một cách chuyên nghiệp khiến việc hình thành bảo tàng, sưu tập tư nhân của họ bất thành hoặc chỉ mang tính nhỏ lẻ, ăn xổi.

Có lẽ cần có sự hỗ trợ của nhà nước về pháp lý, chủ trương và sự hỗ trợ của các nhà thương mại nghệ thuật chuyên nghiệp về chuyên môn. Thiết chế nhà nước cũng chưa trao trách nhiệm văn hóa cho họ nên không kích hoạt được thị trường này”.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất