| Hotline: 0983.970.780

'Thiên đường' giữa biển khơi - Những chuyện chưa kể

Thứ Sáu 13/01/2023 , 06:30 (GMT+7)

Cảnh sắc hoang sơ, tuyệt đẹp, những con người chân chất, thật thà, những câu chuyện lịch sử hay giai thoại đậm chất nhân văn, cũng đẹp không kém. Nói 'thiên đường' thật chẳng ngoa!

Ở đó, còn có những phong tục, tập quán thú vị, hội tụ từ 3 nền văn hóa Chăm, Hoa, Việt. Đó là hòn đảo có cái tên rất đẹp: Phú Quý, thuộc tỉnh Bình Thuận.

Chuyện của tiền nhân

Ngay ngày đầu tiên bước chân lên đảo Phú Quý, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện lạ.

Một mũi đảo nhô ra biển, nhìn từ trên cao có hình dáng đuôi con rồng, nơi có một và đền thờ Thầy Sài Nại. Ảnh: Phúc Lập.

Một mũi đảo nhô ra biển, nhìn từ trên cao có hình dáng đuôi con rồng, nơi có đền thờ thầy Sài Nại. Ảnh: Phúc Lập.

Đảo Phú Quý có diện tích chỉ hơn 17km2, nhưng dân số hiện nay vào khoảng 30 ngàn người. Vào dịp cuối tuần, đảo đón thêm cả ngàn khách du lịch nhưng không vì thế mà ồn ào, xô bồ. Và, theo công dân "thổ địa" tên Thắng thì xưa giờ chưa xảy ra chuyện mất an ninh trật tự trên đảo.

Buổi tối, tôi theo Thắng đến khu vực trung tâm huyện đảo Phú Quý, trên các con đường chính như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, khá nhiều quán ăn, cà phê đèn điện sáng trưng, tấp nập khách. Bãi xe cách khá xa nơi ăn uống, hàng trăm xe máy các loại dựng san sát, nhưng không có người trông giữ như đất liền. “Đây là trung tâm huyện, náo nhiệt nhất, nhưng cũng khoảng 10 giờ là mọi người về hết. Không có kiểu nhậu thâu đêm, trước giờ cũng chưa xảy ra chuyện ẩu đả ở quán nhậu bao giờ. Xe cộ nếu không muốn mang về thì cứ để đó, chẳng ai đụng đến”, Thắng nói.

Rời khu vực trung tâm huyện đầy ánh đèn, Thắng chở tôi đi một vòng ra con đường ven biển. Đến bãi Triều Dương, một trong những điểm được người dân trên đảo và khách du lịch thường lui tới, vẫn chưa có đèn chiếu sáng. Nhưng từ đèn xe, tôi thấy hàng chục chiếc xe máy dựng san sát trên lề đường. Ngoài bãi cát sát biển, cách khoảng 500m, thấp thoáng những nhóm người đang ngồi hóng gió, vừa ăn uống và hát hò. Tiếng nhạc từ loa di dộng hòa lẫn tiếng rì rào của biển.

Ban đêm, trên các con đường ở Phú Quý, chỗ nào cũng bắt gặp những bãi xe

Ban đêm, trên các con đường ở Phú Quý, chỗ nào cũng bắt gặp những bãi xe "vô chủ" thế này, nhưng chưa bao giờ mất trộm. Ảnh: Phúc Lập.

Sáng hôm sau, tôi đến Đền thờ Công chúa Bàn Tranh. Sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ bậc tiền hiền, tôi ngồi nói chuyện với người quản đền là ông Văn Chỉm, 69 tuổi, và thắc mắc chuyện “trên đảo chưa từng mất trộm, xe khỏi cần trông”, ông Văn Chỉm giải thích: Có lẽ đó là một trong những truyền thống tốt đẹp nhất trên đảo có từ thời Bà Chúa. Bắt nguồn từ câu chuyện “người sinh tà ý không thể tồn tại”.

Chuyện kể, sau khi bà Chúa tạo lập được cuộc sống bình yên, ổn định, thì có một nhóm người muốn “làm phản”, họ thu giữ tài sản của nhiều người làm của riêng, sau đó ép mọi người theo họ. Nhưng không ai nghe. Đồng thời, nghe lời Bà Chúa, họ không đòi lại tài sản đã bị lấy đi. Những người này sau khi biết không thể làm gì, định bỏ đi. Bà Chúa nghe tin, vội sai người đến khuyên can, nhưng đến nơi thì họ đã chất tài sản lên ghe giong buồm ra khơi rồi. Bà vội cho một nhóm ngư dân khỏe mạnh lên thuyền đuổi theo để khuyên họ quay về, vì sắp có giông bão, ghe nhỏ lại chở nặng, khó bảo toàn tính mạng. Quả nhiên, đoàn thuyền của nhóm người này đi không bao lâu thì giông bão nổi lên, ghe của họ lật úp. Nhưng may mắn là cả nhóm người được cứu sống.

SS21_17134

Ông Văn Chỉm: "Chuyện yêu thương, đùm bọc nhau và không tham của người khác có từ thơi Bà Chúa, cách nay hàng trăm năm". Ảnh: Trần Thắng. 

Quay về đảo, họ gặp Bà Chúa, quỳ xin tha tội. Bà không xử phạt, chỉ khuyên họ rằng, lòng nhân hậu, nhân cách con người mới khó có, chứ từ 2 bàn tay trắng, ta vẫn làm ra của cải đó thôi. Cũng từ đó, không còn bất cứ ai sinh tà ý, tham lam cái không phải của mình nữa. Cho nên, phước đức người dân đảo hưởng hôm nay, đều do tiền nhân để lại cả.

“Theo tôi tìm hiểu thì truyền thống yêu thương, đùm bọc nhau của người dân đảo có từ thời Bà Chúa. Khi bị đày ra đảo, trước cảnh hoang vu, không có sự sống, ai nấy đều bi quan. Để tồn tại và lo cho đoàn tùy tùng hàng trăm người, từ một nàng Công chúa quen sống trong nhung lụa, Bà đã “lột xác” thành một người mạnh mẽ, trở thành thủ lĩnh tinh thần của họ. Năm tháng qua đi, khó khăn vơi dần, họ trở thành một gia đình không chỉ mạnh mẽ, mà còn tràn đầy tình yêu thương”, ông Văn Chỉm.

Chuyện những chiếc gùi

Ngày thứ ba ở đảo, tôi được Thắng dẫn đến nhà ông Trần Văn Thinh, 79 tuổi, ở thôn Phú Long, xã Long Hải, nguyên cán bộ xã nghỉ hưu, một trong những người có nhiều tài liệu sưu tầm về văn hóa, lịch sử nhất về đảo.

Tại đây, tôi không khỏi ngạc nhiên khi tình cờ nhìn thấy những chiếc gùi xếp ngay ngắn ở góc thềm. Bởi xưa giờ tôi chỉ thấy những vật dụng ở vùng Tây Nguyên chứ chưa thấy ngoài biển. Thấy tôi lại gần ngắm nghía, tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Thinh nói: “Không biết gùi có từ khi nào, nhưng tôi sinh ra đã thấy. Nó là một trong những món đồ thân thiết, gắn liền với cuộc sống của người dân đảo. Dù bây giờ cuộc sống không còn lạc hậu, có nhiều phương tiện vận chuyền, nhưng gùi vẫn là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cho nên mới có câu thơ vui "Người dân trên đảo rất vui/ Đi đâu cũng có cái gùi trên lưng”, ông Thinh nói, trong khi 2 bàn tay mân mê chiếc gùi.

DSC01491

Từ lâu, những chiếc gùi của gia đình ông Trần Văn Thinh đã ít dùng đến, nhưng vẫn được ông bảo quản rất kỹ. Ảnh: Phúc Lập.

Gùi của người dân Phú Quý được đan bằng tre, mây. Đáy hình vuông với khung chắc chắn, phần miệng tròn và mở rộng. Dây đeo được làm từ những sợi cật tre to bản, hoặc 2 đoạn dây thừng ghép song song, sau đó bện một lớp sợi mây bên ngoài thành một quai đeo to để không bị đau vai. Chiếc gùi to nhất dành cho đàn ông khỏe mạnh, từ đáy lên miệng cao khoảng 40cm, có thể chứa được bao gạo 50kg. Còn gùi cho phụ nữ nhỏ gọn hơn. Để làm một chiếc gùi, mất từ 4 - 5 ngày. Khó nhất là phần đáy gùi, vì đây là bộ phận chịu lực, nên phần khung đáy phải đều, bằng phẳng để khi chứa đồ nặng mà đặt xuống đất không bị đổ, ngã.

Ông Thinh nói, chiếc gùi không chỉ gắn bó hàng ngày với người dân trên đảo, mà còn chu du vượt biển vào tận đất liền. “Vào đất liền làm gì chú?”, tôi hỏi. “Trên đảo không trồng được lúa, vì đất toàn đá, lại không có nước, nên ngày xưa lương thực chính là khoai, sắn, bắp. Gạo phải mua ở đất liền hoặc tàu buôn mang ra bán. Thời ông bà, mỗi khi trong đất liền thu hoạch lúa, người dân đảo lại rủ nhau vào đất liền mót lúa. Nhưng chủ yếu là phụ nữ, vì đàn ông đi biển hết rồi. Vào đó, mỗi người đeo trên lưng 1 chiếc gùi, người lớn gùi to, trẻ con gùi nhỏ, theo sau thợ cắt lúa, nhặt những bông, hạt lúa rơi vãi hay cắt sót. Sau khoảng 1 tháng, số lúa mót được mang đi xay thành gạo, chất lên gùi mang ra đảo”.

DSC01465

Những chiếc gùi này từng một thời theo người dân đảo Phú Quý vượt biển vào đất liền mót lúa. Ảnh: Phúc Lập.

“Người dân đảo vốn hiền lành, phát âm rất khó nghe, nên vào đất liền thường kiệm lời, cứ cặm cụi làm. Còn người đất liền, thấy dân đảo chất phác, chăm chỉ lại dè xẻn, tiết kiệm, họ rất quý. Sau một ngày mót lúa trên đồng, dân đảo tỏa đi các nhà dân xin nước tắm, giặt, nghỉ ngơi. Mùa gặt năm sau, họ lại vào mót lúa, mang theo những sản vật biển vào biếu tặng, hoặc bán rẻ. Tình cảm giữa người dân đảo và đất liền cứ thế vun đầy…”, ông Trần Văn Thinh.

Ly kỳ chuyện “Thượng Kinh ký sự”

Ngoài những câu chuyện, những nhân vật đậm tính truyền thuyết, có một câu chuyện nổi tiếng xảy ra cuối thế 19, về một người được cư dân đảo hết lòng tôn kính. Đó là bậc tiền hiền Bùi Quang Diệu, sinh năm Tân Dậu (1861) tại thôn Phú Mỹ, xã Ngũ Phụng.

Thời ấy, cuộc sống của người dân đảo Phú Quý (khi đó còn gọi là Hòn) vô cùng cơ cực, ngoài thiếu thốn vật chất, thiên tai, họ còn phải đối mặt với nhân tai. Đó là tình trạng sưu cao thuế nặng của triều đình nhà Nguyễn. Có 3 loại thuế người dân Hòn phải nộp là vảy đồi mồi, mắm cá cơm và vải bố Hòn (còn gọi là bạch bố). Trong 3 loại thuế này, đáng sợ nhất chính là thuế vảy đồi mồi. Bởi để lấy được đồi mồi, ngư dân phải ra tận hòn Vích, lặn sâu hàng chục mét. Rất nhiều ngư dân vì đi lấy đồi mồi đã không bao giờ trở về được nữa.

Giữa lúc người dân Hòn rên siết vì các sắc thuế thì bất ngờ một chiếc tàu của quân Pháp tấp vào đảo, bắt 50 thanh niên trai tráng lên tàu đưa đi làm phu. “Con giun xéo lắm cũng oằn”, ông Bùi Quang Diệu quyết định tập hợp người dân họp bàn tìm cách đối phó. Sau cùng, họ quyết định ra kinh để kiện. Ông Diệu vốn giỏi chữ nghĩa, tháo vát lại giỏi tranh biện, nên được cử dẫn đoàn đi kiện. Ông tập hợp một nhóm những đàn ông khoẻ mạnh, cùng lên ghe giong buồm thượng Kinh. Đó là năm 1901.

SS21_15122

Ông Thinh là một trong số những "cây đại thụ" về văn hóa, lịch sử của đảo Phú Quý. Trong ảnh, tác giả đang đọc tập thơ chép tay "Vè đi Kinh" nổi tiếng của ông Bùi Quang Diệu và nghe ông Thinh "phân tích" bài thơ. Ảnh: Trần Thắng.

Sau 4 tháng ròng rã trên biển, đoàn của ông Diệu đã ra đến Kinh. Từ đây, tiếp tục những ngày đấu trí, tranh biện và thuyết phục không mệt mỏi. Cuối cùng, trước sự kiên trì và những lập luận “thấu tình, đạt lý” của ông Diệu, triều đình đã chấp nhận bãi bỏ các sắc thuế nặng nề, đồng thời gửi công hàm yêu cầu người Pháp phải trả lại những tráng đinh đã bị họ bắt. Ông Diệu trở thành người hùng của người dân Hòn.

Trở về đảo, ông Diệu đã kể lại toàn bộ chuyến thượng kinh khiếu kiện bằng một bài vè, lấy tên là “Vè đi kinh”, gồm 1.282 câu bằng chữ Nôm, theo thể lục bát. Bài vè mô tả chân thực, sống động về hành trình “thượng kinh” này.

Bài vè mở đầu: “Tháng sáu, mồng ba, ngày dần/ Bổn điền nhóm lại lạy thần ra đi/ Thuyền vào La Gàn một khi/ Đi qua Thương Chánh xin ghi cho rồi/ Các chức thôi mới than ôi/ Xin ghi đã rồi ta liệu mần răng/ Bây giờ phải kiếm cơm ăn/ Mua sắm mắm gạo vậy thời đem theo”…

Ra đến kinh, đoàn khiếu kiện thăm dò đường đi nước bước đặng tiếng kêu oan đến tai thiên tử: “Đoái nhìn thấy lố thành đô/ Mênh mông thế giới biết vô hướng nào/ Bây giờ kiếm quán ta vào/ Hỏi thăm cho đặng người nào làm quan/ Cùng nhau đương nói đương bàn/ Quán nhơn mới hỏi việc làng đi đâu/ Đáp rằng tầm lá vạch sâu/ Hỏi thăm quan lớn tới hầu việc dân/ Chúng tôi đã có thuế thân/ Lại còn bắt lính bắt dân làm đàng/ Cho nên tách dặm băng ngàn/ Hỏi thăm ông quán nhà quan chỗ nào/ Quán nhân nghe nói âm hao/ Như kim châm dạ như dao cắt lòng/ Bây giờ tỏ nỗi đục trong/ Chỉ đường làm phước giấu lòng mà chi…”.

Kinh thành Huế tráng lệ được bài vè ghi lại bằng câu: “Đông Ba, Gia Hội hai cầu/ Có chùa Diệu Đế một lầu bốn chuông”.

Lão ngư Ngô Văn Chức, năm nay 81 tuổi, không chỉ thuộc lòng bài

Lão ngư Ngô Văn Chức, năm nay 81 tuổi, không chỉ thuộc lòng bài "Vè đi Kinh" mà còn có thể ngồi kể cả ngày về những giai thoại, truyền thuyết, lịch sử của đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Người kinh kỳ trong mắt dân xứ Hòn (Phú Quý) được miêu tả: “Nam thanh nữ tú thấy xinh/ Chạnh lòng nghĩ tới gia đình khôn nguôi/… Người Kinh tiếng nói thanh thanh/ Hình dung thanh nhã xứ nào dám đương/ Thấy người nhan sắc mà thương/ Vấn vương chưa đặng vấn vương mối hồng…”.

Vào triều đình, đoàn người bẩm báo: “Chúng tôi ở huyện Tuy Phong/ Tỉnh là Bình Thuận ở trong đất liền/ Chúng tôi thôn ở ngoài duyên/ Hướng về hải đảo là miền hòn Lao”. Bài vè cũng đã tố cáo nạn hối lộ ngay ở cửa kinh lúc bấy giờ: “Thầy đội vừa nói vừa cười/ Rằng ai khéo chỉ các người tới đây/ Muốn cho lo đặng việc này/ Bạc lo cho sẵn đem đây trăm đồng”. 

Đoạn kết tác phẩm “Vè đi Kinh” không phải kể công thắng lợi, mà là nỗi niềm về người ở nhà trông mong, lo lắng, và nghĩ đến chuyện cúng tạ thần linh đã phù hộ trước khi trở về: “Trông cho mau sáng ngày ra/ Nhờ ơn bóng hạt kẻo mà lạnh thay/ Mẹ cha con vợ có hay/ Ra đi tính tháng tính ngày mà trông/ Có khi làm cánh làm đồng/ Làm dò làm quế chẳng không đâu là/ Sợ bề một nỗi ở nhà/ Chẳng nghe tin tức lo mà đặng không/ Gối loan nằm dựa mà trông/ Từ ta rời gót như rồng lên mây/ Dường như dao cắt ruột này/ Trong lòng bứt rứt như dây buộc mình/ Sáng mai đi chợ Bao Vinh/ Mua đồ trả lễ thần linh cho rồi/ Cùng nhau đương nói một hồi/ Trả lễ đã rồi ta kíp nhổ neo/ Xét ra nhiều lúc hiểm nguy/ Thân ta thất thế như bèo trôi sông/ Buông lời vái hết cá Ông/ Thuận buồm xuôi gió nước ròng ta ra”...

Di sản văn hóa đa tầng

Những ngày lưu lại trên đảo Phú Quý, tôi may mắn gặp được những “tiền bối” như ông Trần Văn Thinh, Ngô Văn Chức (hai Chức) 81 tuổi, Đỗ Đình Cu (Hai Cụ), 82 tuổi, Văn Chỉm, ông Trần Thanh Phong, 67 tuổi…, mỗi người họ có những kiến thức, hiểu biết khác nhau về văn hóa, lịch sử của đảo. “Sinh động, phong phú”, tôi chỉ biết thốt lên như thế.

Hàng năm, tại các làng trên đảo diễn ra rất nhiều lễ hội  như Lễ giao phiên kỵ Thầy Nại, Lễ cầu ngư, Lễ tế thu; lễ xuân cầu thu tế tại các đình, chùa, đền, lăng, vạn vào tháng giêng, tháng hai, tháng bảy, tháng tám. Trong ảnh: Lễ rước cờ của làng Thương Hải, xã Ngũ Phụng. Ành: Phúc Lập.

Hàng năm, tại các làng trên đảo diễn ra rất nhiều lễ hội  như Lễ giao phiên kỵ Thầy Nại, Lễ cầu ngư, Lễ tế thu; lễ xuân cầu thu tế tại các đình, chùa, đền, lăng, vạn vào tháng giêng, tháng hai, tháng bảy, tháng tám. Trong ảnh: Lễ rước cờ của làng Thương Hải, xã Ngũ Phụng. Ành: Phúc Lập.

Ngay từ thuở sơ khai, cách đây hàng ngàn năm, đảo Phú Quý đã có người nguyên thủy sinh sống. Bằng chứng là những công cụ lao động như rìu, cuốc, đục... do người dân phát hiện sau này. Giới khảo cổ học đã xác định những dụng cụ này có niên đại trên dưới 3.000 năm.

Đến thời văn minh, những cư dân đầu tiên đặt chân lên đảo là người Chăm. Đó là câu chuyện bi thương về nàng Công chúa Bàn Tranh, vì tình yêu mà trái lệnh cha nên bị đày ra đảo. Đối mặt với vô vàn gian nan, bằng nghị lực phi thường, Bà đã mạnh mẽ vượt qua, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cư dân đi theo bà, biến hòn đảo hoang vu này thành nơi đáng sống. Những di tích người Chăm để lại ngày nay như Đền thờ công chúa Bàn Tranh, giếng cổ, khu ruộng cổ, ao nước… không chỉ làm phong phú nền văn hóa đa sắc, mà còn mang giá trị tinh thần, tâm linh rất lớn đối với cư dân đảo.

0E7A1456

Trẻ em trên đảo Phú Quý hôm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Vào khoảng đầu thế kỷ 17 năm, người Việt ở vùng ven biển miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, bắt đầu Nam tiến theo đường biển. Đảo Phú Quý nằm trên hành trình này, và có thể vô tình hoặc vì lý do nào đó, họ đã dừng chân trên đảo, sau đó ở lại lập nghiệp.

Nét văn hóa vật chất của người Việt trên đảo vô cùng phong phú với hệ thống những ngôi chùa rải rác khắp đảo. Trong đó, nổi tiếng nhất là di tích Quốc gia chùa cổ Linh Quang. Ngoài ra, hệ thống đền thờ Ông Nam Hải không chỉ rất nổi tiếng, linh thiêng, mà còn mang giá trị văn hóa ngư nghiệp của cư dân vùng biển rất lớn.

Cũng thời điểm này, người Hoa bắt đầu xuất hiện trên đảo Phú Quý. Khi đó, tại Trung Quốc, sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, một số quan lại nhà Minh thất bại trong phong trào “Phản Thanh”, bị nhà Thanh truy sát, phải tha phương trốn chạy, lưu lạc khắp nơi. Được nhà Nguyễn cho phép, một bộ phận lớn người Hoa đã “chạy nạn” sang Việt Nam bằng đường biển rồi dừng chân ở Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên... và đảo Phú Quý. Di sản văn hóa của người Hoa trên đảo Phú Quý hiện nay nổi bật nhất là khu mộ - đền thờ thầy Sài Nại là một trong những điểm thờ tự linh thiêng nhất của người dân đảo.

Nụ cưới thiếu nữ Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Nụ cưới thiếu nữ Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Dù có ít nhất 3 nền văn hóa hội tụ trên hòn đảo nhỏ này, nhưng, sau hàng trăm năm, sự khác biệt, ranh giới về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng giữa các dân tộc không còn. Không những thế, còn giao thoa, hòa nhập và trở thành nét văn hóa, tập tục riêng, độc đáo của đảo.

Mặc dù chỉ có diện tích tự nhiên hơn 17km2, nhưng Phú Quý có đến 35 di tích đủ các loại hình, nhiều nhất trong hệ thống đảo, quần đảo Việt Nam và cả đơn vị hành chính cấp huyện ở đất liền. Di sản văn hóa phi vật thể trên đảo cũng vô cùng phong phú với rất nhiều lễ hội trong năm.

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.