| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 14/12/2019 , 07:10 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:10 - 14/12/2019

Thiên mệnh trớ trêu hay nước mắt người giàu?

Sau 4 ngày xét xử, phiên tòa phúc thẩm vụ ly nghìn tỷ giữa nhân vật sở hữu thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã đi đến kết quả.

08-54-36_dlnv_-_le_hong_diep_tho
Vợ chồng ông Vũ - bà Thảo.

Đó là: phủ quyết hầu hết những kháng nghị từ phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng như ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tinh thần cơ bản của bản án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên.

Tòa phúc thẩm đưa ra những mấu chốt: chấp nhận ly hôn thuận tình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. 4 đứa con chung do bà Lê Hoàng Diệp Thảo nuôi nấng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng.

Đối với tài sản, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được toàn quyền sở hữu cổ phần chung tại Trung Nguyên, tương đương tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được sở hữu toàn bộ tiền, vàng, ngoại tệ trong ngân hàng do bà Thảo quản lý, khoảng hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có trách nhiệm hoàn lại cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo 1.510 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để thay đổi tên, thành viên trong các công ty Trung Nguyên.

Dường như đã đoán được những thông tin mà hội đồng xét xử sẽ đưa ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vắng mặt tại buổi tuyên án. Luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, thân chủ của mình sẽ kháng cáo giám đốc thẩm. Bởi lẽ, mục tiêu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo không phải phân chia tài sản mà chủ yếu “cứu chồng, cứu Trung Nguyên”. Bằng những lập luận dựa trên chứng cứ pháp lý và quyền lợi dân sự của thân chủ, 6 luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nêu nhiều lý do mà họ không hài lòng về phiên tòa phúc thẩm.

Một câu chuyện nổi cộm ở phiên tòa phúc thẩm chính là sức khỏe tâm thần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đặc biệt, gần đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ tuyên bố đã hoàn thành cuốn sách có cái tên dài dòng và cầu kỳ "Kiến tạo dân tộc siêu việt, dân tộc minh triết, dân tộc trung tâm, dân tộc thiện lành và trách nhiệm toàn diện với toàn thể nhân loại còn lại" có tầm vóc “kinh của mọi kinh, học thuyết của mọi học thuyết, khoa học của mọi khoa học” khiến giới tri thức phải bàng hoàng.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trình bày: “Để phiên tòa có thể tiếp tục thì cần phải có kết luận giám định năng lực hành vi dân sự của anh Vũ. Anh Vũ hiện nay luôn cho rằng anh đã trở thành một người có năng lực siêu nhiên, trên cả Thượng đế, có thể hô mưa gọi gió, đọc được suy nghĩ của người khác, bỏ bê gia đình và công ty để lên núi sống trong hang 6 năm nay.

Tôi đã yêu cầu Tòa án nhân dân quận 3 TP. HCM trưng cầu giám định năng lực hành vi dân sự, nhưng anh Vũ không chịu đến gặp Hội đồng Giám định để kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, ngày hôm nay, trong phiên tòa này, một lần nữa tôi xin đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành giám định tâm thần đối với chồng tôi, để tìm ra biện pháp cứu chữa kịp thời cho một công dân, tránh để mọi việc quá muộn”.

Không chấp nhận giám định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: “Sống ở đời phải có cái tâm, làm người phải có cái tâm và vợ chồng càng phải có vậy. Mình đi ra ngoài mình nói với công luận, chứ ứng xử bên trong nó cũng phải như vậy. Những người mà tâm thần giống qua thì đất nước này phải nhiều người tâm thần như vậy. Hiểu biết nhiều hơn người thường thì cũng đâu có tội gì". 

So với không khí giằng co ở phiên sơ thẩm, thì cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều nới rộng biên độ công kích đối phương ở phiên tòa phúc thẩm. Họ dùng những ngôn từ mạnh mẽ hơn, thậm chí nhiều phẫn nộ hơn khi nhắc đến đối phương.

Trước khi khai mạc phiên tòa phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã lên mạng tố cáo ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chịu về nhà lo tang sự cho cha ruột qua đời vào đầu năm 2017.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kể rất chi tiết: “Tôi lên M’Drak vất vả vô cùng, đến nơi thì trời tối đen mù mịt. Tôi hy vọng nhân lúc này đón được anh về, để anh chít khăn tang và hiểu trách nhiệm làm con với người cha của mình, và cũng để giúp anh tỉnh ngộ, khỏi bệnh. Gần đến nơi thì có tốp bảo vệ chặn ngay trước xe, không cho tôi vào.

Tài xe của tôi bước xuống khuyên can nhưng không được. Họ còn đưa mấy con becgie to lớn ra để hù dọa, ngăn tôi gặp anh. Tình thế lúc đó buộc tôi chỉ còn cách gọi điện cho anh, nhưng anh không bắt máy. Tôi nhắn tin anh cũng không hồi âm… Sau hơn 30 phút chờ đợi giữa đêm tối M’Drak, tôi buộc phải trở về mà lòng buồn vô hạn”.

Và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không ngần ngại kết luận đanh thép: “Giờ chồng tôi như người cõi trên, không còn xem cha mẹ, vợ con là người thân nữa. Một loạt các câu hỏi cứ xoay quanh trong đầu tôi, vì sao anh từ một người cha tốt, người chồng tốt, người con tốt trong gia đình lại thay đổi hoàn toàn như vậy.

Tôi từng nghĩ anh bị ma nhập để sử dụng thân xác anh hay thậm chí đó là anh Vũ giả, không phải là chồng tôi. Người đàn ông này bất hiếu với cha và bất nghĩa với vợ con của mình”.

Ngược lại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không thừa nhận cũng không phủ nhận những sự việc đã được bà Lê Hoàng Diệp Thảo công khai, mà chỉ biện giải bằng sự giận dữ: “6 năm nay qua không bao giờ nói, buộc khi ra tòa nói tới nói lui qua phải trả lời. Qua không muốn nhắc tên người phụ nữ này, gia đình qua cũng vậy. Đi ra nói qua bất hiếu, bất đồ. Cô ấy không bao giờ được phép nói đến người cha của qua, đến gia đình của qua như vậy, không bao giờ được phép”.

Nụ cười của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm cho thấy Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên rất hài lòng với những gì đã xảy ra.

Người đàn ông 48 tuổi rất thích tự xưng “qua” này đầy lạc quan sau khi giành được quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của thương hiệu cà phê số một Việt Nam: “Qua muốn nói với người vợ của qua một điều, cái gì mà mình làm trái với đạo lý, trái với lòng người, trái với lòng trời thì giờ có dùng thủ đoạn, mưu đoạt gì, tiền, quyền cũng không thể đạt được. Đó là điều qua muốn nhắn với cô.

Để bảo vệ nguyên tắc của một người chồng, những gì cần thiết để bảo vệ thì cô có dùng mọi thứ đi nữa, có thể đưa vô nhà thương điên, vô tù đi chăng nữa, phá nát Trung Nguyên đi nữa qua cũng phải bảo vệ. Nay người ta tuyên đấy, từ sơ thẩm nữa là đúng với đạo lý thôi.

Pháp lý luôn luôn có đạo lý của nó. Lời cuối qua muốn nói với cô ấy là phải tu tâm đi, phải sám hối những gì cô đã làm. Vì tiền, không phải vì gia đình qua không có thiếu tiền, cô cũng không có thiếu tiền. Sống ở đời phải có lương tri, có nghĩa, có tình. Cái đó mới quan trọng.

08-54-36_dng_le_nguyen_vu
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa.

Hôm nay cô ấy vắng mặt chắc lại chuẩn bị một chiến dịch truyền thông khác nữa. Cái sự tôn nghiêm pháp luật với cô ấy không còn. Qua không bao giờ muốn nói chuyện với cô ấy, không bao giờ muốn nhắc lại cái tên đó nữa. Đây là lần cuối qua nói, giống như 6 năm nay cô muốn nói gì cô nói, qua không bao giờ nói. Qua sống rất tốt với cô, sống thiện lành với cô”.

Khi bắt đầu thiền định nhịn ăn 49 ngày rồi khẳng định nhận được “thông linh” từ “đấng tối cao”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã công bố một bản thảo có tên là “Thiên mệnh Việt”. Bây giờ, công chúng chỉ thấy “thiên mệnh” dành cho Trung Nguyên hơi bi đát. Ở tập đoàn cà phê có một chức danh rất kỳ lạ là “giám đốc chữa lành”, nhưng vết thương mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang hứng chịu thì làm sao “chữa lành” thực sự?