| Hotline: 0983.970.780

Thiên tai kỷ lục 2017 và 9 giải pháp ứng phó 2018

Thứ Hai 01/01/2018 , 07:01 (GMT+7)

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2017, bão đi vào biển Đông với số lượng ở mức kỷ lục (15 cơn bão và 6 cơn ATNĐ), trong đó có 5 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam...

* Số lượng bão, ATNĐ năm 2018 có khả năng nhiều hơn so với TBNN

Năm 2017, thiên tai đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều loại hình với cường độ hầu hết ở mức kỷ lục. Đặc biệt, xu thế thiên tai cũng ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật khi có 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ; mưa lớn trái mùa tại miền Bắc làm hồ Hòa Bình lần đầu tiên phải xả cấp tập 8 cửa xả đáy trong thời gian chưa đầy 1 ngày... Dự báo, năm 2018, diễn biến của thiên tai tiếp tục khó lường.

13-39-27_thien_ti1
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề trong năm 2017

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2017, bão đi vào biển Đông với số lượng ở mức kỷ lục (15 cơn bão và 6 cơn ATNĐ), trong đó có 5 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam. Trong số này, đặc biệt nghiêm trọng có hai cơn bão số 10 và số 12 cường độ rất mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực Trung Bộ. Mưa lớn kéo dài từ giữa tháng 6 đến tháng 10, đặc biệt là mưa lớn trái mùa giữa tháng 10 làm lưu lượng về các hồ tăng cao đột ngột (có thời điểm về hồ Hòa Bình đến 15.940m3/s), lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 8 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/s; lũ ở mức lịch sử tại một số sông thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.

Lũ đặc biệt lớn xấp xỉ mức lịch sử vào đầu tháng 11/2017 sau bão số 12 tại các tỉnh miền Trung đặc biệt là tại các tỉnh TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền núi từ ngày 2-4/8 và từ ngày 10-12/10/2017, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình...

Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp cũng đã gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt nghiêm trọng là sạt lở bờ sông Vàm Nao, tỉnh An Giang, sạt lở kè Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu...

15-01-07_img_2420
Ảnh: Đắc Thành

Mặc dù thiên tai năm 2017 diễn biến phức tạp, nhưng theo ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, công tác chỉ đạo, phòng chống, ứng phó và công tác dự báo có những bước tiến rõ rệt.

Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời 12 công điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN ban hành 91 công điện chỉ đạo ứng phó với các loại hình thiên tai. Nhắn tin tới 12 lượt triệu thuê bao để cảnh báo thiên tai trong những trận thiên tai lớn. Năm 2017, đã huy động 318.740 lượt các bộ, chiến sỹ và 6.077 lượt phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Công tác dự báo đã có cải tiến, nhất là các bản tin dự báo trên diện hẹp trước 6 giờ (lũ quét, sạt lở đất), cảnh báo sớm mưa trước 12 giờ để phục vụ công tác điều hành liên hồ chứa.

Lần đầu tiên, Ban Chỉ đạo đã tổ chức tính toán liên hồ chứa, cung cấp thông tin cho các địa phương khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đồng thời thường xuyên tham khảo thông tin từ các đài quốc tế giúp cho việc triển khai sớm các biện pháp ứng phó (bão số 10, bão số 12, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung).

Các cơ quan thông tin đại chúng quyết liệt vào cuộc, tạo sự chuyển biến mới trong truyền thống phòng, chống thiên tai.

Cũng theo ông Vũ Xuân Thành, tình hình thiên tai năm 2018 có thể diễn biến như sau: Hiện tượng La Nina gia tăng khả năng xuất hiện vào đầu năm 2018. Dưới tác động của La Nina nhiều khả năng bão hoặc ATNĐ vẫn còn có khả năng hoạt động trên khu vực Nam biển Đông trong những tháng đầu năm 2018. Số lượng bão, ATNĐ trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng tương đương hoặc nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2017 có xu hướng dao động ở mức xấp xỉ với TBNN. Rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc có khả năng tập trung trong thời đoạn tháng 1 và tháng 2/2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày. Tình hình nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với TBNN ở các khu vực trên toàn quốc.

Ở khu vực Trung Bộ, trên nhiều sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ 2-3, một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các khu đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… có khả năng xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ.

15-01-07_img_2502
Ảnh: Đắc Thành

Phòng chống thiên tai năm 2018 cần phải tập trung vào 9 giải pháp, nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ ra quyết định cho Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy các Bộ, ngành, địa phương các cấp đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn luôn sẵn sàng tham mưu chính xác, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất.

2. Rà soát và đẩy mạnh triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia phòng chống thiên tai, kế hoạch phòng chống thiên tai của các Bộ, ngành, địa phương; phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai; lồng ghép phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; thu quỹ phòng chống thiên tai.

3. Bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, dịch vụ công tham gia vào công tác phòng chống thiên tai; tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế tài để giám sát các hoạt động của xã hội đảm bảo an toàn hơn trước thiên tai.

4. Củng cố, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu.

5. Đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai; hướng dẫn, nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng nhất là hướng dẫn tập bơi và phòng chống đuối nước.

6. Rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin kịp thời tới chính quyền cơ sở, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến thiên tai, giải pháp ứng phó, nhất là người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

7. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.

8. Điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp để hạn chế thiệt hại do thiên tai. Bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với sinh kế của người dân trong khu vực.

9. Phối kết hợp với các quốc gia trên thế giới trong công tác dự báo, hợp tác trong ứng phó với bão, cứu hộ cứu nạn và kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng chống thiên tai…

(Tổng cục Phòng chống thiên tai)

Thiệt hại do thiên tai năm 2017 gây ra quá nặng nề

Theo thống kê, thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết và mất tích (tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung), 664 người bị thương; 8.166 nhà bị sập, đổ, 588.139 nhà bị ngập, hư hỏng, tốc mái; 1.140 km đê, kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hư hỏng; 1.586 km đường giao thông và 6,88 triệu m3 đất đá bị sạt trượt... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.

Trong đó ngành nông nghiệp bị thiệt hại rất nặng nề với 363.502 ha lúa, hoa màu, 169.640 ha cây công nghiệp, cây ăn quả và 143.438 ha rừng bị gãy, đổ, thiệt hại; 41.375 lồng bè, 60.392 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3.682 tàu thuyền bị chìm, phá hủy tại nơi neo đậu; 69.757 con gia súc, 2 triệu con gia cầm bị chết, trôi. Đặc biệt ảnh hưởng lớn đến đến sống, phục hồi sản xuất nông nghiệp của nhân dân...

Nguyên nhân gia tăng các rủi ro thiên tai

Tại một cuộc họp mới đây, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai lý giải nguyên nhân gia tăng các rủi ro thiên tai, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía Bắc là do mưa lớn cục bộ, các tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh kế thiếu bền vững hay tập quán sinh sống của người dân.

Tình trạng chặt phá rừng để lấy đất sản xuất, hoạt động xây dựng nhà ở ven sông, suối, mái dốc diễn ra phổ biến tại một số nơi; công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai tới cộng đồng và nhận thức của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc, không đáng có. Công tác phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền núi đòi hỏi cần phải có một chương trình tổng thể để khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất