| Hotline: 0983.970.780

Thiệt hại là do “xé rào”, chủ quan

Thứ Sáu 14/10/2011 , 11:07 (GMT+7)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tích bị thiệt hại là do nông dân “xé rào” làm tự phát ngoài vùng quy hoạch, thiếu hoặc chưa có đê bao.

Thu hoạch lúa chạy lũ
Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL đến nay mưa lũ đã làm thiệt hại 6.000/650.000 ha lúa TĐ của toàn vùng, chiếm khoảng 1% diện tích. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tích bị thiệt hại là do nông dân “xé rào” làm tự phát ngoài vùng quy hoạch, thiếu hoặc chưa có đê bao.

Mất do "xé rào"

TS. Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo kế hoạch ban đầu, tỉnh chỉ chọn 3 huyện làm lúa TĐ là Giồng Riềng, Châu Thành và Gò Quao với tổng diện tích là 36.000 ha. Vì đây là những vùng cao, ít bị ảnh hưởng lũ và có hệ thống đê bao tương đối hoàn chỉnh. Thế nhưng, khi vào vụ nông dân thấy lúa có giá cao đã tự ý xuống giống với diện tích lên đến hơn 53.000 ha. Trong đó, có cả những vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng rất nặng nề do lũ như vùng Tứ giác Long Xuyên. Khi có lũ lớn đổ về nhiều diện tích đã bị thiệt hại hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.475 ha lúa TĐ bị lũ gây ngập, trong đó có 981 ha bị mất trắng hoàn toàn.

Tại huyện Hòn Đất, nơi có diện tích lúa TĐ bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh Kiên Giang, nhiều nông dân bần thần nhìn đám ruộng bị lũ nhấn chìm và tự trách “lỗi tại mình mà ra cả”. Ông Danh Tiên, ở xã Nam Thái Sơn nói: “Khi thấy chúng tôi chuẩn bị làm lúa TĐ chính quyền có khuyến cáo không nên làm vì vùng này chưa có đê bao. Nhưng thấy xung quanh bà con làm, mình bỏ ruộng không cũng tiếc. Hơn nữa, tôi nghĩ nước lũ năm nay nhỏ như mọi năm nên quyết định làm. Lúa mới được 30 ngày thì lũ lên, gia đình tôi tìm mọi cách nhưng vẫn không thể cứu được lúa, đành bỏ cuộc, tính ra thiệt hại gần 20 triệu đồng cho 3 ha lúa”.

Ông Đào Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn cho biết, toàn xã gieo sạ được 553 lúa TĐ nhưng nước lũ đã làm thiệt hại 33,5 ha, hiện còn trên 50 ha đang trong tình trạng rất nguy hiểm, nếu vài ngày tới mà trời tiếp tục mưa là sẽ bị mất trắng. Diện tích đã thu hoạch được năng suất cũng rất thấp, chỉ khoảng 3,3-4 tấn/ha, trong khi chi phí bị đội lên cao nên nông dân không có lời. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Hòn Đất, dù không nằm trong quy hoạch nhưng nông dân toàn huyện đã gieo sạ 3.700 ha lúa TĐ. Đến nay, nước lũ đã gây ngập 769 ha, trong đó diện tích mất trắng là 700 ha.

Tại An Giang, phần lớn diện tích lúa TĐ trong vùng quy hoạch đã được nông dân thu hoạch xong. Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang cho biết, toàn xã có 580 ha sản xuất lúa TĐ nằm trong đê bao, nông dân thu hoạch lãi từ 12-15 triệu đồng/ha. Theo ông Vân, tại xã Vĩnh Phước có 261 ha lúa TĐ nằm ngoài vùng đê bao, trong đợt lũ vừa qua đã làm mất trắng 41ha.

Mặc dù địa phương đã đến tận nhà khuyến cáo nông dân không xuống giống ngoài đê bao và đồng thời yêu cầu họ làm giấy cam kết nếu có bị thiệt hại thì không nhận được hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, do thấy giá lúa trên thị trường đang ở mức cao nên nông dân đã liều “xé rào” để sản xuất dẫn đến thiệt hại. Theo tính toán của ông Vân, diện tích lúa TĐ nằm trong đê bao của xã vụ này cho doanh thu là trên 17 tỷ đồng, trong khi đó lúa nằm ngoài đê bao bị tổn thất là 1,6 tỷ đồng.

Điển hình như 4 hộ dân như Lê Văn Á, Trần Văn Đông, Lê Văn Năm và Nguyễn Văn Lại ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước bị mất trắng 12 ha lúa nếp sắp thu hoạch, thiệt hại lên đến trên 300 triệu đồng. Ông Trần Văn Đông, người bị mất trắng 5 ha buồn rầu cho biết: “Tôi thấy năm nay lúa có giá cao nên làm liều xuống giống đại. Vì nghĩ nước lũ năm nay sẽ nhỏ như năm rồi nên không lo ngại vấn đề đê bao. Không ngờ lúa còn vài tuần nữa là thu hoạch, nước lũ ập đến khiến toàn bộ diện tích chìm trong biển nước".

"Có phần chủ quan"

Tuy nhiên, không chỉ diện tích ngoài đê bao, những diện tích xuống giống muộn, ở khu vực đê yếu, nông dân cũng bị thiệt hại nặng. Xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang) là một điển hình. Hàng trăm bộ đội và nông dân địa phương ngày đêm lo đắp đê cứu lúa. Vậy mà hơn 1.500 ha lúa TĐ ở ấp Long Hưng vẫn bị nước lũ tràn vào nhấn chìm sâu dưới 3m. Về vùng lũ, chúng tôi gặp hai nông dân Sáu Hùng (Phạm Văn Hùng) và Ba Ghi (Huỳnh Văn Ghi) mặt mày hốc hác, đen nhẻm vì dầm mưa dãi nắng cùng bà con trong xóm lo xốc lại bờ đê.

Sáu Hùng mất trắng 30 ha, Ba Ghi mất 10 ha. Sáu Hùng chưa hết thảng thốt, kể lể: “Thiệt là khổ, lúa hơn 45 ngày tuổi, tốt lắm, vừa vô phân xanh mượt, tính sơ sơ mỗi công chi phí tốn hơn 1,2 triệu đồng. Nhưng vỡ đê từ ngày 27/9 đến nay thì làm sao cứu nổi, coi như mất sạch rồi. Nghĩ lại chỉ vì tuyến đê đất mỏng quá, chân đê yếu, tụi tui có phần chủ quan. Tới khi thấy nước lên lớn quá trở tay không kịp. Thất bại lần này nuốt khó trôi”.

Ông Phạm Hoài An, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến nay nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 20.000 ha lúa TĐ, các địa phương thu hoạch nhanh là Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ.

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng triều cường nên nước lũ lên nhanh. Tuy nhiên, đến nay diện tích lúa trong đê bao vẫn an toàn. Hiện chỉ còn mối lo ngại đợt triều cường vào cuối tháng này (tháng chín âm lịch). Theo thống kê, diện tích lúa TĐ của Hậu Giang bị thiệt hại rất ít, chủ yếu là những diện tích nhỏ lẻ do dân làm tự phát ngoài vùng quy hoạch.

Ông Đỗ Vũ Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Vừa qua Chính phủ và Bộ NN-PTNT rất đồng tình ủng hộ sản xuất lúa ĐX và TĐ, xem đây là 2 vụ lúa chính trong năm tại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Vì hai vụ này thuận lợi cả ba mặt: năng suất, giá cả và thời tiết. Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng tỉnh An Giang cũng thừa nhận là có phần chủ quan khi gia cố đê bao chưa cẩn thận, bởi thấy 10 năm qua lũ không lớn, làm lúa TĐ đều vẹn toàn. Năm nay lũ bất ngờ dâng cao khiến 4.000/140.000 ha lúa TĐ bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, nếu so sách giữa diện tích bị thiệt hại và diện tích cho thu hoạch thì tỷ lệ không lớn. Nếu bảo vệ được diện tích còn lại thì đây vẫn là vụ lúa thắng lợi.

Năm nay lũ lớn nhưng chủ yếu gây gập lụt nhiều ở Long An, Đồng Tháp và An Giang. Ông Đặng Ngọc Lợi, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, nông dân Đồng Tháp đã xuống giống vụ lúa TĐ được 98.800 ha, tăng 40.000 ha so với năm trước. Do lũ bất ngờ, nên diện tích lúa của địa phương đã bị thiệt hại khoảng trên 2.000, chiếm trên 2%. Tuy nhiên, về cơ bản có thể nói, vụ TĐ năm nay Đồng Tháp thắng lợi do phần lớn diện tích đã thu hoạch gần dứt điểm.

Cũng theo ông Lợi, sự cố vỡ đê là do mới triển khai nên làm quá vội, nền đất còn yếu, trong khi đó nước lũ lại lên nhanh gây áp áp lực lớn thì vỡ đê là điều đương nhiên. Hiện Đồng Tháp có trên 200 tiểu vùng đê bao, được đầu tư trên 150 tỷ đồng, trong đó vốn của TW là 50 tỷ đồng, số còn lại địa phương và nhân dân bỏ ra cùng làm. Để khắc phục tình trạng vỡ đê như vừa qua, sau khi nước rút xuống tỉnh sẽ chỉ đạo làm ráo riết và gia cố đê bao vững chắc. Rà soát quy hoạch vùng sản xuất làm lúa TĐ ăn chắc cho những năm sắp tới.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm