| Hotline: 0983.970.780

Thiếu hụt trầm trọng giống cá tra

Thứ Năm 01/03/2018 , 09:35 (GMT+7)

Cuốn theo cá tra xuất khẩu đang hút hàng ở ĐBSCL, từ sau tết đến nay cá giống tăng giá mạnh. Người nuôi gọi tìm mua cá giống khắp nơi.

Tìm mua cá giống

Ông Chương Văn Khanh (Út Anh), theo đuổi nghề nuôi cá tra 18 năm qua, với 5ha ao nuôi ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho hay: Do mấy tháng cuối năm vừa qua thị trường xuất khẩu tốt nên các doanh nghiệp tiêu thụ cá được giá cho người nuôi. Phần tôi nuôi cá cung ứng theo hợp đồng liên kết với Cty Sao Mai-IDI nuôi gia công lấy công làm lời. Nhưng đối với một số ít người nuôi cá tra riêng lẻ, nếu hộ nào có cá xuất ao lúc này có bao nhiêu doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu. Cá tra đang có giá cao kỷ lục 29.000 đ/kg, người nuôi có lãi từ mức 6.000 đ/kg trở lên.

16-36-29_nuoi-c-tr-o-dbscl-nh-hd
Nuôi cá tra ở ĐBSCL

Được mệnh danh “cù lao cá”, dân nuôi cá tra ở Tân Lộc từng chịu nhiều cảnh thăng trầm, nhất là mấy năm qua cá tra dội chợ, xuống dốc. Cú sốc lỗ lã khiến nhiều người nợ nần bỏ ao chuyển sang nghề khác. Số còn trụ lại chiếm phần nhiều là các hộ tính đường “cầm chắc” theo hợp đồng gia công với doanh nghiệp. Bây giờ thị trường cá tra sống dậy, người nuôi thấy ham nhưng ít có mấy người dám phiêu lưu, vì ngại vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Hơn nữa lúc này tìm mua được cá giống đạt chất lượng thật chẳng dễ.

Một chủ hộ nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn cho biết, trước tết một số hộ nuôi cá dọc theo bờ sông Hậu thu hoạch xong, vệ sinh ao chờ qua mùng ba tết gọi điện các trại giống thân quen, tìm tới cơ sở ương nuôi cá tra đặt mua. Nơi nào cũng nhẹ nhàng từ chối vì không đủ số lượng cung cấp. Thậm chí một số ao nuôi trong vùng “tự chủ” nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu còn cho người chạy ra ngoài tìm cá giống mua thêm. Vậy mà họ không tìm mua đủ cá giống nên vẫn còn ao để không. Trước tết giá cá giống 50.000 đ/kg (cỡ cá 30 con/kg) đến nay tăng vọt lên 70.000 đ/kg.
 

Chuyển biến chậm

Từ nhiều năm trước, hầu hết các hộ nuôi cá tra trong vùng mua cá giống chủ yếu từ các cơ sở ương nuôi cá ở 2 tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang. Trải qua những năm tháng khi đắt hàng lúc dội chợ, vì khó đoán để bắt nhịp nguồn cung nên thường xảy ra tình trạng cá giống mất cân đối cung - cầu. Có lúc cá tra giống dư thừa, từ cá bột ương nuôi tới lớn 2 - 3 phân mà không có người mua. Mặt khác về yếu tố chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào đàn cá bố mẹ. Vì vậy đã có một số người giỏi nghề có xu hướng tản mát về một số tỉnh vùng hạ lưu như Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang tìm thuê ao nuôi mới để lấy nguồn nước ít ô nhiễm, nâng cao tỉ lệ ương nuôi con giống có chất lượng.

16-36-29_ong-ut-nh-nuoi-c-tr-o-cu-lo-tn-loc-thot-not-cn-tho-nh-hd
Ông Út Anh nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt (Cần Thơ)

Ông Trần Ngọc Hải, người nuôi cá tra có nghề ở phường Thới An, quận Ô Môn hiện nay cùng nhóm bạn thân hữu thuê đất 20ha ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lập trại sản xuất giống cá tra, chạch bùn, trê vàng… Qua mấy mùa sản xuất ổn định với mức bình quân xuất 100 tấn cá tra giống/năm (5 - 10 tấn/tháng).

Ông Hải nhìn nhận: Cá tra giống vào thời điểm nào cũng có xuất bán, còn hiện nay giá tăng cao và không đủ bán là do nguồn cung ít. Nhu cầu tái thả cá sau khi thu hoạch ở một số địa phương đang tăng lên. Ngoài ra thêm một nguyên nhân khác nữa, tỉ lệ ương nuôi cá bột lên cá giống hiện đạt rất thấp, khoảng 5 - 7% và có đạt lắm cũng chỉ từ 10% trở xuống. Thông thường vào mùa khô tỉ lệ cá ương nuôi đạt cao hơn vào những tháng mùa mưa.

Ai cũng hiểu rằng nuôi cá tra điều kiện đầu tiên phải có giống tốt. Trong khi người nuôi cá thương phẩm vẫn còn than vãn tình trạng chất lượng cá tra giống kém dẫn tới hao hụt tỷ lệ cao tới 30 - 50% càng đặt ra vấn đề sớm hình thành những trung tâm sản xuất, tạo nguồn cung cá giống chất lượng cao. Các nhà chuyên môn lĩnh vực thủy sản nước ngọt phân tích, muốn đảm bảo chất lượng con giống tốt cần có nhiều yếu tố. Trước tiên là thị trường tiêu thụ cá tra giống tương đối ổn định theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất từ vùng nuôi. Từ đó có thể dự đoán, cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu thủy sản để cung cấp nguồn con giống bố mẹ khỏe và thiết kế vùng ao nuôi, ương cá có nguồn nước ao tốt, sạch...

Trong thời gian qua ở một số địa phương trong vùng đã tính toán, quy hoạch vùng sản xuất cá tra bắt nhịp đồng điệu từ trung tâm giống - mạng lưới cơ sở nhân giống - nuôi cá thương phẩm. Thế nhưng chuyển biến còn rất chậm.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ: Hiện nay Trung tâm có vùng SX giống 20ha, vừa nhập giống cá tra bố mẹ từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về cho sinh sản, ương nuôi. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 6/2018 sẽ cung ứng giống ra thị trường. Năng lực sản xuất ước khoảng 8 triệu con giống/năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến năm 2018 xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch khoảng 1,85 tỷ USD. Năm 2017 xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2016.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm