| Hotline: 0983.970.780

Thiếu kinh phí, chồng chéo trong thanh kiểm tra phân bón, thuốc BVTV

Thứ Sáu 18/08/2017 , 08:01 (GMT+7)

Thanh kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc BVTV là việc làm thường xuyên của thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, TP. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bất cập, khó khăn "ngáng chân"...

Chất lượng kiểm tra còn kém

Tại Bình Thuận, nơi nổi tiếng cả nước về cây thanh long với gần 27 ngàn ha, hàng năm tiêu thụ hàng ngàn tấn phân bón và thuốc BVTV. Trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam với trên 500 cơ sở đại lý buôn bán các loại phân bón và thuốc BVTV.

14-05-45_h1jpg
Cán bộ nghiệp vụ lấy mẫu phân bón hữu cơ

Trong khi đó, lực lượng thanh tra mỏng, Phòng Thanh tra- pháp chế của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh chỉ có 2 biên chế, nhưng phải "gồng gánh" quản lý khoảng 700 đại lý vật tư nông nghiệp (VTNN) trên toàn tỉnh, từ phân bón, thuốc BVTV đến giống cây trồng. Đặc biệt, kinh phí cho thanh tra quá ít, dẫn tới khó khăn cho việc lấy mẫu kiểm định chất lượng khi thấy có dấu hiệu vi phạm.

Bình quân kinh phí phân tích 1 hoạt chất thuốc BVTV là 650 ngàn đồng, trong khi mỗi sản phẩm thuốc BVTV có từ 2-3 hoạt chất. Còn phân bón mỗi chỉ tiêu phân tích 300 ngàn đồng, nhưng đối với phân hữu cơ ngoài việc phải phân tích hàm lượng các chất chính như hữu cơ, đạm tổng số, lân và kali hữu hiệu, axit humic, có khi phải phân tích thêm các trung vi lượng khác như Cu (đồng), Zn (kẽm), Mn (mangan), Fe (sắt) nên chi phí khá lớn.

 Vì thế, mỗi năm Thanh tra Sở NN- PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV cộng lại chỉ lấy "khiêm tốn" khoảng chục mẫu thuốc và 15 mẫu phân bón. Theo ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng, ngoài Chi cục là cơ quan quản lý nhà nước về phân bón, thuốc BVTV có nhiệm vụ thanh kiểm tra còn có nhiều lực lượng khác tham gia như: thanh tra Sở NN- PTNT (đoàn liên ngành), thanh tra Sở Công thương, Chi cục QLTT, UBND các huyện (đoàn liên ngành)... gây ra tình trạng chồng chéo, "phân tán" kinh phí.

14-05-45_h2jpg
Kiểm tra thuốc BVTV và các loại phân bón lá trên thị trường
Mới đây, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận điều tra 150 hộ dân trồng rau tại 33 phường, xã cho kết quả: Có đến 108 tên thuốc, trong đó trừ sâu có 33 hoạt chất với 63 tên thuốc thương phẩm; trừ bệnh có 35 hoạt chất với 45 tên thuốc thương phẩm được các hộ dân trồng rau sử dụng, giảm 4 loại thuốc BVTV so với điều tra trước đó.
Tuy nhiên vẫn còn 23 loại thuốc (tỷ lệ 21,3 %) trong danh mục được khuyến cáo cấm sử dụng trên rau. Đó là Regent 800WG (hoạt chất Fipronil), Selecron 500EC (hoạt chất Profenofos), Sherpa 25EC (hoạt chất Cypermethrin), Ridomil gold 68WG (hoạt chất Mancozeb+Metalaxyl-M), Aliette 800WG (hoạt chất Fosetyl-aluminium) đều nằm trong danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng trên rau.

"Mặc dù nhiều đoàn kiểm tra, nhiều lần kiểm tra, nhưng chất lượng kiểm tra còn kém do đây là lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức và trình độ chuyên môn sâu", ông Bảo nói. Tuy kinh phí hạn chế, nhưng cuối năm 2016, Chi cục đã phối hợp các huyện điều tra việc sử dụng thuốc của 183 hộ dân trồng rau tại 36 phường, xã với các loại rau như húng, xà lách, cải ngọt, súp lơ, cà chua, ớt, hành, ngò, dưa leo...

Kết quả: 112 tên loại thuốc BVTV (thuốc trừ sâu có 44 hoạt chất với 70 tên thuốc thương phẩm; thuốc trừ bệnh có 35 hoạt chất với 42 tên thuốc thương phẩm) được các hộ dân trồng rau sử dụng, trong đó có 20 loại thuốc (chiếm tỷ lệ 17,2%) trong danh mục được khuyến cáo cấm sử dụng trên rau.
 

Ít tiền bỏ... sót

Tại tỉnh Đồng Nai, với thế mạnh đa dạng cây trồng với hơn 50 ngàn ha lúa, 60 ngàn ha bắp lai, 13 ngàn ha hồ tiêu, 11 ngàn ha chôm chôm, 4 ngàn ha sầu riêng, tổng cộng có khoảng 300 ngàn ha đất gieo trồng nên mỗi năm có hàng ngàn tấn phân bón, thuốc BVTV đổ vào đây.

Do chưa có Nghị định mới về quản lý phân bón, nên hiện tại vẫn còn tồn tại 2 cơ quan quản lý nhà nước song song là Sở Công thương và Sở NN-PTNT. Trong khi đó, việc quản lý phân bón đòi hỏi phải có chuyên môn sâu mới có thể nắm bắt được đặc tính lý hóa của từng loại phân bón phù hợp với từng loại cây trồng và từng giai đoạn bón trong quá trình phát triển của cây.

Thế nên, dù ngành Công thương chỉ quản lý 3 năm mặt hàng phân vô cơ đã "đẻ" ra nhiều loại phân kỳ lạ trên thị trường. Trong đó phải kể đến các loại phân lân như Vôi-Lân-Canxi; Lân Super Canxi; Lân-Canxi-Magie-Silic Super. Mặc dù nhà nước đã có qui định hàm lượng tối thiểu của lân (P2O5) phải ≥ 13,5% nhưng sau khi kiểm tra phân tích hàm lượng lân của những sản phẩm lân nói trên đều đạt rất thấp.

Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Phó Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Đồng Nai, do kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra rất hạn chế nên hàng năm số lượng đại lý lấy mẫu phân bón chỉ chiếm khoảng 4-5% (30-35 đại lý)/tổng đại lý toàn tỉnh. Vì vậy, thực tế vẫn để sót một lượng lớn chủng loại phân bón chưa được thanh kiểm tra.

Việc trích lại kinh phí sau khi xử phạt các đại lý, DN sai phạm trong SXKD phân bón cho đơn vị thanh tra chuyên ngành nhằm có kinh phí để mua sắm trang thiết bị phương tiện, từ trước đến nay vẫn chưa thực hiện. Gần đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 nhưng riêng ở tỉnh Đồng Nai cũng chưa có hướng dẫn nên chưa thực hiện.

14-05-45_h3jpg
Một mẫu phân bón hữu cơ sau khi phân tích cho kết quả phải mất chi phí từ 1.200.000 đồng

Ngoài ra, việc công bố hợp quy sản phẩm phân bón trên thị trường vẫn còn bất cập do một số chứng nhận hợp quy trước đây đã cấp nhưng chưa bị thu hồi sau khi đơn vị cấp giấy bị đình chỉ do sai phạm, vì vậy DN vẫn còn sử dụng để đưa công bố.

Việc quản lý các hội thảo phân bón vô cơ hoàn tàn bỏ ngỏ do không quản lý được vì ngành công thương không có lực lượng để kiểm tra các cuộc hội thảo diễn ra ở các địa phương như thế nào, có đúng nội dung đăng ký hội thảo không, đúng thời gian, địa điểm không.

"Đây là cơ hội cho môt số công ty phân bón vô cơ quảng bá những sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy, kém chất lượng, sai nhãn mác để lừa bịp người dân. Thực tế cho thấy, việc quảng cáo, tổ chức hội thảo vừa qua tràn lan khiến người dân như đi lạc vào ma trận mà không biết đường ra", ông Nguyễn Bá Tùng chia sẻ.

 

Xem thêm
Phân bón Văn Điển đến với nông dân đất mũi Cà Mau

Vượt khoảng cách địa lý xa xôi, Thương hiệu Phân bón Văn Điển từ Thủ đô Hà Nội đã đến với bà con nông dân vùng đất mũi Cà Mau.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.