| Hotline: 0983.970.780

Thiếu vacxin tai xanh nghiêm trọng

Thứ Hai 25/03/2013 , 09:44 (GMT+7)

Điều tai hại là một số hộ chăn nuôi nằm trong ổ dịch vẫn có thái độ chống đối không cho cán bộ thú y tiêm phòng vacxin tai xanh nên số lợn bị tiêu hủy vẫn chưa dừng lại.

* Heo bệnh bán chạy tán loạn!

Như chúng tôi đã thông tin, từ ngày 6/3/2013 đến nay, dịch tai xanh đã bùng phát và đang lan diện rộng tại 3 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Đến ngày 19/3, toàn tỉnh Nghệ An đã có 496 con lợn bị tiêu hủy.

Trong đó có 147 con lợn nái và 349 lợn thịt (chưa tính 48 con phát bệnh tiếp sau tiêm ở huyện Yên Thành, đang được theo dõi). Theo giá hỗ trợ là 38.000 đồng/kg lợn hơi x 26.833 kg thì tổng tiền ngân sách chi cho khoản này đã xấp 1,02 tỷ đồng.

Điều tai hại là một số hộ chăn nuôi nằm trong ổ dịch vẫn có thái độ chống đối không cho cán bộ thú y tiêm phòng vacxin tai xanh nên số lợn bị tiêu hủy vẫn chưa dừng lại, khiến cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có dịch đang vừa gồng mình chống dịch vừa phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để mau chóng dập tắt dịch.

Sáng 19/3, theo chân đoàn công tác chống dịch của Sở NN-PTNT và UBND tỉnh, chúng tôi có mặt tại địa bàn 2 xã Quỳnh Văn và Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu và không khỏi lo ngại trước tình hình dịch đang diễn biến khá phức tạp tại đây. Theo báo cáo của huyện Quỳnh Lưu, sau 8 ngày phát hiện được dịch, tại xã Quỳnh Văn mới tiêm phòng vacxin tai xanh được 285 liều. Bị lãnh đạo huyện và tỉnh "truy" về việc chống dịch thiếu quyết liệt, ông Lê Đôn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn chống chế rằng do 300 liều vacxin tai xanh đưa về xã đúng vào chiều thứ 6 nên 2 ngày thứ 7 và chủ nhật tuần qua, UBND xã không tổ chức lực lượng tiêm phòng được (!?).


Tiêu hủy lợn tai xanh tại xã Quỳnh Xuân

Chiều 19/3, mới nhận thêm được 500 liều vacxin tai xanh nữa nên xã Quỳnh Văn đang phấn đấu sẽ tiêm hết số liều được cấp vào ngày 21/3. Tại buổi làm việc với UBND xã Quỳnh Văn, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phê bình lãnh đạo xã Quỳnh Văn trong việc triển khai chống dịch quá chậm: "Lãnh đạo xã không quyết liệt thì làm sao đòi hỏi dân triển khai dập dịch quyết liệt được. Nếu lãnh đạo xã Quỳnh Văn để dịch tai xanh gây ra hậu quả lớn thì cán bộ chủ chốt của xã sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp lệnh Thú y".

Đang làm việc với UBND xã Quỳnh Văn, chúng tôi nhận được thông tin lực lượng công an xã Quỳnh Xuân chốt chặn tại các ngả đường ra vào xã đã phát hiện và chặn bắt được 4 đối tượng đang sử dụng xe máy vận chuyển lợn con ra khỏi vùng dịch. Chiều cùng ngày, chúng tôi lập tức có mặt tại xã Quỳnh Xuân, nhưng cả 4 đối tượng đã bị xử lý hành chính và được trả tự do lúc 11 giờ trưa. Theo hồ sơ lưu tại UBND xã Quỳnh Xuân thì 4 đối tượng trên gồm Nguyễn Thị Thủy (SN 1970) trú tại xóm 4, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn cùng với Đặng Thị Minh vừa mua 9 con lợn con (tổng cộng 111kg) từ xóm 11, xã Quỳnh Xuân đang trên đường vận chuyển về Nghĩa Đàn để tiêu thụ thì bị phát hiện và bắt giữ.

Cùng thời gian trên, hai tổ chốt chặn khác cũng phát hiện và bắt giữ thêm 2 đối tượng khác là Lê Thị Mận (SN 1974), trú tại xóm 8, xã Quỳnh Văn đang vận chuyển 8 con lợn con (trọng lượng 70 kg) từ xóm 3, Quỳnh Xuân đưa đi địa bàn khác tiêu thụ. Và Lê Tiến Hiếu (SN 1986) trú tại xóm 10, xã Quỳnh Hậu bị bắt giữ với 20 con lợn con (160kg). Hiếu khai là được Lê Thị Mận rủ đi mua lợn con về nuôi (!?). UBND xã Quỳnh Xuân đã lập biên bản tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bắt giữ (37 con, tổng cộng 341 kg), ngoài ra còn xử phạt hành chính mỗi đối tượng 2 triệu đồng.

Tại Quỳnh Xuân, để đối phó với 20 hộ dân tại xóm 11 đang chống đối việc tiêm phòng vacxin tai xanh, UBND xã đang huy động lực lượng công an xã phối hợp với cán bộ thú y xuống vận động từng nhà tiêm phòng. Nếu hộ nào nằm trong ổ dịch vẫn chống đối đến cùng thì sẽ lập biên bản báo cáo lên cấp trên đồng thời tổ chức cưỡng chế chích diệt bằng điện toàn bộ số lợn hiện có trong chuồng để đưa đi tiêu hủy...

Qua làm việc với chính quyền các cấp và cán bộ thú y từ tỉnh đến huyện thì hiện Nghệ An đang thiếu vacxin tai xanh nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Thế Độ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An, ngoài lượng vacxin dự phòng (8.000 liều), Nghệ An đã được Bộ NN-PTNT hỗ trợ (2 lần) với tổng cộng 20.000 liều. Do dịch bệnh lan rộng ra nhiều xã có phong trào chăn nuôi lợn lớn nên UBND tỉnh đã đồng ý trích ngân sách mua thêm 50.000 liều nữa. Tuy nhiên, với lượng vacxin tai xanh nói trên cũng không thể phủ kín được hết các xã đã xuất hiện ổ dịch. Trong hoàn cảnh đó, giải pháp trước mắt của Nghệ An là phải ưu tiên vacxin để tập trung tiêm thẳng vào ổ dịch tại các xóm, sau đó tiêm lan rộng ra xung quanh cho đến khi hết lượng vacxin cấp về.

Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu lo lắng nói: Chỉ tính riêng tổng đàn lợn của 3 xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân là trên 12.000 con. Thế nhưng lượng vacxin mới cung ứng về Quỳnh Lưu chỉ được 6.000 liều, mới được ½ nhu cầu của 3 địa phương này. Đó là chưa kể tại các xã cận kề các ổ dịch như Quỳnh Tân, Quỳnh Hoa... số lợn cần tiêm phòng vacxin cũng lên đến hàng chục nghìn con.

Để ngăn chặn tình trạng dịch tai xanh hàng năm cứ “đến hẹn lại lên”, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng ý giao cho Sở NN-PTNT Nghệ An có văn bản tham mưu UBND tỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý để triển khai tiêm phòng vacxin tai xanh và các loại vacxin khác như tụ huyết trùng, dịch tả lợn cho 100% đàn lợn nái và lợn đực giống của các hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh. Theo ông Đinh Viết Hồng, đó là giải pháp tốt nhất và rẻ nhất để hạn chế việc tiêu hủy lợn, tiến tới ngăn chặn triệt để dịch tai xanh cho các địa phương.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất