| Hotline: 0983.970.780

Thịt chua xuống núi

Thứ Tư 14/03/2012 , 10:48 (GMT+7)

Thường ngày, không mấy nhà người Dao Tiền không có chum thịt chua, nhưng chỉ dùng trong những dịp long trọng.

Thịt chua là món ăn của người Dao thuộc nhánh Dao Tiền hay nhiều người còn gọi là Dao Đeo Tiền. Gọi như vậy là vì trên tấm áo truyền thống của các cô gái dân tộc này bao giờ cũng có đính mấy đồng tiền kim loại. Thịt chua là món đầu tiên trong bữa tiệc cưới của các chàng trai, cô gái Dao Tiền.

Thường ngày, không mấy nhà người Dao Tiền không có chum thịt chua, nhưng chỉ dùng trong những dịp long trọng. Khách lạ đến chơi, bữa đầu tiên bao giờ cũng được chủ đãi thịt chua, còn từ bữa thứ hai trở đi mới là những món khác, tùy theo gia cảnh hay tấm lòng hậu bạc của chủ.

Cách đây hơn chục năm, nhân một chuyến lên bản Dao Tiền Tân Sơn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cùng nhà báo Hồ Nhường (Đài PT-TH tỉnh Hà Tây) và nhà thơ Đặng Hiển (Hội VH-NT tỉnh Hà Tây), chúng tôi đã được chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Sơn Triệu Văn Nình đãi thịt chua, và cũng được xem luôn “công nghệ” chế biến thịt chua của người Dao Tiền. Thanh niên Dao Tiền kết hôn sớm, nam nữ thường 16 - 17 tuổi là đã yên vợ ấm chồng, nhiều người thậm chí còn sớm hơn nữa. Thế nên khi con trai lên 10 hay hơn một chút thì ông bố bà mẹ đã nghĩ đến chuyện phải có một vài chum thịt chua dành sẵn cho bữa tiệc cưới “quý tử”. 

Đặc sản thịt chua của người Dao Tiền giờ đã xuống núi

Triệu Văn Nình kể, ông vốn gốc người Kinh, năm 1945 mới lên 3, bố mẹ chết đói cả, khi ông lê la, thoi thóp sắp đi theo bố mẹ thì được một người tốt bụng ẵm lên rừng Suối Rút, mang cho một cặp vợ chồng Dao Tiền hiếm con. Hơn 10 tuổi Nình đã trở thành một người Dao Tiền chính cống, lấy vợ Dao Tiền, nói tiếng Dao Tiền, thuộc làu làu các phong tục tập quán của người Dao Tiền. Con trai ông lúc đó cũng đã 12, và ông bắt đầu làm thịt chua để dành theo tập quán.

Hai con lợn được làm thịt sẵn, treo lên cho ráo kiệt nước. Lòng, thủ, chân được cắt ra để riêng, toàn bộ xương trong mình con heo đã được rút hết, mỗi con được rọc làm hai nửa. Lợn Dao suốt ngày chạy rông ngoài rừng tự kiếm lấy ăn, chỉ tối mới về nhà, được chủ ném cho vài nắm ngô hạt hay củ sắn khô, nên thịt rất săn chắc, ít mỡ, khổ mỡ không dầy như lợn dưới xuôi, tỷ lệ nạc khá cao.

Từng nửa của con lợn được đặt trên nong, và người ta đưa dao rạch từ chỗ thịt giáp xương sống con lợn đến hết phần thịt bụng, xả ra từng mảnh, mỗi mảnh có chiều dài chừng ba chục cm, chiều rộng cỡ ngón tay người lớn, mảnh nào cũng có đủ cả thăn, ba chỉ. Nồi cơm lúc đó mới được bắc xuống khỏi bếp. Mở vung, hơi cơm nóng từ nồi ngùn ngụt bốc lên. Xúc một lớp cơm nóng lót dưới đáy chum xong, người ta xếp những mảnh thịt lên trên, rồi lại xúc cơm nóng ấp lên cho kín thịt. Cứ thế, mỗi lớp thịt được hai lớp cơm nóng trên dưới phủ kín, xếp cho đến lúc chum đầy thì ấp lên thịt lớp cơm cuối cùng rồi lấy lá rừng bịt chặt miệng chum, buộc thật chặt để vào một chỗ.

ÔngTriệu Văn Nình bảo: Để chum thịt như vậy chừng một năm, thịt sẽ “chín”, không chín theo kiểu xào hay luộc mà “chín” nhờ chất chua lên men từ cơm. Sau một năm, lấy thịt ra, lau sạch, rắc một lớp thính gạo lẫn thính ngô dầy chừng đốt ngón tay xuống đáy chum, để một lớp thịt lên rồi lại rắc một lớp thính. Sau đó lại dùng lá rừng bịt chặt miệng chum và đặt ngược chum lên gác, cho miệng chum quay xuống dưới. Thính sẽ hút thật kiệt nước trong miếng thịt, mùi thơm của thính sẽ thấm vào thịt. Để bốn năm năm cũng chẳng sao…

Bữa thịt chua hôm ấy ở nhà chủ nhiệm HTXNN Tân Sơn Triệu Văn Nình khiến tôi nhớ mãi bởi cái vị đặc biệt của nó. Miếng thịt chua khô cong, phần mỡ trong suốt như hổ phách còn phần nạc màu phớt hồng. Thịt có mùi thơm của thính và có vị chua dôn dốt, vừa ngậy, vừa bùi…Thịt chua thường là món “đưa cay” của rượu “hoãng” (nhiều người cứ gọi rượu “hoẵng” là không đúng).

Thưởng thức thịt chua mà không có rượu “hoãng” hoặc thưởng thức rượu “hoãng” mà không có thịt chua thì chưa trọn vẹn. Gạo nương nấu thành cơm, xúc ra để nguội, rắc men lá vào rồi cũng cho vào chum bịt kín. Đủ ngày lấy ra, chắt lấy rượu uống chứ không chưng cất. Rượu “hoãng” có màu như màu nước gạo đặc, có mùi thơm thật lạ lùng, uống nhẹ như bia nhưng chớ có tham mà uống nhiều, sẽ say đến lịm người, cả ngày không dậy nổi.

Những ngày vừa qua lên Thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ), tôi bỗng thấy nhiều nhà hàng trưng biển bán thịt chua kèm theo hai chữ “đặc sản”. Ghé vào một nhà hàng định mua một tảng, nhưng không có tảng mà thịt lại được đựng trong những lọ nhựa nhỏ. Hỏi ra mới biết, món thịt truyền thống này của người Dao Tiền đã được các nhà hàng dưới xuôi khai thác. Cũng ấp cơm vào cho thịt “chín” nhờ chất chua lên men từ cơm, nhưng khi lấy thịt ấp cơm từ chum ra, người ta đã thái thịt thành từng miếng nhỏ rồi mới trộn thính, thêm một số lá thơm khác rồi cho vào lọ nhựa nhỏ nén chặt, mỗi lọ chừng hai lạng, bịt một loại lá thơm lên miệng lọ trước khi xoáy nắp, gắn kín bằng băng dính, khi ăn thì khui ra, ăn kèm với lá sung và lá mơ.

Chủ hàng cho biết, món hàng này bán rất chạy, nhiều khi “cháy” hàng. Tôi mua hai lọ với giá ba mươi ngàn đồng một lọ. Về khui ra, vị thịt vẫn đúng là vị thịt chua ngày nào đã ăn ở Tân Sơn, nhưng còn ý vị hơn bởi hương của nhiều loại lá thơm trong đó.

Cơ chế thị trường có khác!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm