| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 29/03/2019 , 08:14 (GMT+7)

08:14 - 29/03/2019

Thịt lợn từ đâu ra?

"Cuối tuần, về làng bàn chuyện làm cỗ đám cưới cho đôi trẻ trong họ, rồi lên lại thành phố, bỗng ngao ngán và... lo lắng quá, không thể không chia sẻ", nhà văn Nguyễn Thành Phong mở đầu những dòng tâm sự của ông gửi Nông nghiệp Việt Nam.

Việc này liên quan đến ba vấn đề: Dịch tả lợn Châu Phi, giá thu mua lợn hơi và tương lai món ăn từ thịt lợn trên bàn ăn của chúng ta.

Làng tôi làm cỗ cưới, xưa nay, thường không phải nghĩ gì nhiều, chỉ việc "ngả" con lợn to ra, là thành đủ các món ngon. Thế là khách mời dự cưới ăn uống phủ phê. Tay nghề trai làng tôi làm cỗ cưới đã thuộc vào loại “trứ danh”. Mâm cỗ cưới toàn thịt lợn mà phong phú, bày ra đến cả chục đĩa, bát: Nướng, hấp, giò lụa, giò vân, giò cuộn, chả quế, giả rươi, gỏi sụn lòng, nem nắm, nem rán, chân giò ninh măng, mọc bóng...

Thế mà bây giờ bỗng dưng… có chuyện. Mấy ý kiến căng thẳng, bảo, thôi không làm thịt lợn nữa, khách huyện, tỉnh về, nhỡ họ không “xơi” cho thì ê mặt. Ngay cả người làng, cũng có ý e ngại. Tôi băn khoăn: "Chắc các bác lo ảnh hưởng tâm lý từ dịch tả lợn Châu Phi chứ gì? Làng mình không trong vùng dịch này, tivi thì đã khuyến cáo là dịch này không lây sang người cơ mà. Thế thì sao nhỉ?". Vậy mà bàn đi tính lại mãi, vẫn không thông được. Cuối cùng đành thỏa hiệp, cho cắt bớt nửa thực đơn món làm từ thịt lợn, thay món làm bằng thịt trâu, bò, gà, cá... Giá thành mâm cỗ cưới thế là đội lên kha khá, lại chắc gì ngon bằng?

Người Việt mình có thói quen ăn thịt lợn muôn đời nay. Nói "cơm có thịt" thì hiểu ngay là có món thịt lợn đi kèm, cơm có thịt khác ngoài lợn, thì phải nói tên kèm theo như: Thịt bò, thịt trâu, thịt chó... Thịt lợn chiếm tỉ trọng đến 70, 80% các món ăn từ thịt của bữa cơm dân ta. Tuần 7 ngày thì đến 4, 5 ngày ăn thịt lợn, còn ăn gà, bò, cá, chỉ một hai bữa, cả tháng may ra mới có bữa trâu, dê, chó, thỏ... 

Thịt lợn lại có khả năng chế biến thành nhiều món ăn nhất trong các loại thịt, chế từ món tót vời cao sang đến bình dân thôn dã. Thịt lợn có thể thành món giả cầy, giả ba ba… chứ thịt cầy, ba ba, đố giả thành lợn được. Thịt lợn đã là gia bản của cỗ bàn cưới xin, lễ lạt, mà cũng là nguồn đạm, nguồn béo chính của bữa cơm Việt.

Bàn việc cỗ cưới và ngoại đề thêm về ẩm thực thịt lợn xong, tôi đi ra quanh quẩn ở làng, nghe chuyện, còn thấy buồn hơn.

Mấy chủ trại lợn, mặt mày ỉu xìu, than thở với tôi: "Vừa mới tháng trước, đầu mối thu mua lợn hơi săn đón, chờ đợi. Giờ thì họ cứ dửng dưng anh ạ. Đã thế, giá lợn hơi lại giảm đến thê thảm mà vẫn không xuất được. Nhiều đàn lợn đã đến độ xuất chuồng rồi, giờ vẫn phải "ách" lại, tốn thêm cám gạo, lỗ quá, mà còn chưa biết bao giờ xuất được". Có ông bảo: "Chắc chuyến này tụi tôi phá trại lợn, tìm xoay sang nghề khác thôi, chứ nuôi lợn nữa, có ngày chết không kịp ngáp". Nhân chuyện, lại nhắc mấy năm trước đây, đã có chuyện thị trường lợn hơi bão hòa, chả biết vì sao, người nuôi lợn đành tháo chuồng thả cả đàn lợn vào rừng, không nuôi nữa, con lợn sữa chỉ có giá ngang bát phở phố cổ Hà Nội. Bao chủ trại lợn điêu đứng, phá sản, sạt nghiệp... Giờ mới phục hồi đôi chút, lại gặp phải cái "đận" này.

Nghe thế, tôi bảo: “Chết chết, ai cũng như các ông, thì rồi chúng tôi ở trên thành phố sẽ có lúc chả kiếm đâu ra được thịt lợn hay muốn ăn thì phải mua với giá “cắt cổ”, chứ chả đùa đâu”. Các chủ trại lợn hỏi lại: “Thế bác bảo bọn em phải làm sao bây giờ?”. Một anh bạn thành phố về chơi làng cùng tôi, thốt lên: “Không khéo rồi chả bao lâu nữa, mất sạch nguồn cung thật, và bữa ăn người Việt vắng bóng thịt lợn là nguy cơ nhãn tiền đấy!”. Đến lúc xảy ra nguy cơ ấy thật, thì sẽ vang lên câu hỏi: "Thịt lợn ở đâu ra?". Không, có lẽ vẫn có thịt lợn, nhưng giá rất đắt, và câu hỏi ấy sẽ là: "Lấy đâu ra thịt lợn giá bình dân cho bữa cơm ngày thường của ta?".

Câu trả lời đã có ngay từ bây giờ, từ trong hành động của chúng ta!

Công tác khoanh vùng, ngăn chặn và kiểm soát dịch đã thực hiện tốt. Ông Bộ trưởng Cường đã nói trên tivi, chất lượng lợn ở các vùng không có dịch và các cơ sở chăn nuôi lớn vẫn rất đảm bảo, cần tăng cường công tác thu mua, chế biến, tích lũy, dự phòng. Các bác sỹ đã khẳng định việc dịch bệnh không lây nhiễm sang người. Vậy hãy tiếp tục thu mua, duy trì hợp lý giá mua lợn hơi.

Và quan trọng nhất là người dân, hãy tiêu thụ thịt lợn một cách bình thường và thông thái. Đấy là hành động hỗ trợ và chia sẻ với những người chăn nuôi đã chung thủy với bữa ăn của chúng ta bao lâu nay rồi. Đấy cũng là câu trả lời trước cho những câu hỏi khó mà ta có thể gặp trong tương lai khi lo những bữa ăn bình thường đấy!

Bình luận mới nhất