| Hotline: 0983.970.780

Thịt nhập khẩu - Cú "nốc ao" thị trường

Thứ Ba 11/10/2011 , 09:22 (GMT+7)

5.000 tấn gia cầm “tăng thêm” tức tương đương có thêm 4 triệu con gia cầm, nếu tính cả 11.300 tấn gia cầm nhập trong tháng 8/2011, tức gần bằng 9 triệu con gia cầm đổ về VN chỉ trong 30 ngày...

* Số lượng thịt gà NK đủ cung ứng cho Hà Nội, TPHCM cả tháng

Trong Báo cáo gửi Bộ NN-PTNT về tình hình kiểm dịch NK sản phẩm thịt, nội tạng gia súc, gia cầm ngày 8/10 mà PV NNVN nhận được, Cục Thú y nhận định: “Giá thịt gia súc, gia cầm trong nước giảm nhiều không phải là do NK nhiều thịt gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào VN". Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, Cục Thú y nói vậy là không thuyết phục.

Để minh chứng cho nhận định "giá giảm không phải do NK", Cục Thú y đưa ra số liệu, thịt gia súc, gia cầm NK trong tháng 8/2011 chỉ tăng hơn so với các tháng đầu năm khoảng hơn 5.000 tấn.  Khi biết thông tin này, nhiều chuyên gia đã không khỏi “giật mình” và đặt vấn đề, chẳng lẽ Cục Thú y không biết 5.000 tấn gia cầm “tăng thêm” tức tương đương có thêm 4 triệu con gia cầm, nếu tính cả 11.300 tấn gia cầm nhập trong tháng 8/2011, tức gần bằng 9 triệu con gia cầm đổ về VN chỉ trong 30 ngày, vậy mà vẫn không ảnh hưởng thì quả quá lạ!

 

NHẬP 50 TRIỆU CON GÀ MÀ KÊU ÍT, LÀ SAO?

Ông Châu Nhựt Trung – Tổng Giám đốc Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ (một DN kinh doanh thịt gia cầm lớn nhất VN) đã không khỏi ngạc nhiên khi biết Cục Thú y khăng khăng bảo vệ cho thịt đông lạnh, đặc biệt là thịt gà ồ ạt đổ vào VN và cho rằng số lượng nhập như thế không ảnh hưởng gì. Vốn là một chuyên gia về gia cầm, ông Trung đã lấy ngay máy tính để quy đổi 66.500 tấn thịt gà (số liệu mới nhất do Cục Thú y cung cấp) ra số lượng gà tương đương đổ vào VN.

Sau khoảng 1 phút, ông Trung đưa ra con số: Trong 9 tháng qua, số lượng đùi gà, đùi gà góc tư, cánh gà nhập vào VN tương đương khoảng 50 triệu con gà. “Đây là một con số quá lớn, chắc chắn ảnh hưởng đến giá gia cầm trong nước” – ông Trung nói. Đáng lưu ý, hiện mức tiêu thụ gia cầm tại thị trường lớn nhất nước là TPHCM trung bình khoảng 3,5 – 4 triệu con một tháng; thị trường lớn thứ nhì là Hà Nội khoảng 2,5 – 3 triệu con một tháng. Vậy là lượng gà nhập về VN đã gần đủ cung ứng cho hai đô thị hàng đầu này khi đạt gần 5 triệu con một tháng.

Đặc biệt, những “mánh khóe” của giới nhập gà, ông Trung nói “chẳng lạ gì”, vì thế ông mới giải thích tại sao trong tháng 8/2011, các DN lại tăng gần gấp đôi số lượng gà nhập về VN (tháng 8 nhập 11.300 tấn so với mức trung bình 7.000 tấn/tháng). “Hàng năm, đây chính là thời điểm thịt gà bên Mỹ có nguồn cung lớn nhất, giá thành vì thế cũng rất rẻ nên các DN đã tranh thủ ồ ạt nhập về VN. Sang tháng 9 và 10, họ mới tung ra bán với giá “mềm” hơn bình thường khiến giá gà trong nước không thể cạnh tranh nổi”.

Ông Trung cũng khẳng định, với giá bán thấp, các DN nhập thịt sẽ khiến người chăn nuôi bỏ chuồng trại hàng loạt. Đến lúc này nguồn cung gia cầm sẽ giảm, trong khi cầu tăng cao và các DNNK tha hồ thu “siêu lợi nhuận”. Vị Tổng Giám đốc Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng khẳng định: “Chúng tôi thừa sức đủ tiền để NK thịt về kinh doanh, nhưng tại sao chúng tôi lại không làm thế? Đơn giản là kinh doanh cũng phải có cái tâm, còn cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm cân đối cung cầu hợp lý. Nếu DN được ngành chức năng cho thoải mái nhập thịt thì trước tiên sẽ “giết” ngành chăn nuôi trong nước, hàng triệu nông dân sẽ thất nghiệp, dẫn đến những hậu quả khó lường về xã hội, kinh tế và chính trị”.

Là một chuyên gia trong ngành chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch – nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng gay gắt khi phân tích: Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của nước ta hiện nay trung bình khoảng từ 52 đến 55 nghìn tấn/tháng. Như báo cáo của Cục Thú y thì trong 9 tháng đầu năm nay, mỗi tháng có trung bình 7.000 tấn thịt gia cầm NK vào nước ta. Số lượng này đã chiếm khoảng 12% tổng lượng thịt gia cầm tiêu thụ trong nước. Theo nguyên tắc của thị trường, thì lượng thịt NK chiếm tới hơn 10% tổng lượng tiêu thụ, trong hoàn cảnh giá thịt NK về chỉ rẻ bằng ½ so với giá thịt trong nước, mà bảo là “không ảnh hưởng làm giảm giá thịt” thì đúng là nói bừa!

Không những thế, ông Lịch nhấn mạnh, trong tháng 8/2011, đây là lúc mà gia cầm trong nước đang trên đà giảm mạnh, thịt lợn cũng đang xuống dốc và người chăn nuôi đã bắt đầu không có lãi. Trong khi đó, mùa mưa ở miền Bắc, mùa lũ ở miền Nam, rồi dịch tai xanh cũng đang rậm rịch. Đáng ra, đây là thời điểm cần phải “chốt chặt” thịt NK để giữ giá trong nước. Thế nhưng đúng lúc này, lượng thị gà NK lên lại tăng đột biến tới hơn 11 nghìn tấn – tương đương tới hơn 20% tổng mức tiêu thụ thịt gia cầm bình quân/tháng của thị trường trong nước.  

Với thị trường tiêu thụ thịt gia cầm đông lạnh NK chỉ tập trung ở Hà Nội và TP HCM, thì đây chính là cú “nốc ao” vào thị trường thịt, khiến giá thịt bị “hạ gục” hoàn toàn từ tháng 9/2011 đến nay.

PHỤ PHẨM CẤM, THỊT “BẨN” VẪN VÀO!

Vào thời điểm giữa năm 2009, sau khi hàng loạt DN nhập thịt “bẩn”, kém chất lượng, hết “đát” bị phanh phui tại phía Nam, sau đó Cơ quan Thú y vùng VI đã có một cuộc cải tổ mạnh mẽ nhằm siết chặt kiểm định thịt NK, lập tức đã có hiệu quả.

Anh Đ cũng cho biết, để “lách” khỏi sự kiểm soát gắt gao ở cửa khẩu phía Nam, nhiều DN đã “chạy” ra cảng Hải Phòng và làm hồ sơ theo dạng tạm nhập tái xuất (chủ yếu là tái xuất sang Trung Quốc mỗi tháng vài trăm container). Tuy nhiên, do thị trường trong nước quá béo bở nên hầu hết sau khi làm thủ tục rời cảng Hải Phòng đều bị DN dỡ 80 - 90% lượng hàng để tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, với chủ trương “cửa” này khó mở thì ta đi “cửa” khác, một số DNNK “đen” đã quay ra phía Bắc để tuồn phụ phẩm cấm, thịt “bẩn” vào VN. Từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều vụ thịt “bẩn” khi bị phanh phui, kiểm tra giấy tờ đã phát hiện được nhập qua cảng Hải Phòng. Gần đây nhất, cuối tháng 9/2011 Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Công an Lạng Sơn phát hiện 3 xe container chở chân và mề gà đông lạnh (gần 90 tấn).

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là Cty TNHH Thương mại - XNK Kim Khâm (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) do ông Trần Văn Sỹ làm đại diện không xuất trình được hồ sơ chứng từ liên quan đến lô hàng trên. Cơ quan chức năng còn phát hiện Cty này khai báo gian dối tên hàng là chân, cánh gà đông lạnh nhưng thực tế kiểm tra có cả mề gà đông lạnh - mặt hàng đã bị nghiêm cấm nhập vào VN. Tương tự, đầu tháng 10/2011, phát hiện gần 15 tấn thịt bò đông lạnh NK kém chất lượng vận chuyển từ Bắc vào Nam, với biểu hiện thịt đã chuyển màu xanh đen, bốc mùi, bao bì không ghi rõ xuất xứ, hạn sử dụng…

Trao đổi với PV, anh Đ từng phụ trách phòng NK của một Cty kinh doanh hàng đông lạnh lớn tại TPHCM cho biết, hầu hết thịt gà các DN nhập về VN được liệt vào loại 2, loại 3 (loại chất lượng thấp, cận “đát”…) giá thành rẻ hơn 20 – 30% loại 1. “Chẳng hạn như mặt hàng đùi gà loại 3 và 2 chỉ khoảng 900 - 1.200 USD/tấn (19.000 - 25.000 đồng/kg), còn loại 1 lên tới 1.500 USD/tấn (31.000 đồng/kg), vì thế họ chẳng dại gì mua loại tốt vì người tiêu dùng VN đâu có phân biệt loại 1 hay loại 2 là thế nào đâu”.

Giá chợ vẫn đắt cắt cổ

Có một điều rất lạ là trong khi giá thịt lợn hơi, giá gà xuất chuồng hiện đã giảm tới 30 – 40% so với giai đoạn “sốt” giá thịt hồi giữa năm 2011, nhưng giá thịt xẻ bán trên thị trường hiện vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng và chỉ giảm nhỏ giọt. Tại chợ Hôm (phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tới hôm qua, giá thịt lợn ba chỉ vẫn đang nằm ở mức 100.000 đồng/kg – chỉ giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg - tương đương với mức giảm chỉ khoảng 9 – 10% so với hồi tháng 6, tháng 7 năm 2011. Một số loại thịt sườn, thịt thăn, nạc vai hiện vẫn giữ mức giá từ 110 – 120 nghìn đồng/kg, gần như giảm không đáng kể so với giai đoạn trước.

Tại siêu thị Intimex Bờ Hồ (phố Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm), giá thịt lợn nạc mông vẫn cao ngất ngưởng tới 139.000 đồng/kg, thịt sườn 148.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 133.000 đồng/kg, thịt thăn 149.000 đồng/kg, thịt nạc vai 136.000 đồng/kg. Còn giá gà ta bán tại đây vẫn ở mức tới 112.000 đồng/kg, gà lông đỏ tới 104.000 đồng/kg, trong khi giá gà ta, gà lông đỏ xuất chuồng hiện chỉ có hơn 30 nghìn đồng/kg.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm