Thơ chân dung là một mảng tương đối đặc biệt trong thi ca. Thơ chân dung thường được xuất hiện từ hai cơn cớ phổ biến, hoặc đồng cảm với cuộc đời của nhân vật, hoặc chia sẻ với tác phẩm của nhân vật. Muốn tiếp cận và phác thảo cho rõ một chân dung bằng ngôn ngữ thơ, người viết nhất định phải chuẩn bị tư thế kép, vừa là tri kỷ vượt thời gian vừa là tri âm xuyên không gian. Khi và chỉ khi, người làm thơ chân dung cảm nhận được đối tượng thẩm mỹ gần gũi như chính mình, thì may ra mới có những vần điệu rung động ân tình.
Thơ chân dung từng gây xôn xao văn đàn Việt với “Chân dung” của nhà thơ Xuân Sách và “Thương nhớ tài hoa” của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cách đây 30 năm. Về sau, cũng có thêm nhiều tác giả theo đuổi thể loại này, nhưng không mấy thành công.
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh có ý thức làm thơ chân dung từ lâu. Rải rác suốt hành trình sáng tạo của chị, những chân dung của tiền nhân và những chân dung của bè bạn cứ hiện ra nhẹ nhàng và ấm áp. Bây giờ, gom các bài thơ chân dung ấy vào một tập “Thơ chân dung” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, bỗng nhận ra thơ chân dung cũng là kết quả “trời đất chẳng phụ người nhân hậu” như một câu thơ của chị.
Thơ chân dung thường được viết bằng thái độ thù tạc hoặc bằng tư duy đáo để. Thái độ thù tạc thì chủ yếu câu chữ vuốt ve để giao lưu và bông đùa. Còn tư duy đáo để, đôi khi lại nhấn nhá vài góc khuất có ý mỉa mai và cười cợt. Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh không đi theo lối mòn ấy. Hay nói cách khác, nhà thơ Đặng Nguyệt Ánh có một nguồn năng lượng yêu thương và trân trọng để tìm thấy chân dung thơ theo cách riêng mình.
Vậy, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh viết thơ chân dung với ưu điểm gì? Thứ nhất là nền tảng đọc và hiểu tác phẩm của người khác. Thứ hai là sự chân thành đối đãi với người khác. Cộng hưởng cả hai yếu tố khiến thơ chân dung của Đặng Nguyệt Anh thuyết phục được độc giả, khi viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tự Đức, Phạm Hồng Thái, Võ Nguyên Giáp, Văn Cao, Hồ Dzếnh, Ngân Giang, Vũ Khiêu, Phùng Quán, Trương Nam Hương, Nguyễn Huy Dung, Phạm Trọng Thanh...
Thơ chân dung về nhân vật đã khuất mà người viết chưa từng có cơ hội gặp gỡ, khó nhất là tìm được một câu an ủi cho số phận họ. Với nhân vật Bà Huyện Thanh Quan, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đau đáu: “Tài nữ mà không được nhắc tên/ Mảnh tình non nước nhớ hay quên/ Suốt đời núp bóng sau ông Huyện/ Thu thảo bâng khuâng hồn thi nhân”. Còn với nhân vật Tú Xương, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh bùi ngùi: “Thần thơ thánh chữ kiếp này/ Cũng không đổi được một ngày thảnh thơi”.
Tương tự, Nguyễn Bính và Trần Dần là hai trường hợp có tài năng khác nhau và cũng nếm trải bi kịch dương gian khác nhau. Không thể viết về Nguyễn Bính và Trần Dần bằng những lời vu vơ giống hệt nhau. Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh phát hiện nét độc đáo của mỗi người, để giúp Nguyễn Bính thổ lộ: “Tương tư chưa hết một đời/ Duyên thơ thắt buộc cho người dở dang” và khẳng định giá trị của Trần Dần: “Ông mang một tia hi vọng/ Tặng cho người tuyệt vọng”.
Với những nhân vật mà mình đã từng có vui buồn đồng nghiệp, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh khắc họa được nhiều chân dung thơ khá ấn tượng. Không thể không thương cảm Hoàng Cầm khi đọc mấy dòng của Đặng Nguyệt Anh: “Người đi bâng khuâng nỗi nhớ/ Từ nguồn đến biển phiêu diêu/ Tìm lá diêu bông hư thực/ Thương ai nhặt ổi mưa chiều”. Và cũng dễ dàng hình dung được bóng dáng Lê Thị Kim khi nghe Đặng Nguyệt Anh truy vấn: “Thôi đừng nhìn em như thế/ Lỡ cháy lòng em thì sao/ Ơ kìa! Chàng hoàng tử bé/ Trái tim ngơ ngẩn khi nào?”.
Mỗi tác giả viết thơ chân dung luôn đặt ra hai mục tiêu, viết vì nhân vật và viết cho chính mình. Cho nên, bên cạnh việc gửi gắm sự tin yêu đến nhân vật, thì thơ chân dung phải có được những câu thơ mang dấu ấn đích thực của tác giả. Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh thật khéo léo, khi bắt được mong muốn thầm kín của Đặng Hấn vốn cưới được hiền thê trẻ đẹp: “Thích làm thơ nịnh vợ/ Cho tình yêu lên ngôi” và khi bắt được nỗi lòng vắng vẻ của Tôn Phong từng mưu sinh nhọc nhằn trên sân ga miền Trung: “Lối về đã khuất vầng trăng/ Để anh độc ẩm/ Trong lòng biển đêm”.
“Trời đất chẳng phụ người nhân hậu”, xin được nhắc lại câu thơ ấy để tái khẳng định thông điệp thơ chân dung của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh. Người nhân hậu dù chìm nổi giữa năm tháng bộn bề hay trôi dạt giữa thị phi danh lợi, thì vẫn có cơ hội hạnh ngộ người nhân hậu. Và đoạn kết nhân hậu là những câu thơ chân dung lặng lẽ và nồng nàn, cho một người và cho mọi người: “Suốt một đời đam mê/ Suốt một đời khát vọng/ Ôm trời cao đất rộng/ Đời mình vẫn bơ vơ”./.