| Hotline: 0983.970.780

Thợ lặn một chân kỳ tài

Thứ Hai 05/05/2014 , 10:26 (GMT+7)

Dù chỉ còn một chân nhưng ông Hồ Văn Tân vẫn hằng ngày hành nghề trục vớt ghe tàu, sà lan… khắp các tỉnh ĐBSCL.

Bị tiêm nhầm thuốc

Được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh như bao cậu bé khác nhưng nào ngờ cuộc đời ông Tân lại lắm éo le. Khi mới 3 tuổi, cậu bé con nhà nghèo bị bệnh và tiêm nhầm thuốc dẫn đến chân teo tóp lại.

Thực hiện theo chính sách xây dựng kinh tế mới, ông cùng gia đình chuyển từ Bắc vào Nam sinh sống. Nhà đông anh em, ông Tân là người con thứ năm, ai cũng may mắn có cuộc sống khá giả, còn với ông thì mọi việc đều không dễ dàng. Tuy nhiên, ông quyết tâm tập luyện để tự phục vụ cho chính cuộc sống của mình.

Trước khi làm nghề trục vớt ghe, tàu… ông Tân sống bằng nghề bán bánh lá dừa quanh các bến xe, khắp các ngả chợ để kiếm bữa ăn đắp đổi qua ngày. Theo ông, sống trong vùng sông nước ít nhiều cũng phải biết bơi.

Lần đầu tiên tập bơi cũng uống nước no bụng, sau nhiều lần như thế ông đã tự bơi được. Không chỉ biết bơi, ông còn là một người bơi giỏi, thợ lặn kỳ tài của vùng ĐBSCL được nhiều người dân khen ngợi.

Ông Tân khoe: Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng một số thanh niên thi thố tài bơi lội, người bình thường bơi còn không bơi giỏi bằng nên lần nào tôi cũng thắng.

Tự ngẫm về cuộc đời mình, ông Tân khắc khoải: Nghĩ cũng buồn, mọi người lành lặn, khỏe mạnh đi lại dễ dàng, trong khi đó mình bị tật một chân nên rất khó khăn trong cuộc sống nhưng phải cố gắng thật nhiều để làm tốt công việc dưới nước và giúp đỡ những người gặp nạn.

Không nhà cửa, ruộng vườn nên ông Tân sống và ngủ “bụi” quanh các xóm chợ qua ngày. Năm 2000, bà con thương xót cho ông mượn 7 triệu đồng mua chiếc ghe tam bản và chiếc máy Honda 5.5 mã lực để thuận tiện cho việc mưu sinh. Giờ đây, ông Tân sống trên chiếc ghe cũ với vài món đồ dùng, và đó là tất cả tài sản đối với ông.

Xuất hiện trước mặt chúng tôi với dáng đi khập khiễng, nước da ngăm đen, cháy nắng vì dầu nhớt, ông Tân nhớ lại, năm 20 tuổi, lần đầu tiên ông cứu vớt 2 vợ chồng mót lúa đi trên chiếc ghe nhỏ chở chừng 200 - 300 kg lúa.

Người chồng bị cụt mất một chân, cả 2 vợ chồng già yếu. Thấy ghe chìm nên ông Tân cứu vớt và được họ đền ơn 10 kg gạo. Chứng kiến biết bao ghe, tàu chìm nên ông Tân quyết định gắn bó với nghề.

11-12-32-bu-com-cu-ong-tn-chi-vi-lt-cnh111349505
Bữa cơm đạm bạc của ông Tân 

Lương tâm thôi thúc

Không chỉ làm việc ban ngày mà cả ban đêm, chỗ nào có tai nạn tàu ghe, sà lan…chìm, ai nhờ là ông đều giúp, dù đêm hôm lạnh lẽo cũng phải lặn tìm và nâng lên cho bằng được để người gặp nạn có thể về nhà. "Chiếc ghe, tàu… là tài sản lớn của họ, thấy mà không giúp thì mình không chịu nổi, lương tâm cứ thôi thúc nên tôi gắn bó với nghề này", ông Tân chia sẻ.

Dù được trả công hay không đối với ông không quan trọng, điều ý nghĩa nhất là được giúp người gặp nạn. "Nhiều lúc trục vớt ghe xong mà thấy người chủ khóc lóc vì con chết, tài sản mất thì không thể nào để họ bận lòng đưa tiền cho mình được. Nhiều khi tôi đi làm xa như ở Cà Mau, Cái Côn… không có tiền đổ xăng mà về. Còn đối với những người nghèo gặp nạn thì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không cần đền ơn", ông Tân tâm sự.

Không những vất vả ngày đêm mà đôi lúc ông làm việc không có được chén cơm trong dạ. Nhiều lúc nấu nồi cơm chưa kịp chín mà nghe có người đến nhờ lặn vớt ghe, tàu chìm là ông lui cui đi liền. Đôi khi đói quá uống chút nước cho đỡ đói để tiếp tục công việc cho xong. Những khi sáng sớm, buổi tối trời lạnh thì uống thêm chén nước mắm cho bớt lạnh.

Ông Hồ Văn Tân cho biết thêm, khó khăn nhất là trục vớt những ghe, tàu lớn chở cát, đá hơn trăm tấn vì ghe nặng nên chìm sâu và bám chặt đáy sông. Ông phải vác từng cần xé (đồ đựng bằng mây tre) để đổ vật liệu ra khỏi ghe.

Cách để lặn sâu là nhờ vào neo với dây thừng, một phần dây thừng buộc vào ghe nổi trên mặt nước, một đầu buộc vào neo cứ thế bỏ neo xuống sông, lần theo dây neo sẽ dễ tiếp xúc với vật bị chìm. Tiếp đến, xúc đá, cát vào cần xé rồi vác lên vai, dùng chân đạp mạnh lên be chiếc ghe hoặc tàu để đưa vật liệu ra ngoài.

Sau đó, dùng 4 chiếc thùng phuy cho chìm xuống đáy; tiếp đó cho thùng phuy vào khoang ghe rồi rút nước trong phuy ra, bơm không khí vào thùng phuy để kéo chiếc ghe lên khỏi mặt nước. Công đoạn nghe thì đơn giản nhưng tốn rất nhiều công sức.

Với 35 năm sống với nghề lặn, không dụng cụ chuyên dùng, chỉ có cái ống hơi, vài cái thùng phuy cộng với kinh nghiệm tích lũy của bản thân mà ông Tân xử lí mọi tình huống rất thành công, vớt được hàng trăm chiếc ghe, tàu… trên những dòng sông sâu từ vài mét đến vài chục mét.

Ông Tân kể, cách đây vài tháng nhận trục vớt một chiếc ghe trọng tải 120 tấn, chở 31.000 tấm tole bằng xi măng, trục vớt trong 1 tuần mới xong. Vô ghe rất khó khăn, dầu nhớt loang bám cả vào mắt và người, đôi khi rất cay mắt, lột da thậm chí khó tìm được đường ra, rất nguy hiểm đến tính mạng.

11-12-32-ong-tn-khp-khieng-tren-tung-nc-thng111348987
Ông Tân khập khiễng bước từng nấc thang

Không chỉ giúp đỡ người nghèo khó mà trong công việc ông Tân rất mực trong sáng từ việc vớt đồ dùng cho đến tài sản của người gặp nạn. "Làm nghề này phải có cái tâm, không lấy tài sản của người gặp nạn", ông Tân nói.

Ngoài việc trục vớt ghe tàu, ông Tân còn cứu người trong lúc hoạn nạn, làm việc bằng cả cái tâm và tình thương. Cách nay nửa tháng, ông cứu một bà lão ở ngã tư sông Ngã Bảy. Nhiều người đứng coi, hô hoán để cứu nhưng tất cả không ai dám xuống vì con nước rất xoáy và mạnh nhưng ông Tân vẫn liều mình cứu bà trong vòng nước xiết trước sự ngỡ ngàng của mọi người. "Thấy người gặp nạn phải cứu, làm sao bỏ được", ông Tân nói.

Người cha mẫu mực

Hiện ông Tân có một gia đình hạnh phúc. Ông và bà Nguyễn Thị Hạnh, 51 tuổi, có một người con gái là Hồ Thị Cẩm Tú, 15 tuổi, đang học lớp 8 rất ngoan và học giỏi ở Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Dù làm việc với số tiền kiếm được ít ỏi nhưng hằng tháng ông Tân đều chu cấp cho con 300.000 - 400.000 đồng. Những bữa cơm của ông không có gì nhiều, chỉ ít canh bí rợ, chén nước mắm là đủ. Tất cả công sức lao động đều dành cho vợ và con.

Ông Tân nói thêm: Tôi ráng làm lo cho con được đi học đến nơi đến chốn, hy sinh đời mình để cho con mình được nhờ. Đời mình đã khổ lắm rồi không muốn con cái phải như mình, mong sao con được cái nghề để lo cho bản thân nó.

Nhiều đêm mưa gió tạt vào, ông phải trong tư thế ngồi để có sức làm việc. Tấm lòng của người chồng, cha dành cho vợ và con luôn đầy ấp tình thương và sự ấm áp. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nay đây mai đó mà người thợ lặn này hằng ngày phải chống chọi với những hiểm nguy, khó khăn trong mưa nắng, bệnh không ai chăm sóc, sống dưới chiếc ghe lạnh lẽo, buồn nhưng rồi ông cũng cố nén để vượt qua để lo cho hạnh phúc của gia đình.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất