| Hotline: 0983.970.780

Thọ Xuân vì một huyện NTM

Thứ Năm 27/06/2013 , 09:58 (GMT+7)

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã vận dụng sức mạnh toàn dân để thực hiện công cuộc xây dựng NTM.

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã vận dụng sức mạnh toàn dân để thực hiện công cuộc xây dựng NTM. NNVN có cuộc trò chuyện với ông Lê Huy Hoàng (ảnh), Phó Chủ tịch UBND huyện, Thường trực BCĐ xây dựng NTM huyện, xung quanh những kinh nghiệm trong phong trào xây dựng NTM nơi đây.

Hài hòa nông, công nghiệp

Sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay Thọ Xuân đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Qua 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thông qua nguồn vốn huy động của người dân, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách các cấp và các nguồn khác, toàn huyện đã xây dựng mới và nâng cấp 1.845 nhà ở, hơn 2 nghìn nhà bếp; 10,4 km mương thoát nước thải; hơn 120 km đường GTNT, giao thông nội đồng; 67,19 km kênh mương nội đồng; xây mới, nâng cấp 164 cầu, cống; 13 trạm bơm; 41 nhà văn hóa xã; 16 nhà văn hóa thôn; 14 chợ; nâng cấp hệ thống truyền thanh ở 37 xã, thị trấn; 16 bãi chứa rác thải; xây mới gần 2 nghìn hầm khí sinh học bioga…

Về thực hiện các tiêu chí, đến nay đã có 1 xã đạt 14 tiêu chí; 8 xã từ 11-13 tiêu chí; 12 xã đạt 8-10 tiêu chí; các xã còn lại từ 4-7 tiêu chí.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình đạt trên 758 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương, tỉnh 51,74 tỷ; ngân sách huyện, xã trên 168 tỷ đồng; đóng góp của dân hơn 523 tỷ (chiếm 69,0%) và nguồn khác 14,87 tỷ đồng.

Những kết quả đạt được trên thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trong toàn huyện.

Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng huyện đã có những cách làm sáng tạo trong cấp quyền sử dụng đất bằng cách hỗ trợ cho xã đến 50% tiền cấp quyền sử dụng đất sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền đấu giá quyền sử dụng đất vượt giá sàn xã được hưởng 100%.

Ông có thể cho biết kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình?

Tôi cho rằng đó là việc thúc đẩy phát triển hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp (NN&CN), bởi hai lĩnh vực này tuy hoàn toàn khác nhau nhưng khi áp dụng vào xây dựng NTM cả hai là một, đều hỗ trợ đắc lực cho nhau.

Mục tiêu lớn nhất của phong trào xây dựng NTM là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Cho nên đầu tư mạnh vào phát triển NN&CN là hướng đi đúng đắn nhất của Thọ Xuân từ trước tới nay.

Thực tế không phải bây giờ chúng tôi mới xây dựng NTM, phong trào này đã được làm từ rất lâu rồi chỉ có điều nó chưa được chú trọng nhiều. Nhưng từ đầu năm 2010, khi tiếp nhận chủ trương xây dựng NTM của trung ương, tỉnh, chúng tôi đưa chương trình này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện để tập trung chỉ đạo thực hiện.

 Sau đó, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện đến xã, thôn và do Bí thư làm trưởng ban để huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.

Đặc biệt, quá trình thực hiện, Thọ Xuân phân công trách nhiệm hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí cho từng đoàn thể cụ thể; tăng cường tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu để mọi người dân thấu hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của họ khi tham gia xây dựng NTM.

Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo các xã dựa vào đặc thù của địa phương mình để lựa chọn tiêu chí dễ, ít tiền làm trước, tiêu chí khó, nhiều tiền làm sau và phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể để đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí với huyện.

Quy chế dân chủ cơ sở, để dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ cũng được đặt lên hàng đầu, bởi bất cứ người dân nào khi góp công, góp tiền vào xây dựng các công trình họ cũng phải thấy được hiệu quả. Nên yếu tố công khai, minh bạch là “chìa khóa” để các xã sớm về đích NTM.

Xây dựng con người mới

Những khó khăn mà huyện đang gặp phải là gì, thưa ông?

Như tôi đã nói từ đầu, xây dựng NTM là nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân, nhưng muốn xây dựng NTM thì trước hết phải xây dựng con người mới và yếu tố đóng vai trò quyết định là thay đổi tư tưởng, nhận thức của chính họ.

Mặc dù đại bộ phận người dân đã có cái nhìn sâu sắc về chương trình này nhưng cũng có một số người, thậm chí là cán bộ đảng viên vẫn đang có suy nghĩ xây dựng NTM là Nhà nước đầu tư tất cả, người dân chỉ chờ hưởng thụ.

Thứ nữa, hiện nay việc xây dựng quy hoạch huyện đã phê duyệt xong nhưng khi tiếp nhận việc phân khai đất từ tỉnh lại không khớp nên hầu hết quy hoạch đều bị phá vỡ, dẫn đến tiến độ thực hiện các tiêu chí còn lại chậm.

Đặc biệt, những tiêu chí cần đến nhiều tiền hầu hết ở giai đoạn nước rút, trong khi đó sức đóng góp của người dân có giới hạn, nên càng khó khăn hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ.

Được biết, Thọ Xuân đang dồn sức phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt huyện NTM. Để thực hiện được mục tiêu trên, Thọ Xuân sẽ làm việc gì trước, việc gì sau?

Trước hết, chúng tôi sẽ để các xã tự quy hoạch, đánh giá tiềm lực của đơn vị mình rồi đăng ký thời gian về đích chứ huyện không áp đặt chỉ tiêu lên các địa phương. Sau đó, xây dựng lộ trình thực hiện, đơn vị nào làm tốt có thưởng, đơn vị nào thực hiện không đạt yêu cầu thì bị phạt.

Với cơ chế này, hiện tại, đã có thêm 2 xã là Hạnh Phúc và Thọ Xương đăng ký về đích trước thời gian quy định, nâng tổng số xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí năm 2013 lên 3 xã (Xuân Giang, Hạnh Phúc và Thọ Xương).

Năm 2014, phấn đấu 4 xã về đích; 2015 hoàn thành 2 xã và đến 2025, toàn bộ 37 xã xây dựng NTM sẽ đạt chuẩn NTM (về trước kế hoạch 5 năm).

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên cơ sở và người dân hiểu rõ: Đây là chương trình phát triển KT- XH tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ và làm chủ, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

Đồng thời, chỉ đạo cấp xã chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc.

 Các Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, thôn đều phải xây dựng chương trình và quy chế làm việc, phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một loại việc và địa phương cụ thể, tránh hiện tượng “một số liệu nhiều đơn vị báo cáo”.

Cuối cùng, huy động tổng hợp sức mạnh của các thành phần kinh tế và toàn xã hội để xây dựng NTM một cách bền vững.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.