| Hotline: 0983.970.780

Thỏa cơn khát ngàn đời

Thứ Sáu 17/09/2010 , 10:39 (GMT+7)

Chỉ đến khi nguồn nước ngầm được “đánh thức”, khơi thông, người dân thị trấn Kon Downg (huyện Mang Yang) mới có khái niệm nước sạch…

Công trình nước sạch tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang- Gia Lai)

Sống trên mạch nguồn nước ngầm tinh khiết nhưng từ ngàn đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) và thị trấn Nhơn Hoà (huyện Chư Pưh, Gia Lai) luôn trong cảnh thiếu nước sạch. Chỉ đến khi nguồn nước ngầm được “đánh thức”, khơi thông, người dân nơi đây mới có khái niệm nước sạch…

Hết cảnh "khát giữa mưa"

Ông Đinh Lang, người làng Đê Cốp (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết: “Ngày trước, dân làng Đê Cốp luôn thiếu ăn nên chỉ lo đến miếng ăn, còn nước uống thì… ông bà mình ngày xưa uống nước nào, giờ mình uống nước ấy! Từ ngày được Nhà nước chăm lo, dân làng đã có đủ cái ăn, nhưng nước uống thì khó lắm. Mùa khô không có nước đã đành, ngay giữa mùa mưa mà vẫn không có nước để uống vì nước mưa từ thượng nguồn đổ về đục ngầu, đến con bò còn… lắc đầu bỏ đi mà. Chỉ từ khi Trung tâm Nước sạch của tỉnh làm công trình nước sạch ở thị trấn, người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh khát giữa mùa mưa”.

Nằm trong Dự án phát triển nước ngầm - cung cấp nước sạch nông thôn ở một số tỉnh Tây Nguyên, do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ, mới đây hai công trình nước sạch đã được đầu tư xây dựng tại thị trấn Nhơn Hoà (huyện Chư Pưh) và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang). Với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, đây là hai công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Gia Lai.

Mỗi cụm công trình có sức chứa trên 50m3 nước, lấy từ mạch nước ngầm tinh khiết, được khoan sâu trong lòng đất. Từ đây, với trên 70km đường ống phân phối và đường ống phục vụ, nguồn nước đã được đưa đến tận mỗi hộ gia đình. Ông Bùi Văn Tam, Giám đốc TT Nước sinh hoạt - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết: Trước mắt, hai cụm công trình này đảm bảo phục vụ lượng nước sạch cung cấp cho khoảng 4.000 hộ, với trên 21.000 nhân khẩu trong khu vực. Đến năm 2020, số người sử dụng nước sạch từ hai cụm công trình này sẽ là 27.000 nhân khẩu.

Từ khi hai cụm công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động (tháng 6/2010), đến nay đã có trên 2.000 hộ dân hợp đồng sử dụng nước, đưa nước về đến tận hộ gia đình, cam kết sử dụng và thanh toán theo đơn giá quy định là 4.500 đồng/khối. Người sử dụng chỉ cần đào đường lắp đặt ống dẫn nước vào nhà, còn lại toàn bộ các loại vật tư thiết bị, lắp đặt đường ống, bắt đồng hồ nước,…đều do dự án tài trợ.

Thay đổi nếp sinh hoạt lạc hậu

Từ khi có công trình, người dân ở hai địa phương này đã vĩnh viễn chấm dứt cảnh khan hiếm nước sạch để dùng. Siu Phương - một trai làng J’rai ở thị trấn Nhơn Hoà (huyện Chư Pưh) cho biết: “Ngày trước, mỗi khi vào mùa khô, giếng đào ở trong vùng hầu như đều bị cạn kiệt, năm nào cũng phải nạo vét thêm. Ở nhiều làng, người dân phải đi nhiều cây số để ra sông, đào những hố sâu giữa lòng sông cạn để lấy nước cho vào bầu, vào can, sau đó lại phải đi nhiều cây số để cõng nước về nhà... Bây giờ, chỉ cần đưa tay vặn vòi là nước sạch tuôn ra ào ạt, tha hồ mà dùng”.

Nước sạch về làng cũng đã thay đổi được ý thức, nếp sinh hoạt lạc hậu vốn tồn tại tự ngàn đời của người dân nơi đây. Tất cả những hộ đã hợp đồng dùng nước sạch đều sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt… Ở nhiều làng, nhiều hộ đồng bào J’rai, BahNar còn học tập người Kinh, tận dụng nguồn phân chuồng dồi dào, với nguồn nước sẵn có để xây dựng vườn rau sạch cho gia đình mình.

Được biết ở Gia Lai hiện tại, hàng năm vẫn còn khoảng 30% số dân ở vùng sâu thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Những công trình nước sạch như trên, sẽ đem đến cho đồng bào vùng sâu nơi đây niềm vui lớn, sẽ làm thoả cơn khát ngàn đời của người dân nơi đây.
Siu Phương là một trong những hộ gia đình như vậy, anh vui vẻ: “Trước đây, người dân trong làng thường chăn nuôi trâu bò, heo gà theo tập quán cũ là thả rông trong rừng, tối về ngủ dưới gầm nhà sàn chứ chẳng có chuồng trại gì. Bây giờ thì khác rồi, từ những kiến thức về Vệ sinh môi trường mà bà con đã biết xây dựng chuồng trại, chăn nuôi khoa học và hợp vệ sinh. Cũng từ đây, nguồn phân chuồng tập trung đã được tận dụng để phục vụ trồng trọt. Từ khi có công trình nước sạch, nhà tôi đã dùng phân chuồng để trồng rau, có nước để tưới nên trong nhà lúc nào cũng có rau xanh để ăn. Nhiều hôm, vợ tôi còn mang rau sạch ra chợ thị trấn bán, lấy tiền mua thêm sách vở cho các con đi học”.

Tuy mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng hai cụm công trình nước sạch ở Nhơn Hoà và Kon Dơng cũng như nhiều công trình nước sạch khác ở Gia Lai đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây là hai công trình có quy mô lớn, được xây dựng với kết cấu vững chắc, hình thức đẹp, được chính quyền địa phương và người dân vùng hưởng lợi đánh giá rất cao.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.