| Hotline: 0983.970.780

Thỏa thuận lãi suất: Ngân hàng “cười”, DN “mếu”!

Thứ Năm 04/03/2010 , 07:15 (GMT+7)

Trong lúc các ngân hàng kỳ vọng vào cơ chế thỏa thuận với khách hàng cho các khoản vay tín dụng trung và dài hạn thì nhiều doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn đang phải đau đầu tính toán, cân đối bài toán thu, chi.

Ảnh minh hoạ

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ chế thỏa thuận với khách hàng cho các khoản vay tín dụng trung và dài hạn được coi là một bước ngoặt đối với thị trường tín dụng trong năm 2010.  

Trong lúc các ngân hàng kỳ vọng vào cơ chế mới thì nhiều doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn đang phải đau đầu tính toán, cân đối bài toán thu, chi.

Doanh nghiệp: Không vay không được

Ông Trần Công Nghiệp, Giám đốc Công ty thép Minh Sơn cho biết, công ty đang có hợp đồng đến thời điểm đáo hạn với ngân hàng. Nhân viên ngân hàng vừa mời đại diện công ty đến làm việc để thỏa thuận việc nâng lãi suất “cho phù hợp với cơ chế mới của Ngân hàng Nhà nước”. Ông Nghiệp lo lắng: “Nói là thỏa thuận, nhưng thực ra là chấp thuận theo mức lãi suất phía ngân hàng đưa ra. Dự án đang triển khai, chúng tôi không chấp thuận thì lấy đâu tiền mà trả nợ?”

Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Văn Mạnh, chuyên kinh doanh hàng đông lạnh chia sẻ: Để đầu tư phát triển, doanh nghiệp phải vay vốn với thời gian ít nhất là 2 năm, lãi suất chấp nhận được là 13%/năm, vì lãi suất thường chiếm 30%-40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chi rất nhiều khoản khác. Nếu ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay từ 16%/năm trở lên thì doanh nghiệp khó có tỷ suất lợi nhuận cao. “Nhưng nếu không vay thì cũng chẳng còn cách nào khác, ngân hàng nắm đằng chuôi mà,” ông Mạnh than thở.

Nhiều doanh nghiệp nhận định, trước đây, trường hợp khách hàng vay trung, dài hạn để đầu tư sản xuất kinh doanh, ngân hàng phải áp lãi suất không quá 150% so với lãi suất cơ bản 8% một năm (tức là 12%/năm). Tuy nhiên, trên thực tế do thiếu vốn và phải huy động với chi phí cao, các ngân hàng đều tìm cách lách luật, cộng thêm phí, đẩy lãi suất doanh nghiệp thực trả cao hơn nhiều so với trần 12% một năm. Nhiều doanh nghiệp bị ám ảnh bởi chuyện ngay cả khi được vay theo lãi suất trần vẫn phải bấm bụng chi thêm nhiều thứ phí không rõ ràng khác.

Giờ, với cơ chế “thỏa thuận” mới, nhiều doanh nghiệp lại càng lo lắng hơn khi chi phí vốn bị đẩy lên cao, cộng thêm việc giá điện, giá xăng tăng… cũng sẽ khiến giá thành sản xuất tiếp tục bị đội lên, khó khăn lại càng chồng chất!

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Hải Vân (chuyên kinh doanh ống nước) cho biết, với mức lãi suất cho vay 16-17%/năm, doanh nghiệp khó mà chịu đựng nổi, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Áp lực lãi suất vay cao đang đẩy về phía các doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, thậm chí một số doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển sang vay USD với lãi suất khoảng 5%/năm, bởi theo tính toán vẫn có lợi hơn vay VND.

Thỏa thuận có thực theo thị trường?


Theo một số ngân hàng, việc áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận là phù hợp với quy luật thị trường. Nhờ đó, các ngân hàng sẽ có sự cạnh tranh về lãi suất cho vay, chất lượng phục vụ. Ngân hàng nào có giá vốn thấp sẽ cho vay với lãi suất thấp. Và khi đó, khách hàng nào càng có hệ số tín nhiệm cao (trả nợ đúng hạn, quan hệ lâu dài…) sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn.

Mặt khác, cơ chế  thỏa thuận cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp rộng đường tìm các ngân hàng giá rẻ nhất, ngân hàng cũng dễ tiếp cận được các doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường trên thị trường vốn tín dụng.

Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho hay: Công ty con của ngân hàng vẫn thực hiện thu phí đối với các khoản vay nhưng vừa làm vừa "run" vì nếu bị “tố” thì thanh tra ngân hàng sẽ vào cuộc. Vì vậy, việc được thỏa thuận lãi suất cho vay sẽ giúp ngân hàng có thể thực hiện tất cả các việc trên một cách công khai!

Đứng ở góc độ khác, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, ngân hàng chỉ chờ quy chế thỏa thuận này để tăng lãi suất và họ không có lý do gì để không thực hiện ngay trong những ngày tới, khi ngân hàng đang nắm tiền còn doanh nghiệp thì đói vốn.

Nhiều ý kiến còn lo ngại một cuộc đua lãi suất mới sẽ nóng ngay trong những ngày tới đây và lần này có thể còn căng thẳng hơn năm 2008 vì được “thỏa thuận”. Ngân hàng sẽ mặc nhiên “mặc cả” với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp thì phải “ngậm bồ hòn” vì nếu ngoảnh mặt với ngân hàng, đồng nghĩa với việc họ tự đặt dấu chấm hết cho công việc kinh doanh của mình!

Chính vì vậy, chuyên gia ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn  Đại Lai cho rằng ngân cần phải đề phòng tình trạng một số ngân hàng có thể liên kết độc quyền, nâng giá lên làm cho người đi vay bị thiệt hoặc dùng vốn trung và dài hạn biến tướng ra thành đầu cơ tài chính.  

Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cho hay, các ngân hàng thương mại phải nâng cao một bước hiệu quả quản lý, kiểm soát dòng vốn. Bởi với cơ chế mới, chi phí vốn tăng làm giá thành hàng hóa, dịch vụ tăng, mặt bằng giá cả nâng lên, tạo thêm áp lực kiểm soát lạm phát. Càng đáng ngại hơn nếu dòng vốn lại đổ vào những dự án kém hiệu quả, cung tiền tăng lên nhưng hàng hóa không tăng tương ứng, ngân hàng cũng khó thu hồi nợ.  

Ông Kiêm nhấn mạnh: “Mặc dù được thỏa thuân, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay cũng chỉ nên tối đa là 16%/năm, nếu vọt lên tới 18%-20% mỗi năm thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế”.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm