| Hotline: 0983.970.780

Thoả thuận Paris về khí hậu nguy cơ đổ bể

Thứ Ba 11/09/2018 , 10:30 (GMT+7)

Bất đồng về trách nhiệm tài chính của các quốc gia đang đặt Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trước nguy cơ không thể triển khai đúng lộ trình, thậm chí có nguy cơ đổ bể.

Tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu, phản đối Mỹ rút khỏi thoả thuận khí hậu Paris

Hôm 9/9 vừa qua, phái đoàn 196 quốc gia trên thế giới đã tham dự cuộc họp khẩn tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) nhằm chuẩn bị cho một hội nghị quan trọng khác diễn ra tháng 12 năm nay ở thành phố Katowice, Ba Lan. Theo AFP, mục tiêu của cuộc họp này là hướng tới một bộ quy tắc để thực thi thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, đạt được năm 2015.

Theo thoả thuận này, các quốc gia trên thế giới thống nhất giữ mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C, nhắm tới mục tiêu 1,5 độ C. Liên hợp quốc cho biết đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho nhiều quốc gia trên thế giới tránh những tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra như thiên tai, bão lũ, hạn hán… Tuy nhiên, sau 3 năm, tiến trình thực thi thoả thuận Paris đang diễn ra rất chậm.

Mấu chốt vấn đề là việc các quốc gia không thống nhất được mức độ đóng góp tài chính, đặc biệt của các nước đã phát triển. Thoả thuận Paris xác định để đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C, cần huy động nguồn tài chính khoảng 100 tỉ USD. Tại hội nghị Bangkok, đại diện nhiều quốc gia nghèo và nhỏ trên thế giới đã chỉ chỉ trích Mỹ và nhiều nước phương Tây né tránh trách nhiệm tài chính.

“Các nước đã phát triển phải chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng carbon trong lịch sử. Nhiều trong số họ giàu lên nhờ sử dụng nhiên liệu hoá thạch” - người đứng đầu nhóm đàm phán các quốc đảo nhỏ tại hội nghị, ông Amjad Abdullah cho biết. Theo ông Abdullah, thế giới đang hứng chịu những hậu quả nặng nề do ô nhiễm môi trường, dẫn tới những thay đổi về khí hậu.

Một đại diện cấp cao nhóm các nước châu Phi nói với AFP, Mỹ và nhiều nước giàu khác đã từ chối thảo luận về ngân quỹ thực thi thoả thuận trong tương lai. Điều này khiến cho quá trình đàm phán “giống như mới ở vạch xuất phát”. Trên thực tế, các bên đã đạt được những bước tiến nhất định, liên quan đến các vấn đề về công nghệ mới hay thị trường khí carbon, tuy nhiên theo AFP, mấu chốt của thoả thuận vẫn là tài chính.

Ông Harjeet Singh, chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc tổ chức phi chính phủ ActionAid cho biết, nếu các nước đang phát triển tiếp tục thể hiện quan điểm không ủng hộ về tài chính, thoả thuận Paris có thể sụp đổ. Trên thực tế, quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận của Tổng thống Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào quyết tâm của nhiều quốc gia. Mỹ từng được chờ đợi là “ngọn cờ đầu” của thoả thuận Paris. Một chuyên gia kỳ cựu nói với Bangkok Post, ngoài vấn đề về tài chính, quyết định của Tổng thống Trump giống như hành động “đầu độc” vào niềm tin của các quốc gia khác khi tham gia thoả thuận Paris.

AFP cho hay trong ngày hội nghị diễn ra tại Bangkok, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức những cuộc tuần hành vì môi trường. Tổng cộng, có khoảng gần 1.000 sự kiện đã diễn ra với 2 thông điệp chính được truyền đi: đẩy nhanh hướng tới một thế giới sử dụng năng lượng tái tạo thay cho khí đốt, dầu mỏ hoặc than đá và hai, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước tình trạng nước biển dâng, thời tiết cực đoan. Theo ông Abdullah, nhiều tổn hại do tình trạng nước biển dâng đã ở mức không thể hồi phục.

Tuần hành diễn ra ngay tại các thành phố của Mỹ như San Franciso, Pháp, Đan Mạch, và cả thủ đô Brussels (Bỉ). Tại Bangkok, ngư dân và người lao động Thái Lan cũng tham gia tuần hành phản đối việc Mỹ rút khỏi thoả thuận Paris. Nhiều nhà hoạt động đã kêu gọi EU, Anh, Úc tích cực hơn để bù lấp khoảng trống do Mỹ để lại.

(Theo AFP, Bangkok Post)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất