| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/05/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 30/05/2018

Thỏa thuận về giá đền bù đất với dân, bao giờ thành hiện thực?

Giá đất mà các địa phương công bố hàng năm, theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương trong phiên thảo luận tại nghị trường ngày 25/5 mới đây, chỉ bằng từ 10 đến 20% giá thị trường, nhưng lại được dùng làm...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà vừa có báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trong đó Bộ đã đề xuất bổ sung quy định đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nếu có nhu cầu, thì phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.

Đề xuất này lập tức thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Bởi từ hàng chục năm nay, đất đai chưa bao giờ thôi là vấn đề nóng. Khiếu kiện về đất đai luôn chiếm đến trên dưới 80% trong tổng số hàng vạn vụ khiếu kiện hàng năm, trong đó có hàng trăm vụ khiếu kiện đông người, kéo dài hàng chục năm. Nguyên nhân hầu hết đều có nguồn gốc từ giá đền bù đất trong các vụ thu hồi.

Nhà đầu tư lúc nào cũng muốn có đất với giá đền bù thấp nhất. Còn chính quyền thì lúc nào cũng sẵn sàng thu hồi đất cho doanh nghiệp. Người sử dụng đất chưa bao giờ được có ý kiến về giá trị quyền sử dụng đất trên mảnh đất mà mình đang có. Vì vậy, mỗi khi có việc thu hồi đất là địa phương náo động. Giá đất mà các địa phương công bố hàng năm, theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương trong phiên thảo luận tại nghị trường ngày 25/5 mới đây, chỉ bằng từ 10 đến 20% giá thị trường, nhưng lại được dùng làm căn cứ áp giá đền bù, khiến người dân phản ứng. Và thế là cùng với chính quyền, cả hệ thống chính trị cũng được huy động vào cuộc thu hồi đất: Nào vận động, nào thuyết phục, nào cưỡng ép... Và cuối cùng là cưỡng chế.

Tại rất nhiều địa phương, chính quyền còn sử dụng cả những “đòn bẩn” chỉ để ép người dân, như không đăng ký kết hôn, không xác nhận đi học, đi làm... cho con cái những gia đình chưa nhận tiền, giao đất. Nhiều nơi, giáo viên, cán bộ công nhân viên còn phải tạm nghỉ việc để về thuyết phục bố mẹ, vợ con. Chính vì vậy mà nhiều vụ thu hồi đất kéo dài hàng chục năm chưa xong. Giao xong mảnh đất mà mình gắn bó ngàn đời cho doanh nghiệp, người dân trở thành trắng tay, vì với số tiền ít ỏi vừa được nhận, họ chẳng biết làm gì. Lẽ ra, sau khi giao đất, họ phải có được một cuộc sống tốt hơn, thì trái lại, họ nhanh chóng rơi vào cảnh bần cùng.

Nay nếu được thỏa thuận với nhà đầu tư về giá đền bù đất. Và nếu hai bên thỏa thuận được với nhau một cách thỏa đáng, thì những cuộc thu hồi đất chắc chắn sẽ trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng và thuận lợi vô cùng. Phần lớn những vụ khiếu kiện về đất đai sẽ không còn. Người bị thu hồi đất sẽ có đủ tiền để chuyển sang sản xuất, kinh doanh nghề khác.

Vấn đề là: Bao giờ thì những đề xuất trên trở thành hiện thực? Và nếu được thế, thì đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách đất đai.

Bình luận mới nhất